Cục CSGT: Cán bộ phải cười khi xử lý vi phạm
Cục CSGT quán triệt mỗi chiến sỹ CSGT phải nở một nụ cười với người dân khi dừng xe xử lý vi phạm, khi họ chấp hành và ký vào biên bản thì nói lời cảm ơn.
Chiều 25-12, Cục CSGT Bộ Công an tổ chức hội nghị thông tin báo chí về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2020.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết tình hình TTATGT trong năm qua có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu cả 3 tiêu chí, vượt xa chi tiêu Bộ Công an giao.
Cụ thể, toàn quốc xảy ra 14.977 vụ, làm chết 6.857 người, bị thương 11.161 người. So với năm 2019, giảm 2.678 vụ (-15,17%), giảm 772 người chết (10,12%), giảm 2.484 người bị thương (-18,2%).
Tuy nhiên, Cục trưởng CSGT nhận định tình hình TTATGT vẫn còn nhiều phức tạp. Số vụ TNGT giảm nhưng TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách, xe đầu kéo còn xảy ra nhiều… gây bức xúc, lo lắng trong dư luận.
Cục trưởng CSGT cũng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí trong một năm qua đã góp phần tuyên truyền các chính sách, quy định mới liên quan đến lĩnh vực, điển hình là Nghị định 100/2019, các đợt cao điểm xử lý vi phạm… Bên cạnh đó, báo chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hiện tượng tiêu cực còn tồn tại để lực lượng CSGT kịp thời xử lý.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết 2020 là năm đầu tiên số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 7.000 người.
Dù vậy, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trong giờ cao điểm và nhất là trong các dịp nghi lễ tết, cuối tuần vẫn xảy ra nhiều. Nguyên nhân là do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông chưa được cải thiện nhiều; tần suất người và phương tiện ra, vào khu vực nội thành quá lớn; công tác tổ chức giao thông chưa phù hợp…
Đặc biệt, tình trạng chống lại CSGT đang thi hành công vụ tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm hết sức manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật, đã xảy ra 33 vụ, làm 19 cán bộ bị thương, bắt giữ 33 đối tượng.
Nói thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Cục phó Cục CSGT, nhấn mạnh đến tính chất manh động của các đối tượng chống đối CSGT.
Để giải quyết tình trạng trên, Cục CSGT đã yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc chủ động nắm tình hình, thông qua nắm bắt địa bàn, tuyến đường để biết các địa điểm, khu vực thường xuyên xảy ra hành vi chống đối.
Trong đó, Cục CSGT tập trung nắm tình hình ở hai nhóm đối tượng là vi phạm nồng độ cồn và đua xe trái phép. CSGT sẽ phối hợp với công an địa phương giáo dục, tuyên truyền những người này ngay từ đầu, tránh xảy ra hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, theo Thiếu tướng Đức, Cục CSGT sẽ tập huấn văn hóa ứng xử cho lực lượng CSGT, bởi mọi vấn đề phát sinh giữa CSGT và người dân xuất phát từ văn hóa ứng xử.
Cục CSGT đặt ra các tiêu chí để tạo sự chuyển biến trong lực lượng, trong đó quán triệt mỗi chiến sỹ CSGT phải nở một nụ cười với người dân khi dừng xe xử lý vi phạm, tạo sự thân thiện. Tiếp đó, khi người dân chấp hành và ký vào biên bản thì CSGT phải nói lời cảm ơn.
Mở cao điểm, xử lý gần 6.000 tài xế có nồng độ cồn
Theo số liệu, trong 10 ngày đầu thực hiện cao điểm xử lý vi phạm (từ 15-12 đến 24-12), lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 69.720 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 73 tỉ đồng; tạm giữ 670 ô tô, 10.631 mô tô; tước GPLX 9.378 trường hợp.
So với 10 ngày trước liền kề, xử lý tăng 32.950 trường hợp, tiền phạt tăng hơn 33 tỉ đồng.
Trong đó, đường bộ: xử lý 68.065 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, phạt tiền hơn 71 tỉ đồng; tạm giữ 670 ô tô, 10.631 mô tô; tước GPLX 9.378 trường hợp; đường thủy: xử lý 1.655 trường hợp, phạt tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
Đáng chú ý, chỉ trong 10 ngày ra quân thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện 5.877 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, 46 tài xế dương tính với ma túy.
TUYẾN PHAN/PLO