Covid-19 là dịch nhóm B: Có bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng?
Để có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong điều kiện Việt Nam bao phủ vắc xin trên diện rộng, đã có thuốc kháng vi rút và đảm bảo thuốc thiết yếu điều trị Covid-19, hướng tới chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các chuyên gia theo hướng tối giản các quy định về phòng, chống dịch…
Thay đổi hình thức cách ly
Theo Bộ Y tế, hiện luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cách ly y tế, những “người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải được cách ly” vẫn cần phải thực hiện. Tuy nhiên, trước thực trạng tại nhiều địa phương có xu hướng gia tăng số nhiễm mới trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến việc thiếu hụt nhân lực cho các hoạt động thiết yếu của địa phương, nhất là các hoạt động dịch vụ chăm sóc y tế, các dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quản lý điều hành, dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị với bối cảnh phục hồi kinh tế – xã hội trong điều kiện bình thường mới…
Bộ Y tế đề xuất cho phép người nghi ngờ mắc bệnh, người mang mầm bệnh không triệu chứng được tham gia các hoạt động thiết yếu, sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành, giáo dục đào tạo, học tập, dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị. Để đảm bảo phòng chống dịch, những người này thực hiện di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện cho cùng nhóm đối tượng, không dừng, một cung đường từ nơi lưu trú đến nơi làm việc, học tập và trở về nơi lưu trú. Bên cạnh đó, nên áp dụng thêm biện pháp cách ly y tế tại nơi làm việc, học tập (khu vực làm việc riêng hoặc cùng nhóm đối tượng, thực hiện thường xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn và tránh tiếp xúc gần với người xung quanh, không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập…).
Việc áp dụng thêm biện pháp cách ly y tế tại nơi làm việc, học tập nhằm phù hợp với thực tiễn của hoạt động chống dịch, hạn chế số người phải cách ly y tế, bảo đảm lực lượng lao động ở các lĩnh vực, đặc biệt là khu vực dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế; đồng thời cũng phù hợp quy định “hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác”.
“Linh hoạt” đeo khẩu trang
Với một số ý kiến về việc thay đổi khuyến cáo 5K, có hay không việc bỏ quy định đeo khẩu trang, PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng cơ quan chuyên môn sẽ còn phải bàn để quyết định các giải pháp phòng bệnh. “Có thể vẫn bắt buộc, có thể khuyến cáo… tùy theo tính chất dịch bệnh để quyết định”.
Ngoài ra, một chuyên gia về y tế dự phòng cũng chia sẻ, có nhiều nghiên cứu cho thấy đeo khẩu trang có thể phòng được 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp; rửa tay sạch với xà phòng có thể phòng được tới 40% các bệnh lây qua đường tiêu hóa và hô hấp. Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ lây cao khi tiếp xúc gần, trong môi trường kín, đông người. Vừa qua quy định 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân rất hiệu quả, do đó, để phòng dịch Covid-19 việc đeo khẩu trang vẫn nên được khuyến cáo. “Tuy nhiên, tùy thuộc diễn biến dịch, cơ quan y tế nên có khuyến cáo phù hợp về 5K, mọi người cần hiểu và linh hoạt khi thực hiện 5K, thực hiện ở đâu, khi nào để đảm bảo phòng chống lây nhiễm”, chuyên gia này nêu ý kiến.
Nghiên cứu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 3 – 5 tuổi
Văn phòng Chính phủ hôm qua (19.3) có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về tiêm, mua và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước. Theo đó, xét báo cáo của Bộ Y tế về tình hình và kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc nghiên cứu tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người lớn, mũi 3 cho trẻ em và tiêm cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; có kế hoạch mua và thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước, bảo đảm khoa học, an toàn và hiệu quả.
Phạm Hùng