Cử tri muốn tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ phòng chống

03/12/2019 13:42

Sáng 3-12, cử tri các quận 1, 3, 4 của TP.HCM đã tham dự tiếp xúc với đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang (phó bí thư Thường trực Thành ủy), Lâm Đình Thắng (phó bí thư Quận ủy Bình Thạnh), thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa (chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM).

Cử tri muốn tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ phòng chống - Ảnh 1.
Cử tri gửi kiến nghị đến các đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc sáng 3-12 – Ảnh: TỰ TRUNG

Phải coi tham nhũng như tội phản quốc

Cử tri Nguyễn Kim Hương, quận 4, băn khoăn về tình trạng tham nhũng còn nhức nhối, đặc biệt là tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng, tham nhũng vặt ở nhiều lĩnh vực, nhất là ở cấp cơ sở. Bà Hương đề nghị không nên đặc xá, giảm án cho tội phạm tham nhũng.

“Cần coi tội tham nhũng như tội phản quốc, bán ma túy. Nhân dân có nhu cầu chính đáng là tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ ở mức độ phòng chống nữa”, bà Hương tha thiết.

Cử tri Nguyễn Xuân Cường, quận 3, chia sẻ bận tâm: “Ông cha ta đã nói ‘nhà dột từ nóc, thượng bất chính hạ tất loạn’, nên phải xử nghiêm bất kể người vi phạm ở cấp nào để chấn chỉnh.

Thời gian qua, nhiều vụ án xét xử qua nhiều cấp, xử đi xử lại nhiều lần, có vụ xử rồi thi hành án lại không được khiến cử tri không hiểu vì sao. Cần xác định rõ nguyên tắc nếu cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình thì tài sản đó được xem là bất minh, có khả năng là tài sản tham nhũng”.

Cử tri muốn tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ phòng chống - Ảnh 2.
Cử tri Nguyễn Xuân Cường phát biểu về tình trạng tham nhũng – Ảnh TỰ TRUNG

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe người dân

Cử tri Lý Tuyết Mai, quận 1, đề nghị phạt nặng xe đang lưu thông mà xả nhiều khói bụi. Bên cạnh đó là khuyến khích, tạo điều kiện để người dân dùng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế nấu nướng bằng than. Các dự án bất động sản cũng phải quy định chủ đầu tư trồng nhiều mảng xanh để thanh lọc không khí.

Cử tri cũng nhấn mạnh phải chế tài nặng với những tổ chức, cá nhân làm ô nhiễm nguồn nước, cùng lúc là kiểm tra định kỳ chất lượng cơ quan cấp nước chứ không phải chờ có sự cố mới kiểm tra.

Cử tri Chu Thị Bình, quận 3, cũng lo lắng về tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là khi TP.HCM luôn theo sát Hà Nội về độ ô nhiễm không khí. Về nguồn nước thì sau sự cố ở Hà Nội, bà Bình cho rằng các tỉnh thành khác cũng cần kiểm tra lại chất lượng cung cấp nước sạch.

“Hiện các con sông là nguồn cung cấp nước cho TP cũng đang bị ô nhiễm. Phải có giải pháp quan trắc cả về nước và không khí, báo kết quả thường xuyên cho dân biết để có giải pháp tự bảo vệ mình”, bà Bình kiến nghị.

Cử tri muốn tiêu diệt tham nhũng chứ không chỉ phòng chống - Ảnh 3.
Đại biểu Trần Lưu Quang, phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, trả lời cử tri – Ảnh: TỰ TRUNG

Không gì tệ hơn nếu cơ quan chống tham nhũng lại tham nhũng

Chia sẻ với cử tri, đại biểu Trần Lưu Quang – phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – thừa nhận: “Không có gì tệ hơn nếu các cơ quan có trách nhiệm phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng”.

Ông Quang nhấn mạnh lại quan điểm nhất quán từ lãnh đạo cao nhất của đất nước là phải xử lý thật nghiêm nếu phát hiện. Thời gian vừa qua việc xử lý tham nhũng đã nghiêm túc, trách nhiệm hơn, đã có cán bộ thuộc hàng ủy viên Bộ Chính trị và nhiều tướng lĩnh cấp cao bị xử lý.

“Về chống tham nhũng, chúng ta chưa bao giờ có sự dừng lại hay lơ là. Tuy nhiên để kết tội bất cứ ai đều cần có sự cẩn trọng”, ông Trần Lưu Quang nói.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng đồng tình về vai trò của việc kê khai tài sản như một giải pháp hữu hiệu để phát hiện, phòng, chống tham nhũng.

“Hiện nhiều nơi đang trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp. Việc này đang làm rất chặt chẽ, đúng quy định, mục tiêu để nhiệm kỳ tới, người đủ tài đức được lựa chọn vào bộ máy”, ông Quang nói.

Về tình trạng ô nhiễm, ông Trần Lưu Quang nhận định đây là mặt trái của quá trình phát triển. Về nước sạch, dù TP.HCM chưa có sự cố gì nhưng không thể lơ là, chủ quan, phải coi đây là vấn đề an ninh, đảm bảo cho nhu cầu sống còn của người dân. Về ô nhiễm không khí, trước mắt phải có giải pháp kiểm soát như quy hoạch, di dời các nhà máy ra xa khu dân cư, trồng thêm cây xanh…

MAI HƯƠNG/Tuổi Trẻ

Đọc nhiều