128036
category
575865

Công ty Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 cao như thế nào?

20/12/2021 15:25

Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá

Công ty Việt Á tự định giá kit xét nghiệm Covid-19 

Kết quả điều tra của Cơ quan điều tra cho biết, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Tại sao Công ty Việt Á có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy? - Ảnh 1.
Theo cơ quan điều tra, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. Ảnh Bộ Công an

Dư luận đặt câu hỏi: “Tại sao Công ty Việt Á tự tung tự tác “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 mà vẫn không bị tuýt còi trong suốt thời gian qua?”.

Trước đó, trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 10/11 về việc giá vật tư y tế, đặc biệt là giá kit xét nghiệm Covid-19 thời gian qua “nhảy múa” rất khác nhau, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã cho biết, các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá.

Giá của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau, các nước sản xuất khác nhau, giữa các trang thiết bị y tế và sinh phẩm khác nhau cũng có giá khác nhau qua các thời điểm.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã liên tục cố gắng từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Tháng 7/2020, Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Đến nay, đã có 69.235 sản phẩm, 93.253 kết quả đấu thầu được niêm yết giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm…

Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm… phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng liên tục có hướng dẫn về điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Giá kit xét nghiệm Covid-19 giống nhau có giá khác nhau?

Qua tìm hiểu, theo Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2/7/2021, sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền virus SARS-CoV-2 do công ty trong nước sản xuất có 5 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm của Công ty Việt Á.

Cụ thể, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất có giá 470.000 đồng/test.

Tại sao Công ty Việt Á có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy? - Ảnh 3.
Tại sao Công ty Việt Á có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy? - Ảnh 4.
Hai sản phẩm tương tự của Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương có giá chênh nhau tới 170.000 đồng/test (Danh sách các sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-C0V-2 đã được cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu và khả năng cung ứng, giá bán do đơn vị cung ứng công bố mà Bộ Y tế cập nhật đến ngày 2/7/2021 (Nguồn BYT)

Bên cạnh báo giá cũng ghi chú: giá 470.000 đồng/test đối với đơn hàng dưới 500.000 test, giá 367.000 đồng/test đối với đơn hàng từ 500.000 test đến 1 triệu test; giá 315.000 đồng đối với đơn hàng từ 1 triệu đến 5 triệu test và giá 220.000 đồng/test với đơn hàng từ 5 triệu test trở lên.

Như vậy, Công ty Việt Á cũng đã công khai báo giá 470.000 đồng/ test trên cổng thông tin điện tử của Bộ.

Bên cạnh đó, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện RNA của virus corona (SARS-CoV-2) (phát hiện vùng gen N đặc trưng của virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real RT-PCR trên các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp) do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có giá 300.000 đồng/test.

Như vậy, theo bảng kê khai, 2 bộ xét nghiệm “made in Việt Nam” có tác dụng, phương pháp như nhau nhưng đã có giá thành khá chênh lệch, lên đến 170.000 đồng/test.

Kit xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế sẽ bị quản lý giá tử 1/1/2022Ngày 8/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế.

“Đây là Nghị định làm thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định đã công khai minh bạch toàn bộ quá trình quản lý, chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trang thiết bị, sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá.

Hiện nay, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đang làm việc chặt chẽ với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bình ổn giá trong trường hợp cần thiết đối với mặt hàng này”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề đấu thầu, mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2022.

Tại sao Công ty Việt Á có thể "thổi giá" kit xét nghiệm Covid-19 cao như vậy? - Ảnh 5.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hải Dương đợt dịch hồi tháng 3/2021 (Ảnh BYT)

Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng phân tích, Nghị định 98/2021/NĐ-CP bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế nhằm mục tiêu giải quyết các tồn tại, bất cập trong quản lý giá giai đoạn vừa qua như cùng một trang thiết bị y tế nhưng có nhiều mức giá, giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế có sự khác biệt đáng kể, không có mức giá tham khảo để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu…., theo đó các biện pháp quản lý giá bao gồm:

Đưa trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng phải kê khai giá.

Quy định cụ thể nội dung kê khai giá gồm giá vốn nhập khẩu hoặc giá vốn sản xuất, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, bồi dưỡng, chi phí bảo hành, lợi nhuận dự kiến và giá bán cuối cùng.

Quy định chỉ chủ sở hữu số lưu hành hoặc đơn vị phân phối được chủ sở hữu ủy quyền mới được thực hiện việc công khai giá và các nhà phân phối còn lại không được bán hơn giá mà chủ sở hữu số lưu hành đã công khai đồng thời phải niêm yết, công khai giá mà nhà phân phối đó bán.

Cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (không chỉ Bộ Y tế) được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết.

Việc bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm về giá bán trang thiết bị y tế trên thị trường và chủ thể này phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá trang thiết bị y tế mà mình kinh doanh.

Đồng thời công khai các thông tin về giá bán của chủ sở hữu, giá bán của từng nhà phân phối, đại lý, giá trúng thầu của trang thiết bị đó tại các cơ sở y tế của Nhà nước để tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tham khảo.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, những cơ quan sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế trong đó có kit xét nghiệm Covid-19 sẽ chịu sự quản lý về giá, phải minh bạch toàn bộ thông tin về giá sản phẩm và phải giải trình về các yếu tố cấu thành giá sản phẩm cho cơ quan quản lý.

Điều này sẽ khiến hạn chế việc cơ quan sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế không thể mập mờ về giá, tự “thổi giá”.

 

Minh Ngọc

Đọc nhiều