128027
category
478546

Cục sắt 40 tấn khiến Nga – Trung suýt nổ ra chiến tranh hạt nhân

21/02/2021 05:40

Trung Quốc tấn công đồn biên phòng và chiếm đất khiến Liên Xô phải triển khai vũ khí mới nhất để đối phó, nhưng không ngờ đã để mất cỗ xe tăng bí mật vào tay đối thủ.

Năm 1964, căng thẳng biên giới Nga – Trung gia tăng, lực lượng quân sự hai nước bắt đầu được tăng cường ở khu vực tranh chấp.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn, khi Trung Quốc tố lính Liên Xô tấn công dân thường ở khu vực biên giới, còn Liên Xô tố ngược lính Trung Quốc có hành vi khiêu khích. Để tránh leo thang căng thẳng, biên phòng Liên Xô được lệnh dùng gậy xua đuổi dân Trung Quốc vượt qua biên giới.
Bắc Kinh đáp trả bằng việc sử dụng gậy dài hơn, khiến tranh chấp hai bên trở thành một cuộc đấu gậy. Hai bên cử võ sĩ và đô vật ra biên giới, bởi cả hai phía đều không muốn nổ ra chiến tranh, hay bị mất mặt.
Ngày 2/3/1969, lấy lý do trả thù cho dân thường thiệt mạng, lính Trung Quốc tấn công các đồn biên phòng của Liên Xô trên đảo Trân Bảo, nằm giữa sông biên giới Ussuri, khiến 59 người thiệt mạng và 94 người khác bị thương.
Để chiếm lại đảo Trân Bảo, Liên Xô ngày 15/3 điều 4 xe tăng chủ lực T-62 tham chiến. Đây là khí tài mới nhất và vẫn được Moscow giữ bí mật vào thời điểm đó. Tuy nhiên khi vượt qua khúc sông hẹp bị đóng băng, một chiếc xe tăng dính mìn, đứt xích và khựng lại, ba chiếc còn lại vội vã rút về phía Liên Xô.
Lính Trung Quốc ném lựu đạn vào trong xe, khiến kíp lái Liên Xô thiệt mạng. Các chỉ huy Trung Quốc muốn kéo chiếc xe tăng tối tân này về phòng tuyến của mình, nhưng vấp phải hỏa lực bắn tỉa bên sườn của Liên Xô.
Ngày hôm sau, được sự cho phép của Trung Quốc, quân Liên Xô quay lại để mang xác đồng đội về. Tuy nhiên, khi lính Liên Xô cố gắng cứu kéo chiếc xe tăng, quân Trung Quốc lại nổ súng buộc họ phải rút lui. Ngày 21/3, Liên Xô điều đội công binh đến để phá hủy chiếc xe tăng, ngăn nó rơi vào tay Trung Quốc, nhưng họ tiếp tục bị hỏa lực đối phương đẩy lùi.
Ngay sau khi quân Liên Xô rút lui, hải quân Trung Quốc được lệnh hỗ trợ kéo chiếc xe tăng T-62 về phía nước này. Ngày 28/3, lực lượng này đến nơi nhưng bị Liên Xô nã pháo, khiến họ phải thay đổi chiến thuật.
Dưới sự cảnh giới của lính bắn tỉa, công binh Trung Quốc ẩn nấp sau chiếc T-62 bắt đầu tháo dỡ từng bộ phận của chiếc xe tăng cho đến ngày 2/4, khi khối băng trên mặt sông bắt đầu tan chảy. Phát hiện điều đó, phía Liên Xô liên tục bắn vào khối băng xung quanh xe tăng cho đến khi nó bị chìm xuống sông mới rút quân.
Tuy nhiên hải quân Trung Quốc vẫn không bỏ cuộc, tìm mọi cách trục vớt chiếc xe tăng bằng các thiết bị thô sơ, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng do hạ thân nhiệt. Đến ngày 29/4, họ lấy được các bộ phận còn lại của chiếc xe tăng chủ lực T-62 và chuyển tới nhà máy chế tạo xe tăng ở Lyshuen.
Liên Xô vẫn chưa từ bỏ chiếc xe này. Giữa tháng 5, một người Trung Quốc bị bắt gần nhà máy ở Lyshuen với chiếc túi chứa đầy thuốc nổ. Người này thừa nhận làm việc cho Liên Xô với ý định phá hủy nhà máy cùng chiếc xe tăng T-62.
Theo các chuyên gia quân sự thời điểm bấy giờ, sự cố trên đảo Trân Bảo năm 1969 đã đẩy Liên Xô và Trung Quốc đến bờ vực chiến tranh, cuộc xung đột có thể khiến hai bên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Việc Trung Quốc thử vũ khí hạt nhân năm 1964 giúp Bắc Kinh có khả năng răn đe độc lập. Tuy nhiên, họ phải dựa vào các tên lửa nhiên liệu lỏng có độ tin cậy kém, đòi hỏi nhiều giờ chuẩn bị, trong khi chỉ có thể ở trên bệ phóng trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, tên lửa Trung Quốc không thể vươn tới các mục tiêu quan trọng của Liên Xô ở khu vực gần châu Âu. Lực lượng oanh tạc cơ Trung Quốc với vài chiếc T-4 và H-6 hoàn toàn bất lực trước hệ thống phòng không tối tân của Liên Xô.
Ngược lại, Liên Xô đạt khả năng hạt nhân tương đương với Mỹ, sở hữu kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược mạnh, dễ dàng xóa sổ khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc, cũng như các tập đoàn quân trung tâm và các thành phố lớn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Liên Xô vẫn tỏ ra thận trọng, họ hiểu rằng không thể tấn công hạt nhân Trung Quốc mà không phải trả giá. Liên Xô coi tấn công hạt nhân là phương án dự phòng, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tin rằng lãnh thổ rộng lớn và quân số đông của họ đủ sức bảo vệ Trung Quốc trước mọi cuộc tấn công hạt nhân.
Cuộc tranh giành chiếc xe tăng T-62, chỉ kéo dài trong vòng hai tuần rồi kết thúc. Chiếc xe tăng bị đánh cắp không thể giúp tăng sức mạnh cho quân đội Trung Quốc, nhưng nó góp phần quan trọng giúp lãnh đạo nước này nhận ra, không thể đối đầu với phương Tây và Liên Xô cùng lúc. Điều đó thúc đẩy Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Washington sau đó.
Năm 1991, đảo Trân Bảo được Nga trao trả cho Trung Quốc. Tới tận năm 2003, Nga và Trung Quốc mới hoàn thành việc phân định biên giới. Nguồn ảnh: Sina.

Thái Hoà

Đọc nhiều