Công trình táo bạo bật nhất châu Á, trở thành “mỏ vàng” của Việt Nam

Tuệ Ngô 14/02/2023 14:02

Mới đây, trong chương trình chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tow Heng Tan, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sembcorp và chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển chung giữa Sembcorp và đối tác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu sang Singapore.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp nhân chuyến thăm chính thức Singapore, sáng 10/2. Ảnh: Nhật Bắc

Sự kiện trên đã làm chấn động giới chuyên môn cũng như truyền thông quốc tế, bởi độ táo bạo cũng như sự phát triển nhanh chóng vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo Nikkei Asia, những con gió mạnh tại các vùng biển phía Nam Việt Nam đã biến nơi đây trở thành vị trí lý tưởng để khai thác điện gió ngoài khơi. Với cam kết loại bỏ phát thải vào giữa thế kỷ cùng sản lượng phát điện đang thâm hụt, trang này cho rằng đây là thời điểm hết sức phù hợp để đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Đặc biệt, cơ chế giá cố định khuyến khích với điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỉ lệ năng lượng tái cạo trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô cũng như tỉ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện, theo Nikkei.

Riêng trang Straits Times lại cho rằng quyết định hợp tác của Sembcorp để xuất khẩu sang Singapore chính là bước đệm tiên phong khai thác “mỏ vàng” điện gió tại Việt Nam. Nhìn được tiềm năng và khả năng cạnh tranh do bờ biển Việt Nam mang lại, Semcorp đang đi đầu trong việc sử  dụng nguồn lực để làm giàu không chỉ cho chính tập đoàn mà còn là bước đệm đẩy ngành năng lượng tái tạo Việt Nam đi đầu châu Á.

Được biết, Sembcorp là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và phát triển đô thị của Singapore. Dù hiện diện tại nhiều nước trên thế giới, Sembcorp vẫn coi châu Á là thị trường trọng tâm, trong đó có Việt Nam.

Danh mục năng lượng tái tạo của Sembcorp bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng tại các thị trường trọng điểm như Singapore, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Vương quốc Anh, với tổng công suất đạt 9,5GW.

Trước Sembcorp, tháng 09/2022, Tập đoàn Sumitomo từ Nhật Bản thông báo phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Đến tháng 12, tập đoàn này thực hiện khảo sát để lắp đặt dây cáp điện dưới biển. Tập đoàn cho biết sẽ bắt đầu vận hành trang trại điện gió với công suất từ 500 MW đến 1 GW vào năm 2030. Và nếu kế hoạch này đi đúng lộ trình, Sumitomo sẽ hướng tới những dự án xa hơn, có thể tiến sang miền Bắc đất nước. Tập đoàn dự tính sẽ hợp tác cùng các doanh nghiệp trong nước để thực hiện những dự án này.

ập đoàn Năng lượng tái tạo Mainstream (Mainstream Renewable Power) và đối tác Việt Nam, Tập đoàn AIT, đã lắp đặt thành công hệ thống đo gió LiDAR cho dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre công suất 500 MW.

Và Sumitomo cũng không phải tập đoàn Nhật Bản duy nhắm đến thị trường điện gió của Việt Nam. Renova – doanh nghiệp chuyên về năng lượng tái tạo  – cũng đã xây dựng trung tâm phát triển tại đây. Tháng 04/2022, Renova ký biên bản ghi nhớ với PVN, mang theo kế hoạch phát triển nhà máy phát điện công suất 2 GW trong tương lai, cùng dự định phát triển nhà máy điện nổi ngoài khơi.

Trong nhóm các doanh nghiệp đến từ châu Âu đang hướng tới Việt Nam, Orsted của Đan Mạch – một trong những công ty lớn nhất thế giới về điện gió ngoài khơi – là cái tên nổi bật. Orsted đã bắt đầu tìm kiếm các dự án tại Việt Nam từ năm 2020, ký biên bản ghi nhớ vào năm 2021 với Tập đoàn T&T (T&T Group) nhằm phát triển một nhà máy phát điện. Bản thân Tập đoàn T&T vốn cũng đang mở rộng phát triển mảng năng lượng tái tạo, với các nhà máy điện mặt trời và phong điện cho công suất 1 GW.

Theo The Star, lý do các doanh nghiệp nước ngoài nhắm đến mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến từ sự thuận lợi của gió. Theo bản đồ World Bank công bố, có những khu vực ngoài khơi phía Nam Việt Nam sở hữu gió với tốc độ vượt 10m/s.

Tiêu chuẩn phát triển điện gió ngoài khơi là sức gió khoảng 8m/s. Tại Đông Nam Á, những nơi có sức gió mạnh như vậy là Việt Nam và Philippines, trong khi ở Malaysia và Indonesia thường yếu hơn. Do vậy, “Việt Nam là một trong những khu vực lý tưởng nhất châu Á về điện gió”, trích lời Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Tập đoàn Orsted tại Việt Nam.

Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi về phát triển điện gió

Riêng trang Nikkei Asia đã đưa ra nhận định, Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người đang trải qua thời kỳ bùng nổ tăng trưởng kinh tế, và thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất từ nước ngoài. Trong khi đó, các cơ sở năng lượng dường như không bắt kịp với đà tăng trưởng này, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong tương lai gần.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tổ chức tại Glasgow năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố mục tiêu đưa phát thải về 0 (net zero emisssion) vào năm 2050. Trong trung và dài hạn, mục tiêu này đòi hỏi phải có những nguồn năng lượng thay thế cho than đá – nhiên liệu vốn đang chiếm 50% tổng lượng phát điện quốc gia.

Trong bối cảnh ấy, điện gió ngoài khơi trở thành một phần trong kế hoạch của Chính phủ. Hiện tại điện gió đang chiếm khoảng 5% tổng công suất phát điện cả nước, và kế hoạch đến năm 2050 sẽ nâng lên 30%.

Tuệ Ngô

Đọc nhiều