8
category
412628

Cục Bảo vệ thực vật nói gì về châu chấu lạ di cư từ Trung Quốc?

24/07/2020 19:29

Châu chấu di cư từ Trung Quốc sang cắn phá tre nứa, hoa màu ở Điện Biên di cư từ Trung Quốc là châu chấu tre lưng vàng, không phải loài châu chấu sa mạc.

Châu chấu tre lưng vàng từng xuất hiện và tàn phá cây trồng ở Cao Bằng /// Ảnh Hà An
Châu chấu tre lưng vàng từng xuất hiện và tàn phá cây trồng ở Cao Bằng

Trao đối với PV chiều nay, 24.7, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), cho biết qua xác minh từ địa phương, loài châu chấu di cư từ Trung Quốc xuất hiện ở địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên là loài châu chấu tre lưng vàng, không phải là loài châu chấu sa mạc.

Châu chấu tre lưng vàng thuộc nhóm châu chấu đàn. Trong những năm gần đây đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng cho cả cây trồng nông lâm nghiệp ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Đây là loài sinh vật có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn, khó kiểm soát. Khi tuổi lớn, chúng có thể tập hợp thành đàn với số lượng lớn và di cư đi tìm nguồn thức ăn và nơi đẻ trứng.

Cũng theo ông Bùi Xuân Phong, từ cuối tháng 3 đến nay, châu chấu tre lưng vàng đã phát sinh và gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu… tại 4 tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Ninh với tổng diện tích nhiễm là 69 ha.

Ở Cao Bằng, Điện Biên và Quảng Ninh, mật độ châu chấu tre lưng vàng phổ biến 100 – 200 con/m2, cao nhất là 400 – 600 con/m2. Cục bộ ở Cao Bằng có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2. Diện tích xuất hiện châu chấu tre lưng vàng ở thời điểm hiện tại thấp hơn 176 ha so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, châu chấu tre lưng vàng còn gây hại trên cây thạch đen ở Bắc Kạn và cỏ dại ở hầu hết các tỉnh xuất hiện châu chấu. Tại Thanh Hóa, trong tháng 6 ghi nhận có châu chấu tre lưng vàng gây hại trên rừng hỗn giao luồng, nứa, vầu, le, lách với diện tích nhiễm 250,8 ha, mật độ 400 – 500 con/bụi.

Hiện huyện Mường Nhé đang triển khai phương án phun hóa chất tiêu diệt các ổ châu chấu phát sinh tại chỗ.

Giám sát chặt chẽ, không để bùng phát dịch

Cũng theo ông Bùi Xuân Phong, Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ không để dịch châu chấu bùng phát trở lại và phá hại cây trồng trên diện rộng. Đối với châu chấu phát sinh trong nước, các đơn vị bảo vệ thực vật tập huấn người dân các thông bản nhận biết châu chấu tre lưng vàng và các loại châu chấu khác (kể cả châu chấu sa mạc) để nông dân phát hiện, thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời tổ chức phòng trừ.

Sử dụng các thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và phần mềm đánh dấu các điểm châu chấu xuất hiện hoặc châu chấu đẻ trứng để khoanh vùng, tập trung tổ chức phòng trừ.

Đối với châu chấu di cư từ Lào, Trung Quốc sang Việt Nam, chúng ta đang phối hợp với các nước tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình châu chấu phát sinh và gây hại; phối hợp kiểm soát giảm tình trạng châu chấu di cư xuyên biên giới. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng Việt Nam trực tiếp tham gia giám sát để phát hiện sớm nhất châu chấu di cư vào Việt Nam.

Cũng theo Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, để diệt trừ châu chấu tre lưng vàng gây hại, Cục Bảo vệ thực vật có 2 biện phòng phòng trừ. Ở biện pháp sinh học, nếu mật độ châu chấu thấp có thể dùng côn trùng động vật từ nhiên như gà, vịt, chim, ếch nhái, các loài bò sát… để tiêu diệt; sử dụng các chế phẩm sinh học phòng chống châu chấu như: chế phẩm từ nấm gây bệnh cho côn trùng như Metarhizium anisopliae, chế phẩm từ tuyến trùng, nguyên sinh động vật (Nosema locustae), chế phẩm virus gây bệnh cho côn trùng như Nucleo Polyhedrosis Virus (NPV).

Cũng theo ông Phong, Bộ NN-PTNT đang giao Cục Bảo vệ thực vật triển khai các nghiên cứu ứng dụng một số chế phẩm sinh học như nấm Metarhizium anisopliae, Beauveria bassiana, Nucleo Polyhedrosis virus và nhân nuôi các loài bắt mồi ăn thịt (gà, vịt, chim…) để xử lý châu chấu tre lưng vàng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong trường hợp châu chấu phát sinh thành ổ dịch với mật độ cao thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học phun ngay từ khi châu chấu mới nở.

Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam đã có hoạt chất như Cypermethrin, Fenobucarb, Emamectin benzoate, Lufenuron, Imidacloprid, Thiosultap-sodium (Nereistoxin)… để phòng trừ châu chấu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận gây hại đầu tiên trên rừng tre, luồng vào năm 2008 tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ.

Đến năm 2016, châu chấu tre lưng vàng đã bùng phát, gây hại thành dịch, gây hại trên 3.704,5 ha diện tích cây trồng nông lâm nghiệp.

PV/TN

Đọc nhiều