130115
topics
388718

Covid-19 có thể thay đổi chính phủ Mỹ

28/04/2020 12:17

Lịch sử cho thấy những cuộc khủng hoảng thường dẫn tới thay đổi lâu dài trong vai trò của chính phủ Mỹ. Covid-19 có lẽ sẽ không phải ngoại lệ. 

Cuộc khủng hoảng này không chỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, yêu cầu phải có phản ứng sâu rộng, mà còn gây ra tổn hại về kinh tế được cho là tồi tệ nhất từ sau Đại khủng hoảng 1929, thời điểm chính phủ Mỹ phải tung hàng nghìn tỷ USD để cứu nền kinh tế.

Phần lớn hoạt động của chính phủ Mỹ hiện nay sẽ cắt giảm dần trong thời gian dài vì Covid-19. Tuy nhiên, các nhà hoạt động chính trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho rằng có rất ít lý do để trông đợi chi tiêu công, hay quan điểm về vai trò đúng đắn của chính phủ, trở lại nguyên trạng.

Đại khủng hoảng đã giúp xây dựng mạng lưới an sinh xã hội lớn hơn và một loạt chương trình chính phủ mới. Thế chiến II đã dẫn tới thành lập Bộ Quốc phòng Mỹ, còn Chiến tranh Lạnh đã tạo ra hệ thống đường cao tốc liên bang. Chỉ hai thập kỷ trước, vụ khủng bố 11/9 đã giúp hình thành các cơ quan hợp nhất mới để xử lý an ninh quốc gia và tình báo quốc tế. Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang đưa ra hàng loạt hành động mới mà cho tới giờ chúng vẫn được nhân bản và mở rộng.

Dòng người xếp hàng chờ nhận việc mới tại Cleveland, Ohio, năm 1930. Ảnh: AP.
Dòng người xếp hàng chờ nhận việc mới tại Cleveland, Ohio, năm 1930. Ảnh: AP.

Hiện nay, cả hai đảng Dân chủ, Cộng hòa và phần lớn cử tri Mỹ đang cùng nhau hành động quyết liệt và rộng khắp ở cấp độ bang và liên bang, chấp thuận mất mát trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến cán mốc một nghìn tỷ USD mỗi năm.

Tổng thống Trump, người theo quan điểm dân túy nhiều hơn là bảo thủ truyền thống, đã nhiệt tình ủng hộ khoản chi ngân sách này, yêu cầu xây dựng các bệnh viện dã chiến, sử dụng quyền hành pháp của mình để yêu cầu các công ty tăng cường sản xuất vật tư y tế và đưa ra định nghĩa mở rộng về quyền lực của tổng thống, bao gồm quyền loại bỏ các quy định và bộ máy quan liêu trong một số trường hợp.

Trong một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Wall Street Journal/NBC News, đa số cử tri ở cả hai đảng cho biết họ ủng hộ việc mở rộng vai trò của chính phủ trong lĩnh vực kinh tế để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Một bài học mà chúng ta có thể học và nên học từ tất cả những điều này đó là bạn không thể lập tức có một chính phủ hùng mạnh và hiệu quả khi cần, giống như bật một cái công tắc. Giống như bạn không thể giải tán Bộ Quốc phòng trong thời bình rồi khôi phục nó khi bị xâm lược. Bạn không thể tinh giản chính phủ nhất có thể lúc bình thường và hy vọng nó sẵn sàng ứng phó tốt với tình trạng khẩn cấp”, Oren Cass, người đứng đầu American Compass, tổ chức chuyên xem xét lại các quan điểm bảo thủ về chính sách kinh tế, nói.

Mặc dù có sự đồng thuận về hoạt động của chính phủ để đối phó với khủng hoảng, vẫn có nhiều người cho rằng mọi thứ đang đi quá giới hạn, đặc biệt ở cấp liên bang. Gần đây, nhiều người đã biểu tình vì cho rằng giới lãnh đạo, đặc biệt là thống đốc các bang, đã vượt quá thẩm quyền khi đóng cửa nền kinh tế và đe dọa công việc, kế sinh nhai của người Mỹ.

“Chúng tôi từng có cuộc thảo luận về việc liệu chúng tôi sẽ là một quốc gia tư bản hay xã hội”, Jenny Beth Martin, đồng sáng lập Tea Party Patriots, tổ chức được thành lập giữa lúc làn sóng phẫn nộ nổi lên về các gói cứu trợ của chính phủ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

“Khi vượt qua Covid-19, chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận như vậy nhưng theo một cách mới”, bà nói. Martin và nhiều người tin rằng nhiều tuần gần đây, chính phủ đã có những phản ứng thái quá, có thể làm tổn thương nhiều người Mỹ.

Scott Reed, chiến lược gia chính trị cấp cao tại Phòng Thương mại Mỹ, hoài nghi rằng đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm giữ chính phủ như cách họ làm bây giờ. “Quy mô của chính phủ sẽ khiến Washington ngày càng liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ đảng Cộng hòa sẽ giảm bớt mức độ một chút”, Reed nhận định.

Chi tiêu của chính phủ gia tăng trong khủng hoảng và có xu hướng không giảm trở lại mức cũ, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Các nhà kinh tế gọi xu hướng này là “hiệu ứng bánh cóc”, một lý thuyết của Keynes cho rằng một khi giá đã tăng theo mức tăng của tổng cầu, chúng luôn luôn không đảo ngược khi nhu cầu đó giảm. Trong khi nhiều người vẫn tranh luận về phạm vi của nó, dữ liệu thống kê cho thấy chi tiêu của chính phủ Mỹ chưa bao giờ giảm về mức trước sự kiện 11/9.

Hiệu ứng bánh cóc có thể xảy ra nhiều hơn sau cuộc khủng hoảng Covid-19, bởi nhiều vấn đề liên quan tới chi tiêu cho khủng hoảng: dân số già cần nhiều phúc lợi xã hội hơn, cơ sở hạ tầng cần nâng cấp, chi phí để bù đắp cho mức nợ liên bang lớn.

Người biểu tình phản đối lệnh cách ly ở nhà tại Olympia, Washington, tháng này. Ảnh: AP.
Người biểu tình phản đối lệnh cách ly ở nhà tại Olympia, Washington, tháng này. Ảnh: AP.

Hiện còn quá sớm để dự đoán chính xác quy mô và cấu trúc của chính phủ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào về lâu dài sau đại dịch Covid-19. Nhưng có lẽ tác động rõ ràng nhất đó là sự thay đổi thái độ của dư luận đối với các cơ quan chính phủ, vốn không mấy tốt đẹp trong những thập kỷ gần đây.

Tom Vilsack, cựu thống đốc Iowa thuộc đảng Dân chủ, đồng thời là bộ trưởng làm việc lâu nhất trong nội các của cựu tổng thống Obama, cho hay ông hy vọng những điều mà ông nghe thấy trong suốt 40 năm qua về chính phủ, như không có vai trò quan trọng và thậm chí là có vấn đề, sẽ có thể phai mờ.

“Tình huống đặc biệt này cho thấy tầm quan trọng của chính phủ ở mọi cấp độ và sự cần thiết để tất cả bộ ngành phối hợp tốt hơn”, ông nói.

Ngược lại, cuộc khủng hoảng cũng là động lực mới cho những lời kêu gọi về một hệ thống y tế đồng bộ do nhà nước quản lý. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã tranh luận rằng “đại dịch đã cho thấy rõ hơn những thiếu sót trong hệ thống y tế do các đơn vị tư nhân điều hành như hiện nay”.

Nhiều người nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới một điều gì đó ấn tượng như Medicare for All, đề xuất tiến bộ từng được đề cập rất nhiều trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.

“Rõ ràng, cuộc tranh luận này vẫn tiếp tục trong đảng này. Tôi không nghĩ nó sẽ ảnh hưởng tới quan điểm của những cử tri dao động”, Jim Messina, chiến lược gia đảng Dân chủ, người từng tham gia chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Obama năm 2012, nhận định.

Về phía đảng Cộng hòa, phản ứng của chính phủ lớn, hay có thể hiểu chính phủ mở rộng quyền hạn và can thiệp vào mọi lĩnh vực cuộc sống của công dân, trong cuộc khủng hoảng hiện tại hoàn toàn trái ngược với quan điểm của cố tổng thống Ronald Reagan, trong bài diễn văn nhậm chức năm 1981.

“Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, chính phủ không phải là giải pháp cho vấn đề của chúng ta, mà chính là vấn đề”, Reagan tuyên bố trong bối cảnh bóng đen của suy thoái kinh tế trước đó bao trùm nước Mỹ.

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tranh luận rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại khác về cơ bản, bởi nó gây ra do lệnh đóng cửa các doanh nghiệp và địa điểm công cộng của chính phủ để ngăn Covid-19. Điều này đồng nghĩa hành động tốn kém và quyết liệt của chính phủ được xem là hợp lý để khắc phục những vấn đề phát sinh.

Christopher DeMuth, thành viên thuộc Viện nghiên cứu Hudson ở Washington có tầm ảnh hưởng đối giới bảo thủ ở Mỹ, nói rằng bằng cách xóa đi những rào cản về quy định cho các công ty tư nhân ứng phó với Covid-19, Tổng thống Trump thực sự đã đưa ra một sự thay đổi phi điều tiết và bảo thủ trong hoạt động của chính phủ.

Đồng quan điểm trên, Sara Fagen, giám đốc chính trị của cựu tổng thống George W. Bush, cho rằng khi ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế, “chính phủ đã quá chậm chạp và ì ạch, nhưng các công ty thì nhanh nhẹn hơn, nên đã xuất hiện những tranh luận về doanh nghiệp tự do”.

Ngoài ra, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã sẵn sàng nắm lấy gói giải cứu kinh tế hai nghìn tỷ USD, bởi một phần chính trong đó là Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Đảng Cộng hòa xem những doanh nghiệp nhỏ là lực lượng kinh tế phù hợp với triết lý chính trị của họ hơn những ngân hàng lớn, nhóm được hưởng lợi từ gói giải cứu năm 2008.

“Tại sao thành viên đảng Cộng hòa lại sẵn sàng bảo vệ PPP? Đó là bởi nó đem lợi cho các khu vực bầu cử của họ, chính là những doanh nghiệp nhỏ. Quan điểm của họ về một xã hội hiện đại không phải là nơi bị thống trị bởi các tập đoàn lớn, mà là nơi tạo cơ hội cho các doanh nhân nhỏ phát triển và thành công”, Karl Rove, chiến lược gia chính trị cho cựu tổng thống Bush, chia sẻ.

Khi Mỹ vượt qua khủng hoảng Covid-19, một cuộc tranh luận về việc liệu hoạt động của chính phủ có được đổi mới dù ở cấp độ nào, bang hoặc liên bang, sẽ nổ ra.

Thông thường, đảng Cộng hòa có xu hướng thích cách tiếp cận liên bang, trong đó tìm cách phân tán quyền lực của chính phủ đến các thống đốc và các bang.

Tổng thống Trump tháng này tuyên bố với tư cách là tổng thống, ông có “toàn quyền” để quyết định thời điểm để các thống đốc nới lỏng các hạn chế xã hội và mở cửa kinh tế. Tuyên bố này đối ngược với tư tưởng bảo thủ truyền thống. Nó cũng khác hẳn với việc cố tổng thống Reagan thường xuyên áp dụng điều 10 của Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định các quyền được trao cho cấp bang chứ không dành cho chính quyền liên bang.

Rất lâu trước khi khủng hoảng xảy ra, Tổng thống Trump đã đưa đảng Cộng hòa thoát khỏi những quan điểm bảo thủ truyền thống dưới thời Reagan và hướng tới một quan điểm về vai trò của chính phủ mang tính dân túy hơn. Triết lý dân túy không ngại sử dụng quyền lực của chính phủ hay tiền của chính phủ để phục vụ lợi ích cho những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động.

Do đó, giữa cuộc khủng hoảng, chính quyền Trump tuyên bố chính phủ liên bang sẽ thanh toán các hóa đơn y tế liên quan tới Covid-19 cho bất kỳ người Mỹ nào không có bảo hiểm, đồng thời trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế theo tỷ lệ chi trả của chương trình Medicare cho người cao tuổi. Động thái này dường như “bật đèn xanh” cho hệ thống Medicare for All, vốn được ủng hộ bởi phe Dân chủ.

Trump cũng tuyên bố ủng hộ việc vay lãi suất thấp để tài trợ cho dự luật trị giá 2 nghìn tỷ USD mới, nhằm xây dựng lại và cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia. Thậm chí trước khủng hoảng, Trump cũng thúc đẩy nỗ lực quốc gia để triển khai mạng  5G, một động thái được đánh giá là phù hợp với bối cảnh phần lớn xã hội đang chuyển sang học và làm việc trực tuyến.

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/4. Ảnh: NYTimes.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 23/4. Ảnh: NYTimes.

Steve Bannon, cựu cố vấn thân cận của Trump, lập luận rằng cử tri sẽ thấy một chính quyền trung ương hùng mạnh là điều cần thiết khi Mỹ bước vào thời kỳ đối đầu lâu dài với Trung Quốc. Một thời kỳ căng thẳng kéo dài sẽ “thay đổi trọng tâm của chính phủ”.

Về lâu dài, tác động của đại dịch Covid-19 có thể phụ thuộc vào tốc độ mở cửa kinh tế nhanh hay chậm. Cử tri có thể sẽ ủng hộ một chính phủ có thẩm quyền lớn hơn ở tất cả các cấp, như một chính phủ xây dựng kho dự trữ tốt để sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng quốc gia và phản ứng nhanh, hiệu quả khi bị tấn công.

“Các nhà lãnh đạo có thẩm quyền và trầm tĩnh hơn có lẽ sẽ hợp thời hơn”, J. Ann Selzer, một người không theo đảng phái, cho biết.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

Đọc nhiều