Cuba – Hành trình cường quốc y tế – Kỳ 2: Kiểm soát HIV/AIDS và vắc xin ung thư phổi

13/07/2021 09:56

Dù bị ngăn trở rất nhiều với bên ngoài vì lệnh cấm vận suốt 6 thập kỷ, Cuba vẫn xây dựng một hệ thống y tế lớn mạnh được chứng thực bởi những thành tựu y tế đã đi vào lịch sử y khoa nước này cũng như nhân loại.

Cuba - Hành trình cường quốc y tế - Kỳ 2: Kiểm soát HIV/AIDS và vắc xin ung thư phổi - Ảnh 1.
Hai lọ thuốc Cimavax-EGF dùng để điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến triển ở thủ đô Havana, Cuba – Ảnh: AP

Chất lượng nghiên cứu khoa học của Cuba thật tuyệt vời. Điều đó cho phép họ phát triển được những loại vắc xin mà chúng ta chưa từng thấy ở các nước còn lại trong khu vực.

Bà Clare Wenham (phó giáo sư ngành chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London, Anh)

Chặn nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con

Năm 2012, Tạp chí Y Tế Công Cộng Mỹ (của Hiệp hội Sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ) công bố nghiên cứu có tên “Trường hợp kỳ lạ của Cuba”. Trong đó các nhà khoa học Mỹ đánh giá về hệ thống y tế quốc gia Cuba trong suốt 5 thập kỷ để rút ra những kinh nghiệm đáng tham khảo.

“Rất ít nước có thể sánh với Cuba về kỷ lục tiêm chủng đầy đủ cho 98% trẻ em trước 2 tuổi; tiêm vắc xin ngừa 13 loại bệnh cho trẻ em; chăm sóc trước khi sinh cho 95% thai phụ trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ; và kiểm soát bệnh mãn tính, trong đó có các đợt đo huyết áp thường niên cho gần như toàn dân” – nghiên cứu này nêu.

Cũng từ đó, các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng bất kể những khác biệt về thể chế chính trị cũng như tiềm lực kinh tế mỗi nước, những phân tích thấu đáo về các nguyên tắc y tế, cách thực hiện và kết quả đạt được của nền y tế Cuba là căn cứ xác đáng để hệ thống y tế của Mỹ tham khảo trong quá trình cải tổ. Và khi nói về thành công của y tế Cuba, không thể quên những cột mốc đáng nhớ.

Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận Cuba là nước đầu tiên trên thế giới loại bỏ được nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

“Việc loại bỏ được sự lây nhiễm virus này là một trong những thành tựu y tế cộng đồng lớn nhất có thể đạt được” – bác sĩ Margaret Chan, tổng giám đốc WHO vào thời điểm ấy, nhận định. “Đây là một chiến thắng lớn trong cuộc chiến lâu dài của chúng ta chống lại HIV và các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục, và là bước quan trọng hướng tới một thế hệ không còn bệnh AIDS” – bà Margaret Chan nói.

Trên thực tế, để đạt thành tựu đó, từ năm 2010 WHO và Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) đã phối hợp với Cuba trong các nỗ lực cải thiện “tiếp cận chăm sóc trước khi sinh, xét nghiệm HIV và giang mai cho cả thai phụ lẫn chồng họ, điều trị những thai phụ có HIV và con họ, kỹ thuật sinh mổ và giải pháp thay thế việc cho con bú”.

Tiến sĩ C. William Keck, tác giả chính của nghiên cứu đề cập ở phần đầu bài viết, trong một cuộc phỏng vấn năm 2016 với Đài ABC (Mỹ) cho rằng mặc dù Chính phủ Cuba có nguồn lực hạn chế, song chính quan điểm và chiến lược tập trung không ngừng cho chăm sóc dự phòng đã giúp cải thiện hiệu quả chất lượng y tế của họ. Chăm sóc dự phòng có thể coi là “xương sống” của nền y tế Cuba.

“Không kể một số ít ngoại lệ, khoảng 99% người dân Cuba được khám sức khỏe một lần trong năm, và có thể hai lần” – ông Keck nói.

Cuba - Hành trình cường quốc y tế - Kỳ 2: Kiểm soát HIV/AIDS và vắc xin ung thư phổi - Ảnh 3.
Một kỹ thuật viên làm việc tại Viện vắc xin Finlay tại thủ đô Havana ngày 20-1-2021 – Ảnh: AFP

Phát triển vắc xin ung thư phổi

Dù không thể tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài do vướng phải các lệnh cấm vận của Mỹ, song Chính phủ Cuba luôn ưu tiên nguồn lực khiêm tốn cho công nghệ y sinh. Trong nhiều thập kỷ qua, Cuba đã sản xuất được không ít loại vắc xin tiên tiến với chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Bên cạnh việc là nước đầu tiên phát triển thành công vắc xin phòng viêm màng não type B vào thập niên 1980, Cuba đã có những thành tựu đột phá trong phát triển vắc xin điều trị ung thư phổi có tên Cimavax.

Đây là thành tựu của các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Miễn dịch học phân tử Cuba. Theo báo US News, các nghiên cứu đánh giá cho thấy Cimavax được dung nạp tốt và một số người bệnh đã cải thiện tình trạng. Vắc xin này hiện đang thực hiện các thử nghiệm đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép.

Vì sao một vắc xin do Cuba phát triển lại có thể triển khai những thử nghiệm tại Mỹ? Đây là minh chứng sinh động cho thấy y khoa có thể là cầu nối giữa hai quốc gia đối đầu trong quá khứ và hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều khác biệt.

Do các thử nghiệm lâm sàng vắc xin Cimavax được thực hiện tại Cuba nên FDA (Mỹ) không sử dụng kết quả đó để phê chuẩn vắc xin này. Vì vậy, Trung tâm nghiên cứu ung thư Roswell Park tại Buffalo, New York đã đề nghị FDA cho phép họ thử nghiệm vắc xin này tại Mỹ và đã được chấp thuận.

Kể từ năm 2017, các thử nghiệm lâm sàng vắc xin Cimavax điều trị ung thư phổi bằng liệu pháp miễn dịch đã được triển khai tại Roswell Park. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Mỹ phối hợp với Cuba thử nghiệm điều trị ung thư phổi bằng Cimavax. Trang web của Trung tâm Roswell Park cho biết hiện tại họ vẫn đang tuyển các tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc xin Cimavax.

Theo trang web của tổ chức Hội đồng các vấn đề bán cầu (COHA), các nhà nghiên cứu tại Roswell Park đã rất kinh ngạc trước những thành tựu y khoa đột phá của Cuba. Theo họ, những tiến bộ đó có tiềm năng đáng kể thúc đẩy việc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch.

Cuối năm ngoái, khi nói về việc hợp tác phát triển vắc xin này với Cuba, bà Candance Johnson, chủ tịch kiêm CEO Trung tâm Roswell Park, cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng… Chúng tôi đang bước vào giai đoạn mới thiết yếu của quá trình hợp tác giữa Roswell Park và các nhà khoa học tiên tiến Cuba. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các liệu pháp điều trị ung thư tiềm năng này nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể”.

Theo bà Clare Wenham, phó giáo sư ngành chính sách y tế toàn cầu tại Trường Kinh tế London (Anh), có lẽ chính các lệnh trừng phạt quốc tế áp lên Cuba đã buộc cộng đồng y khoa nước này trở nên tự lực và sáng tạo hơn.

“Chất lượng nghiên cứu khoa học của Cuba thật tuyệt vời – bà Clare Wenham nói với báo Washington Post – Điều đó cho phép họ phát triển được những loại vắc xin mà chúng ta chưa từng thấy ở các nước còn lại trong khu vực”.

Cần phải nói thêm, trong những ngày cuối cùng tại nhiệm, tổng thống Donald Trump đã đưa Cuba vào danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Nhưng bất chấp khó khăn, đầu tư cho giáo dục và y tế vẫn luôn là ưu tiên cao nhất của Cuba. Theo Washington Post, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Cuba hiện có ít nhất 31 công ty nghiên cứu và 62 nhà máy với hơn 20.000 công nhân.

Bỏ qua những căng thẳng giữa Mỹ và Cuba, cộng đồng y tế và khoa học ở Washington, D.C đều đã công nhận những thành công trong y học của quốc đảo vùng Caribê. Lịch sử các đột phá y khoa vẫn đang được làm mới của Cuba cũng đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Quốc gia này đã có quan hệ hợp tác y khoa với hơn 67 nước.

D.KIM THOA

Đọc nhiều