8
category
325937

Công ty Alibaba bán đất “ma”: “Do chính quyền không làm hết nhẽ, lợi ích nhập nhèm”

23/09/2019 10:48

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Việc để cho Công ty Alibaba hoạt động một thời gian dài như vậy chứng tỏ họ đã “nhờn, tinh vi, lừa đảo giỏi rồi”, nhưng chắc chắn phải có tiếp tay, có bảo kê, lợi ích nhập nhèm mới như vậy”.

Cùng với việc bắt giữ Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba, cơ quan điều tra những ngày qua đã khám xét trụ sở chính cũng như hàng loạt văn phòng làm việc, trụ sở các công ty con trực thuộc công ty Alibaba ở TP.HCM, Đồng Nai.

Qua điều tra ban đầu và từ tài liệu, chứng cứ thu thập được đến nay đã đủ cơ sở xác định 2 anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

3-linh-luyen_aqxv
Anh em Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Luyện (Nguồn: plo.vn)

Tính đến ngày 30/6, công ty Alibaba và các công ty con đã ký kết hợp đồng mua bán đất với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng. Trên thực tế, 22 công ty do các cổ đông của địa ốc Alibaba lập đã rao bán gần 50 dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất vẽ trên giấy.

Đến nay, dù hành động lừa đảo Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh đã bị lật tẩy, nhưng câu hỏi cũng như dư luận hết sức quan tâm về việc liệu những hành vi lừa đảo này của họ liệu có sự giúp sức của chính quyền địa phương hay không? Nếu không có sự giúp sức, không có sự “thờ ơ” của chính quyền địa phương thì tại sao họ có thể ngang nhiên làm được như vậy? Bằng cách nào mà một lô đất lại được bán cho nhiều người, và khách hàng chỉ nhận lãi mà không nhận đất? Các cơ quan chức năng khẳng định Công ty Alibaba không có bất kỳ dự án nào được chấp thuận đầu tư. Vậy họ có đất nền ở đâu ra để rao bán?

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết, để xảy ra tình trạng như vậy, dẫn đến thiệt thòi cho người dân như vậy là có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là vấn đề về thông tin dự án. Bình thường, thông tin quy hoạch, thông tin dự án của chúng ta cũng thường hay tù mù, không công khai minh bạch nên dẫn đến tình trạng chủ đầu tư nhập nhèm, chạy chọt, lừa đảo lẫn nhau.

“Nếu thông tin dự án rõ như ban ngày thì không nói làm gì. Dân sẽ tránh được. Đây dân tình chẳng biết rõ chỗ này, chỗ kia có thực sự được quy hoạch hay không? Bên cạnh đó, luật đất đai nói riêng và các luật lệ khác cũng vô cùng rối, lằng nhằng. Ngay cả người dân cũng máu mê chấp nhận rủi ro, mạo hiểm. Họ thậm chí sẵn sàng mua các dự án đất tại Long Thành, Phú Quốc… mà không phân biệt được được đất nào cấm, đất nào không cấm. Thời gian vừa qua có bao nhiêu đại gia “trúng quả” là do mua bán nhập nhèm như vậy.”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

logo-alibaba-h1-15689751622281497028434
Cơ quan chức năng bao vây, khám xét trụ sở Công ty Alibaba. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Dù vụ án đang trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ xem xét và xác định dấu hiệu tội danh ban đầu của các lãnh đạo công ty Alibaba nhưng theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu như công ty Alibaba tổ chức san lấp đất và tổ chức bán đất rầm rộ… mà các địa phương không có biện pháp thông tin và ngăn chặn kịp thời thì lãnh đạo địa phương cũng đã thiếu trách nhiệm. Họ chịu trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý đất đai.

“Trong vụ việc này chắc chắn là vai trò của chính quyền. Cơ quan quản lý chắc chắn có vấn đề. Theo tôi được biết, sự việc này báo chí đã nêu từ lâu mà vẫn để xảy ra như vậy. Tôi thấy ngạc nhiên Công ty Alibaba dù sai phạm rành rành mà vẫn vận động khách hàng ký đơn không tố cáo.

Điều này chứng tỏ là Công ty Alibaba đã “nhờn”, tinh vi, lừa đảo, giỏi rồi nhưng chắc chắn phải có tiếp tay. Chính quyền không làm hết nhẽ”, Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm.

Luật sư Trương Thanh Đức nêu ví dụ, trước đây cũng từng xảy ra trường hợp hàng trăm người bỏ tiền tỷ vào dự án Usilk City của Công ty CP Sông Đà Thăng Long nhưng sau đó rơi vào tình trạng chờ đợi cả chục năm trời mà nhà cũng chưa có. Đây là một trong những dự án chung cư “khủng” ở Hà Nội vào thời điểm năm 2008, tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng, dự án vẫn còn ngổn ngang.

Vì vậy, để dân khỏi thiệt thòi, những ai gây ra tội, chiếm dụng tài sản của dân thì phải chịu tội và khắc phục, bội thường thiệt hại cho dân. Ngoài ra những người liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Có chế tài như vậy mới minh bạch và rõ ràng, ngăn chặn tình trạng sau này xảy ra trường hợp những công ty khác cũng hoạt động sai trái, lừa lọc dối trá như vậy.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện, 30 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba) lập ra Công ty CP địa ốc Alibaba và các công ty thành viên.

Công ty này đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn) giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án “ma” và tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) có 27 dự án liên quan đến Công ty Alibaba. Trong đó, xã Phước Bình có 3 dự án (Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III), xã An Phước có 1 dự án (Alibaba An Phước), xã Long Phước có 21 dự án (Long Phước 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, Long Phước Golden Point, Long Phước Golden Point 2, khu dân cư quốc tế Lilama, Alibaba Long Thành Capital, Long Phước Residence), xã Phước Thái có 1 dự án (Alibaba Phước Thái Capital), xã Bàu Cạn, Tân Hiệp có 1 dự án (khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside).

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty Alibaba cũng rao bán hàng chục dự án mà chưa hề được cấp phép.

Thủ đoạn mà Luyện đưa ra là đánh vào tư duy hám lợi của người dân trong đầu tư bất động sản, hứa hẹn sinh lời “khủng”.

Nguồn thông tin từ Bộ Công an cho hay, các vụ việc liên quan đến công ty địa ốc Alibaba thực sự nhiều vấn đề. Bộ Công an và Công an một số tỉnh thành đang mở rộng điều tra.

Linh Đan  /Tổ Quốc

Đọc nhiều