Cú bắt tay giữa Mỹ và Ấn Độ mang về lợi ích đặc biệt cho Việt Nam

27/02/2020 21:16

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên Ấn Độ. Chuyến thăm bắt đầu tại bang Gujarat, quê của ông Modi. Kết quả to lớn nhất của chuyến thăm này chính là việc hai bên sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện, đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, điều bài viết muốn nói là sau cuộc gặp gỡ, cú bắt tay giữa nguyên thủ hai nước thì chính Việt Nam cũng sẽ có lợi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi nắm tay nhau rất thân tình, gần gũi.

Địa chính trị Ấn Độ – Thái Bình Dương

Ngày 22/9/2019 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khởi đầu chuyến thăm Hoa Kỳ kéo dài một tuần cùng dự kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc “meeting vĩ đại” mang tên “ Xin chào Modi” gồm 50.000 người tại Sân vận động NRG của đội bóng Houston Texans để đón chào Thủ tướng Ấn Độ Modi cùng với vận động tranh cử. Tại đây, ông Modi được tổng thống Trump dùng những mỹ từ ngợi ca “người cha của Ấn Độ”, “một trong những người bạn lớn và trung thành của nước Mỹ”. Còn Thủ tướng Modi thì ca ngợi Thống thống Trump là người bạn “ấm áp, thân thiện”, “tràn đầy năng lượng và dí dỏm” và rất ngưỡng mộ “khả năng lãnh đạo”, “quyết tâm mạnh mẽ để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Cũng tại “Xin chào, Modi!”, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố, Mỹ và Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc tập trận ba lực lượng “Tiger Triumph” vào tháng 11/2019, gồm cả ba binh chủng Lục quân, Hải quân và Không quân. Còn Thủ tướng Modi kêu gọi 4 triệu cử tri gốc Ấn bỏ phiếu cho Tổng thống Trump trong cuộc tranh cử sắp tới.

Thứ hai, Ngày 24/2/2020, Tổng thống Doanald Trump thăm chính thức Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tổ chức cuộc “meeting vĩ đại” có tên “Namaste Trump” trên sân vận động Cricket lớn nhất thế giới ở Ahmedabad (quê nhà của Narendra Modi) với 110.000 người đến dự, cùng 3000 nghệ sĩ biểu diễn. Tại đây Tổng thống Trump đã có bài phát biểu lịch sử, có những lời:

“Ấn Độ mang lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ trong 70 năm, Ấn Độ đã trở thành nền dân chủ lớn nhất và là một trong những quốc gia vĩ đại nhất trên thế giới. Dưới thời Thủ tướng Modi, các ngôi làng ở Ấn Độ được sử dụng điện. Có thêm hơn 300 triệu người có kết nối Internet. Ấn Độ sẽ sớm trở thành nơi có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới. Điều ấn tượng là Ấn Độ đã đạt được tất cả những điều này với tư cách là một nền dân chủ và một quốc gia khoan dung. Thành tựu của Ấn Độ là vô song”.

Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Ấn Độ là Ahmedabad, thủ phủ bang Gujarat – quê nhà của Thủ tướng Modi, ngày 24/2.

Về mặt cá nhân, ông chủ Nhà Trắng miêu tả Thủ tướng Modi là “Một người bình tĩnh”, “Một nhà lãnh đạo vĩ đại”, “Người luôn làm việc vì dân”. Còn hhẩu hiệu “Namaste Trump” ( Đón chào Trump) lập tức được đội quân tranh cử của Tổng thống Donald Trump sử dụng tức thì tại Mỹ.

Ngày 25/2/2020 tại New Delhi, Mỹ đã ký hợp đồng bán cho Ấn Độ 24 chiếc trực thăng tấn công cùng trang thiết bị quân sự trị giá 3 tỷ USD. Và một thỏa thuận với Exxon Mobil bán khí đốt hóa lỏng cho Ấn Độ. Một thỏa thuận nhằm xóa bỏ cán cân thâm hụt thương mại 25,2 tỷ USD của Mỹ đang được thương thảo.

Thứ ba, từ khi lên nắm quyền từ 20/1/2016, Tổng thống Donald Trump thay đổi chiến lược Địa – Chính Trị một cách căn bản. Trong số đó là ưu tiên cho Địa-Chính Trị Ấn Độ – Thái Bình Dương thay vì Châu Á – Thái Bình Dương trước đây.

Như vậy, Ấn Độ phải là đối tác chiến lược chìa khóa của Hoa Kỳ. Và các chuyến viếng thăm giữa lãnh đạo hai nước cùng các thỏa thuận hợp tác quân sự và kinh tế là những mục tiêu cấp thiết mà lãnh đạo hai nước hướng đến.

Có 110.000 đã tham dự buổi đón tiếp chào đón tổng thống Donald Trump.

Việc Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí quân sự thứ 2 cho Ấn Độ với thị phần lớn chỉ sau Nga là dấu mốc đá tảng đặc biệt. Không phải chỉ Mỹ sẽ “xén” dần thị phần vũ khí quân sự của Nga tại Ấn Độ, mà quan trọng hơn, Ấn Độ có vũ khí quân sự từ Mỹ – là khắc tinh cho vũ khí quân sự của Trung Quốc vốn chỉ mua vũ khí quân sự của Nga và nhái lại.

Nga cung cấp đến 50% thị phần vũ khí quân sự của Ấn Độ. Những vũ khí nào của Ấn Độ mua từ Nga thì Trung Quốc đều có. Điều đó làm cho vũ khí Ấn Độ “không có gì ngạc nhiên” với Trung Quốc. Nhưng nay Ấn Độ có vũ khí tấn công của Mỹ. Và mỗi ngày một nhiều hơn. Bàn cờ chiến trường thay đổi cục diện căn bản.

Ấn Độ là cường quốc dân số, cường quốc kinh tế, cường quốc quân sự, và là cường quốc hạt nhân. Đối thủ số 1 của Ấn Độ là Trung Quốc chứ không phải Mỹ, càng không phải Nga hay Liên minh Châu Âu. Không chỉ là tranh chấp lãnh thổ bắt đầu từ cuộc chiến tranh Trung – Ấn năm 1962, mà là vì vị thế Địa Chính Trị toàn cục trên trường quốc tế.

Theo thống kê ngày 31/12/2019 thì Dân số Trung Quốc là 1 433 783 686 người , chiếm vị trí số 1 với tỷ phần 18,47% dân số thế giới. Còn tương ứng dân số Ấn Độ là 1 366 417 754 người chiếm vị trí thứ 2 với tỷ phần 17, 70% dân số thế giới. Chênh lệch là 67 365 932 người. Với tốc độ tăng trưởng dân số của Trung quốc là 0.39% và Ấn Độ là 0.99%, thì dự báo sau 10 năm nữa dân số Ấn Độ sẽ vượt dân số Trung Quốc.

Cùng với dân số thì tiềm lực quân sự và tiềm lực kinh tế của Ấn Độ sẽ dần tiệm cận với Trung Quốc. Ấn Độ tiếp giáp với Trung Quốc. Trung Quốc là lo lắng số 1 của Ấn Độ. Đây là điều rất quan trọng đối với Mỹ. Bởi vì khi có Ấn Độ trên cùng một mặt trận với Mỹ, thì việc đối đầu và không chế Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Liên minh kim cương

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ khi nắm quyền lần đầu đã đề nghị thiết lập “Liên minh kim cương” vào năm 2006. Đó là vành đai Nhật Bản – Ấn Độ – Úc – Mỹ. Không cần nói thì cũng hiểu tại sao lại cần có “liên minh kim cương”. Quan hệ Mỹ – Ấn vững chắc là “liên minh kim cương” vững chắc.

Chỗ trống nào cho Việt Nam?

Ông bà ta có câu “Cú có Vọ mừng”. Quan hệ Mỹ – Ấn càng nồng ấm thì Việt Nam càng có lợi. “Liên minh kim cương” càng vững chắc thì càng có lợi cho Việt Nam. Việt Nam phải biết chọn vị trí để hưởng lợi từ quan hệ Mỹ – Ân và từ “liên minh kim cương”. Một mắt xích mà “liên minh kim cương” đang thiếu chính là Đông Nam Á. Chỗ trống đó có dành cho Việt Nam? Nếu Việt Nam tiếp tục nỗ lực giữ vững vị thế, uy tín trên trường quốc tế cùng với những chỉ đạo, quyết định sáng suốt của lãnh đạo thì tin rằng nước ta sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong bàn cờ Địa-Chính Trị thế giới.

Nguyễn Ngọc Chu 

Đọc nhiều