8
category
468271

Công ty Trung Quốc trúng thầu vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hơn 700 người được đào tạo sẽ làm gì?

23/01/2021 14:50

Việc Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc trúng thầu gói thầu tư vấn, hỗ trợ quản lý vận hành khai thác tđường sắt Cát Linh – Hà Đông khiến dư luận băn khoăn, gần 700 người được đào tạo sẽ làm gì?

Cty Trung Quốc trúng thầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hơn 700 người được đào tạo đang ở đâu? - Ảnh 1.
Dự án đướng sắt Cát Linh – Hà Đông.

Gần 700 đã được đào tạo

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã tổ chức đấu thầu Quốc tế gói thầu Tư vấn hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sau khi kết thúc quá trình chấm thầu, Metro Hà Nội đã lựa chọn được đơn vị trúng thầu là Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của PV, trước khi tổ chức đấu thầu quốc tế, để đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại an toàn, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng xây dựng bảng lương cho gần 700 nhân lực vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đến nay, đã được UBND TP Hà Nội thông qua với Tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 681 người và 112 chức danh.

Lái tàu Cát Linh – Hà Đông được xác định lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nếu lao động vừa vào làm việc cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ không được xếp ngay mức lương cao, muốn tăng lương thì phải trải qua một thời gian làm việc nhất định và có những đóng góp tích cực trong công việc…

Thông tin về nhân lực vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông tin tới báo chí , tuyến Cát Linh – Hà Đông có 681 lao động người Việt Nam. Trong đó, lái tàu, lái phụ tàu 41 người đã được đào tạo tại Bắc Kinh đợt 1 và 18 lái tàu được đào tạo tại Việt Nam đợt 2.

Toàn bộ lao động vận hành tuyến Cát Linh – Hà Đông đang triển khai công tác diễn tập các tình huống trên tuyến, do các chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc kiểm tra, sát hạch.

Tất cả các nhân sự sẽ phải thành thạo kỹ năng để vận hành thử toàn hệ thống, phục vụ công tác nghiệm thu từ 12/12. Hiện nay lực lượng nhân sự, cán bộ, lao động phục vụ công tác vận hành thử dự án Cát Linh – Hà Đông đang được đảm bảo.

Cty Trung Quốc trúng thầu đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hơn 700 người được đào tạo đang ở đâu? - Ảnh 2.
Khoang lái tàu Cát Linh – Hà Đông.

Công ty Trung Quốc trung thầu thời hạn 1 năm

Đặc biệt, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có một số lao động đã từng làm việc tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Cùng với đó, một số lao động là giáo viên đào tạo về đường sắt và tùy chức danh công việc để thực hiện tuyển dụng lao động phù hợp, theo các yêu cầu cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, ngành nghề, kinh nghiệm… Việc tuyển dụng lao động vận hành dự án có bảng mô tả cụ thể, tiêu chuẩn về đầu vào đầu ra ứng với từng chức danh.

Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Trường, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: “Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc trúng gói thầu tư vấn hỗ trợ quản lý vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông thực hiện trong 1 năm đầu tiên vận hành thương mại”.

“Sau 1 năm hết hạn thực hiện gói thầu này, nếu chúng ta cần hộ hỗ trợ thì sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp, nếu không cần nữa thì sẽ kết thúc hợp đồng. Trước tiên, Thủ tướng đồng ý và Hà Nội phê duyệt như vậy”, ông Trường nói.

Về quy trình đầu thầu, ông Trường cho hay: “Việc này đã được phê duyệt từ lâu rồi, quá trình đấu thầu đã được công khai minh bạch trên mạng đấu thầu Quốc gia. Khi Bộ GTVT bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội thì vẫn phải có đơn vị hỗ trợ vận hành. Việc tìm đơn vị hỗ trợ vận hành quản lý khai thác Cát Linh – Hà Đông nằm trong kế hoạch tiến độ ban đầu không có gì bất thường”.

Theo ông Trường, Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc không phải là Công ty con của Tổng thầu Trung Quốc mà là đơn vị độc lập gồm liên danh mấy đơn vị thông qua đấu thầu, mà đơn vị chủ trì là Hà Nội chứ không phải Bộ GTVT.

Khi được hỏi về giá trị gói thầu mà Công ty Metro Bắc Kinh – Trung Quốc vừa trúng thầu, ông Trường cho biết thêm: “Giá trị gói thầu đã được công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia”.

Thế Anh

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Sau nhiều lần gia hạn vận hành, khai thác thương mại, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đặt mục tiêu cam kết sẽ đưa vào vận hành, khai thác tuyến này trong quý 1/2021.

Đọc nhiều