Cử tri vẫn cho rằng việc kê khai tài sản còn hình thức, chiếu lệ

29/10/2020 15:31

Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri 3 TP lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, và Đà Nẵng đều kiến nghị có xử lý tốt hơn về vấn đề tài sản để kiểm soát tham nhũng.

Sau khi thảo luận qua 3 kỳ họp Quốc hội, luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018 /// Ảnh Gia Hân
Sau khi thảo luận qua 3 kỳ họp Quốc hội, luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018

Cử tri TP.HCM, Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã đem lại kết quả to lớn, củng cố được niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay việc kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là khâu yếu, còn hình thức và chiếu lệ. Cử tri đề nghị cần tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Trả lời kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài việc kế thừa các quy định còn phù hợp của luật trước đây về tài sản phải kê khai, thì luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức, nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.

Luật mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng lại thu hẹp diện đối tượng phải kê khai hằng năm để tập trung kiểm soát có trọng tâm, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ giám đốc sở và tương đương trở lên, và một số vị trí công tác dễ nảy sinh tham nhũng.

Để đảm bảo việc kê khai tài sản, thu nhập được chính xác và xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không trung thực, luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định cụ thể 4 phương thức kê khai tài sản, thu nhập (kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hàng năm, và kê khai phục vụ công tác cán bộ); bổ sung một số căn cứ xác minh như khi có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.

Về thu hồi tài sản, Thanh tra Chính phủ cho biết đang khẩn trương hoàn thiện xây dựng Đề án cơ sở Quốc gia về tài sản thu nhập, và cho rằng đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Ngoài ra, báo cáo trả lời kiến nghị cử tri cũng đề cập đến việc sẽ xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kê khai không trung thực sẽ ra khỏi danh sách quy hoạch lãnh đạo
Cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng bổ sung chế tài xử lý các trường hợp chây ỳ, trốn tránh trong việc trả lại tiền đã tham nhũng, đồng thời công khai số liệu định kỳ về thu hồi tài sản tham nhũng để nhân dân được biết.

Văn bản trả lời của Chính phủ cho biết, tại luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có nghĩa vụ kê khai tài sản không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực đã được quy định xử lý bằng các hình thức như: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người đã được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm;

Người có nghĩa vụ kê khai khác nếu kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xử lý kỷ luật, và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý từ cảnh cáo trở lên là đủ để đảm bảo tính răn đe; nếu được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Đồng thời, Luật cũng quy định trường hợp họ chủ động xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể được xem xét không kỷ luật.

Về việc công khai số liệu định kỳ về thu hồi tài sản tham nhũng để nhân dân được biết, theo trả lời của Chính phủ, nội dung này được nêu trong Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ trình bày tại các kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

(Theo TNO)

Đọc nhiều