Cuộc bạo loạn đẫm máu ở Mỹ khiến 63 người chết, 1.500 lính thủy đánh bộ mạnh tay trấn áp

02/06/2020 19:30

Cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở Mỹ thời gian qua khiến nhiều người nhớ lại cuộc bạo loạn đẫm máu ở thành phố Los Angeles năm 1992 – vụ việc cũng bắt nguồn từ việc cảnh sát dùng vũ lực quá mức với người đàn ông da màu.

Hình ảnh được cho là cảnh sát đánh hội đồng người đàn ông da màu vào ngày 3.3.1991.

Trả lời họp báo tại Nhà Trắng hôm 1.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố huy động binh sĩ quân đội “vũ trang hạng nặng” đến thủ đô để kiểm soát tình trạng biểu tình, gây rối và phá hoại.

CNN dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Lầu Năm Góc cho biết, khoảng 200-250 binh sĩ Mỹ tại căn cứ Fort Bragg, bang North Carolina, đang trên đường đến thủ đô Washington D.C.

Luật sư của Rodney King công bố bức ảnh những vết thương thân chủ mình bị cảnh sát đánh.

 

Theo Daily Mail, lần gần nhất quân đội Mỹ được huy động để đối phó tình trạng bạo loạn, cướp phá trên lãnh thổ Mỹ là vào năm 1992, trong cuộc bạo loạn đẫm máu ở Los Angeles.

Ngày 29.4.1992 tòa án Los Angeles xử trắng án cho 4 cảnh sát tham gia đánh hội đồng người đàn ông da màu tên Rodney King. Truyền hình Mỹ khi đó ghi lại cận cảnh Rodney King bị cảnh sát bắt giữ, dùng vũ lực quá mức cần thiết.

Việc các cảnh sát hành hung Rodney King được tuyên trắng án đã thổi bùng làn sóng giận dữ ở Los Angeles.

 

Bản án gây phẫn nộ trên diện rộng, bùng phát thành một trong những cuộc bạo loạn tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cuộc bạo loạn chỉ kéo dài trong 6 ngày nhưng tình trạng cướp bóc, tấn công, đốt phá, giết người tràn lan lên tới đỉnh điểm. Tổng cộng có 63 người chết, 2.383 người bị thương và 12.111 người bị bắt giữ trong cuộc bạo loạn. Thiệt hại trong cuộc bạo loạn ước tính lên tới 1 tỉ USD.

Bạo loạn chỉ diễn ra trong 6 ngày nhưng có tới 63 người chết và gây thiệt hại khoảng 1 tỉ USD.

 

Sau 4 ngày bạo loạn lan rộng ở Los Angeles với việc cảnh sát và lực lượng vệ binh quốc gia tỏ ra bất lực, Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush ra quyết định cứng cắn, ký sắc lệnh huy động 3.500 binh sĩ quân đội.

2.000 binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh số 7 đóng quân ở căn cứ Fort Ord và 1.500 lính thủy đánh bộ thuộc sư đoàn số 1 ở trại Pendleton có mặt ở Los Angeles.

Cảnh tượng đổ nát ở Los Angeles như chiến trường.

 

Chỉ sau 24 giờ, số lượng binh sĩ Mỹ hiện diện ở Los Angeles đã lên tới 13.500 người, đánh dấu lần binh sĩ Mỹ được huy động đông đảo nhất tới một thành phố Mỹ kể từ năm 1968.

Sự xuất hiện của lính thủy đánh bộ Mỹ trang bị súng trường M16 ở Los Angeles ngay lập tức tạo ra sự khác biệt.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tiến vào thành phố Los Angeles.

 

Theo trang mạng We Are The Mighty, khi sỹ quan cảnh sát yêu cầu lính thủy đánh bộ hỗ trợ trấn áp kẻ nổ súng bên ngoài một căn nhà, họ đã phản ứng rất khác với những gì sỹ quan cảnh sát này nghĩ. Thay vì bao vây và thuyết phục tay súng hạ vũ khí, lực lượng lính thủy đánh bộ đã nã tổng cộng 200 phát đạn vào căn nhà.

Bạo loạn năm 1992 là lần huy động một lượng lớn binh sĩ tới một thành phố Mỹ nhất kể từ năm 1968.

 

Cảnh tượng ở Los Angeless khi đó giống như chiến trường. Chỉ sau 36 giờ, lính thủy đánh bộ Mỹ cùng lực lượng vệ binh quốc gia đã lập lại trật tự ở thành phố.

Truyền thông Mỹ khi đó tập trung mô tả sự hiện diện của lính thủy đánh bộ, coi đây là giải pháp mạnh để khôi phục luật pháp và trật tự.

 

Sau khi lính thủy đánh bộ rời đi, lực lượng vệ binh quốc gia vẫn ở lại Los Angeles sau đó một tháng để đảm bảo tình hình được kiểm soát. Ước tính tỉ lệ phạm tội ở Los Angeles sau cuộc bạo loạn đã giảm tới 70%.

Theo We Are The Mighty, điều may mắn trong cuộc bạo loạn năm đó là không có binh sĩ nào thiệt mạng hay bị thương. Lính thủy đánh bộ Mỹ cũng không bắn nhầm hay làm bị thương dân thường.

Đăng Nguyễn/DV

Đọc nhiều