2
category
461712

Cùng nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của năm 2020

30/12/2020 19:47

Năm 2020 đang khép lại với nhiều cảm xúc đan xen, nhiều sự biến động trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, và để cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quan nhất về tình hình của đất nước, BBT Cánh Cò sẽ điểm lại 10 sự kiện nổi bật của năm.

1. Lũ lụt lịch sử ở miền Trung

Năm 2020 cũng ghi nhận những hiện tượng thời tiết dị thường. Đêm 30 Tết, xuất hiện mưa đá bất thường ở nhiều địa phương, báo hiệu một năm có nhiều bất động. Và không ngoài dự đoán, sau đó là Đại dịch COVID-19 lây lan sang Việt Nanm. Và khi chỉ tạm thời thở phào sau những trận chiến với “giặc Covid” thì đất nước lại phải đối mặt với thử thách mới, đó là sự tàn phá của thiên tai.

Chỉ trong vòng 2 tháng, miền Trung liên tiếp hứng chịu 8 cơn bão, 2 đợt áp thấp nhiệt đới, 2 trận mưa lũ lịch sử kéo dài. Mưa lũ dị thường kéo theo những hậu quả khủng khiếp. Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng, gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam.

Nhiều người dân mất nhà cửa ruộng vườn, nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, phạm vi ảnh hưởng đến hàng triệu người, hàng loạt cơ sở sản xuất bị tàn phá, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tê liệt hoàn toàn do sạt lở đất, nền kinh tế thiệt hại nghiêm trọng chưa từng có, thiệt hại riêng về mặt kinh tế ước khoảng 1,4 – 2 tỷ USD. Những trận sạt lở đất kinh hoàng khiến 132 người thiệt mạng

Trong đợt lũ lịch sử này, cả nước lại một lần nữa hướng về miền Trung, những đoàn từ thiện, những chuyến xe chở hàng tiếp tế, những hoạt động quyên góp ủng hộ diễn ra khắp nơi, tuy có những điều chưa đẹp, nhưng tổng kết lại, chưa bao giờ toàn dân tộc đã đùm bọc và đòan kết với nhau như vậy.

2. Đại dịch Covid-19

Năm 2020, sự xuất hiện của một loại chủng mới virus mang tên Corona khiến cả thế giới và Việt Nam chao đảo. Trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam là vào ngày 23/1/2020. Kể từ thời điểm đó, khó khăn thật sự bắt đầu. Tuy nhiên, nhờ “Chủ động ngăn chặn – Phát hiện sớm – Cách ly kịp thời – Khoanh vùng gọn – Dập dịch triệt để và điều trị hiệu quả”, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã có các giải pháp hiệu quả để ứng phó, kiểm soát và đẩy lùi đại dịch, hạn chế thấp nhất các ca tử vong do COVID-19 gây ra.

Đặc biệt, là không chỉ cứu chữa thành công cho người dân Việt Nam mà công dân nước ngoài cũng được tận tình cứu chữa. Với tinh thần, “không để ai tụt lại phía sau” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất, “tự tin” thực hiện hàng trăm chuyến bay đón công dân ở khắp các nước trên thế giới. Bên cạnh đó,Ngành y tế cũng nỗ lực nghiên cứu phân lập virus, bào chế vaccine, giúp Việt Nam thành 1 trong 56 quốc gia thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người giai đoạn 1. Nhờ vậy, Việt Nam đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của toàn thể nhân dân, được thế giới đánh giá cao, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

3. Kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử của ngành Giáo dục Việt Nam

Covid-19 mang đến những thay đổi mang tính bước ngoặt ở mọi lĩnh vực. Giáo dục – cũng không nằm ngoại lệ trong cuộc tàn phá này. Chưa bao giờ trong lịch sử, học sinh cả nước phải nghỉ học trong vòng 3 tháng để ứng phó với dịch bệnh. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam tổ chức dạy học trực tuyến trên quy mô toàn quốc. Với nhiều cố gắng của cả thầy và trò, hơn 79% học sinh Việt Nam được học trực tuyến, cao hơn tỷ lệ trung bình của các nước OECD.

Bức tranh mùa dịch có thể không đầy những màu sắc rực rỡ nhưng chắc chắn luôn có những điểm sáng để chúng ta tin tưởng rằng giáo dục luôn công bằng và tình người vẫn luôn ở đó. Trong khi các nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang chồng chất, nhiều thầy cô giáo vẫn tự bỏ tiền túi để in tài liệu, tìm mọi cách để các em học sinh dù ở nhà vẫn có thể tiếp thu kiến thức, nhiều trường tư bằng mọi giá vẫn nhất quyết trả đủ tiền lương cho giáo viên.

Bên cạnh đó, quá trình ứng phó với dịch bệnh đem đến cho ngành giáo dục và các địa phương những kinh nghiệm quý giá đồng thời mở ra những cơ hội mới cho giáo dục trong chuyển đổi số.

4. Năm của chuyển đổi số quốc gia

Không chỉ riêng giáo dục, tác động của đại dịch COVID-19 đã tạo nên cú huých đối với quá trình Chuyển đổi số tại Việt Nam. 2020 là một năm quan trọng của ngành ICT Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, chính thức khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.

Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng và công nghệ mở là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số.

Trong năm qua, Bộ TT&TT đã hiện thực và cụ thể hóa hơn nữa thông điệp “Make in Vietnam”. Đây là slogan được tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Thuật ngữ này nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

5. Việt Nam chính thức thử nghiệm mạng 5G

Nhờ “Make in Vietnam”, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới triển khai thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G bằng thiết bị tự sản xuất. Cũng nhờ có tinh thần này, Việt Nam đã chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng Bluezone – góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19.

6. Quốc Hội chính thức phê chuẩn Hiệp Định Thương mại Tự do Việt Nam (EVFTA) Và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA).

Năm 2020, Việt Nam gặt hái nhiều thành công về kinh tế đối ngoại, đặc biệt với dấu ấn đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sau 9 năm, giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường 500 triệu dân, có quy mô GDP 18.000 tỷ USD.

Hiệp định EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo thoả thuận ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu). Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, năm 2019 kim ngạch hai chiều gần 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 41,5 tỷ và nhập khẩu từ EU là15 tỷ USD. Theo đánh giá của Chính phủ, hiệp định này sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,18-3,25% trong 5 năm đầu thực thi; 4,57-5,3% cho 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% trong 5 năm sau đó.

Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu. Việt Nam cũng ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Anh – Việt Nam. Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP. Qua đó, mở ra Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

7. Việt Nam vừa làm Ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc, vừa làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN 

Tiếp nối đà thành công về kinh tế đối ngoại, Việt Nam đã đảm nhiệm cùng lúc nhiều trọng trách của khu vực và thế giới. Trên cương vị là Chủ tịch ASEAN, vai trò dẫn dắt của Việt Nam được các nước ASEAN và các đối tác đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta.

Thành công nổi bật nhất của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là việc Việt Nam đã thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, các nước ASEAN đồng thuận về việc đề cao Luật pháp Quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình ở Biển Đông, giải quyết mọi mâu thuẫn qua ngoại giao và đối thoại.

Quốc hội Việt Nam cũng đã có 1 năm rất thành công trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 2020); tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41).

Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, đặc biệt là trong tháng Việt Nam là Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã thông qua 13 quyết định, một tuyên bố của Chủ tịch, năm tuyên bố báo chí và hai thông tin báo chí. Ðây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của Hội đồng Bảo an trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam lấy ngày 27/12 hàng năm là “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Và năm nay lần đầu tiên “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh” được tổ chức trên phạm vi toàn thế giới.

Phát huy tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã cùng các thành viên ASEAN thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại, duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch COVID-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

8. Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025

Mặc dù liên tiếp phải trải qua những khó khăn và thử thách, tuy nhiên tình hình trong nước vẫn được đảm bảo như Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vẫn được tổ chức theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, thành công tốt đẹp.

Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã bầu được 3.330 người vào Ban chấp hành khóa mới, trong đó 51 đồng chí Bí thư có trình độ thạc sĩ trở lên, tăng 21% so với nhiệm kỳ trước. Hầu hết các chủ trương lớn của Đảng như bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương hay trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo đã được đẩy mạnh hơn, làm quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ này. Tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, người dân tộc thiểu số, người trẻ cao hơn so với các nhiệm kỳ trước, có tới 43% tân Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X.

Mỗi đảng bộ đều bám sát tình hình, đặc điểm của mình để xây dựng hướng đi và giải pháp phù hợp, tạo bước phát triển về lượng và chất. Các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, chất lượng cấp ủy và thường trực cấp ủy được bảo đảm.

9. Nghị định 100 hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực

Hay việc, đầu năm 2020, Nghị định 100 hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nghị định này đã mang đến những tín hiệu đáng mừng. Số ca tai nạn giao thông giảm nhanh, đặc biệt là giảm 75% số người tai nạn vì rượu bia dịp Tết Canh Tý. Các ca cấp cứu liên quan đến uống rượu bia cũng giảm đáng kể.

Nhiều nhà hàng, quán nhậu cũng đưa ra phương án hỗ trợ khách đặt xe, gọi xe hoặc gửi xe qua đêm. Từ ngày đó, nhiều người dân nghiêm chỉnh chấp hành “đã nhậu thì không ôm xe, mà đi xe ôm”.

Mặt khác, Nghị định 100 cũng khiến ngành bia rượu phải chịu tác động mạnh. Họ vừa phải lên kế hoạch thích nghi Nghị định 100 lại phải ứng phó dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rượu – bia – giải khát dự tính lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và các lệnh giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập được gỡ bỏ, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đã có sự phục hồi..

10. Hàng loạt cán bộ cấp cao bị khởi tố, bắt giam và xử lý

Bên cạnh đó, năm 2020 là năm “củi lửa” và mạnh tay nhất trong công tác phòng chống tham nhũng với mục tiêu làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân, xử lý triệt để những sai phạm của quan chức nhà nước.

Những cái tên được “đưa vào lò” đã nói lên tất cả, Đinh La Thăng tiếp tục ra hầu toà, Đô đốc Lê Văn Hiến, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng hàng loạt quan chức cấp Bộ, cấp Tỉnh bị kỷ luật, …

Các phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan đến các vụ án kinh tế tham nhũng trọng điểm đã tiếp tục đưa ra các hình phạt nghiêm khắc với các cán bộ vi phạm. Tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong duy trì kỷ luật Đảng cũng tiếp tục được khẳng định.

Trải qua năm 2020 đầy khó khăn và biến động, Việt Nam đứng vững giữa đại dịch COVID-19, nằm trong các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới. Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia tăng giá trị nhanh nhất năm nay trên toàn cầu, theo đánh giá của Brand Finance: đứng thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị.

Năm 2020 đã khẳng định sự ưu việt của chế độ xã hội, sức mạnh của hệ thống chính trị Việt Nam. Thắt chặt tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực tự cường, củng cố mạnh mẽ lòng tin của nhân dân vào sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; giúp chèo lái đất nước vượt qua những biến cố, khó khăn, “biến nguy thành cơ”, biến lực cản thành động lực để tiếp tục phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

BBT Cánh Cò

Đọc nhiều