Công tác cán bộ: Sao phải vội vàng?

Khánh Đăng 28/06/2022 08:16

Sáng ngày 23/06, nhân buổi tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội, có ý kiến cho rằng: Việc kỷ luật đồng loạt nhiều cán bộ, công chức, trong đó có hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, có phải là một việc làm quá vội, cách chức rồi lấy ai thay? Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Dù biết là rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác. Bởi xử lý hành vi sai phạm của các vị cán bộ trên không chỉ là việc nên làm, mà còn muốn xem đó là một bài học chung nhằm răn đe, cảnh tỉnh những người khác.

Hai ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị cách chức, khởi tố và bắt tạm giam.

Chủ trương của đất nước, dù đặt trong bất kỳ tình huống nào cũng đều cho thấy cái tâm, cái tầm của một nhà lãnh đạo. Đó là chưa kể đến sự phù hợp của chủ trương ấy trong muôn vàn những nỗi lo chung về công tác cán bộ hiện nay. Chọn cán bộ trong điều kiện bình thường đã khó, chọn cán bộ để đảm nhận vị trí Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế càng khó khăn hơn. Không thể phủ nhận rằng quy trình lựa chọn và bồi dưỡng cán bộ hiện nay đã có nhiều cải cách, tương đối đầy đủ, nhưng một thực tế đặt ra là: Liệu chúng đã phù hợp hay chưa?

Nếu đã thật sự phù hợp, sao lại có tới hai nhiệm kỳ Chủ tịch UBND Hà Nội bị xử lý kỷ luật? Thậm chí, trong nhiệm kỳ trước, cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch thành phố Hà Nội đều bị kỷ luật. Hoặc chúng ta có thể nhìn sang một vị trí khác ở Bộ Y tế. Ngoài ông Nguyễn Thanh Long, nhiều thứ trưởng và các cán bộ khác cũng bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, cảnh cáo, cho đến bị khởi tố, bắt tạm giam. Thực tế ấy cho thấy, đã có thời điểm, việc lựa chọn lãnh đạo cho các thành phố lớn của đất nước và người đứng đầu các bộ đều chưa đúng và chưa “trúng”. Chúng ta có thể cho rằng bản thân các cá nhân ấy thoái hóa, biến chất. Điều này là không sai, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, nếu quy trình tuyển chọn không vội vàng, không bất cập thì sẽ không một vị tham quan nào có thể leo lên những vị trí quyền lực đó.

Việc các cử tri lo lắng do sự trống vắng của những vị trí quyền lực trên là hoàn toàn có cơ sở. Vì hơn bao giờ hết, thủ đô Hà Nội là chính là “trái tim” của cả nước. Người đứng đầu thành phố Hà Nội càng sớm được cắt cử thì hoạt động bộ máy chính quyền càng nhanh chóng trơn tru, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch. Trong lĩnh vực y tế, một nỗi lo tương tự cũng xuất hiện. Mặc dù, dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ về một làn sóng dịch bệnh vẫn còn. Kết hợp với tâm lý hoang mang và sự xói mòn niềm tin trong dân chúng, tất cả đang đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành y tế nói riêng và đất nước nói chung. Do đó, phải sớm phân công người đảm nhận vị trí Bộ trưởng và Chủ tịch UBND Hà Nội, trước là để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn đọng, sau là ổn định bộ máy, động viên, khích lệ các cán bộ trong cơ quan, trong ngành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri hôm 23/06.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng: Sự cần thiết của các vị trí quyền lực trên không đồng nghĩa với việc bổ nhiệm nhân sự cho các vị trí đó một cách vội vàng. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong cuộc gặp mặt với cử tri Hà Nội, ông nói rõ: “Không lo không có cán bộ làm việc, bởi con chị nó đi, con dì nó lớn”. Vắng ông trưởng, ông phó tạm quyền thay. Thực tế, việc xử lý vi phạm càng nghiêm, càng có điều kiện để sàng lọc cán bộ, chọn người phù hợp. Khi cán bộ đã bị xử lý, lại không chọn kỹ người thay thế thì hậu quả trước mắt hay dài lâu đều rất kinh khủng. Đó là chưa kể, Việt Nam vốn không thiếu người tài. Đặc biệt, những người vừa có tài, vừa có đức làm việc trong bộ máy công quyền không hiếm. Vấn đề là làm sao lựa chọn cho đúng, cho trúng, cho phù hợp. Chậm mà chắc vẫn hơn thần tốc mà nhiều sai phạm. Chậm để tránh những kẻ “nhanh” tay “lẹ” chân. Chậm để theo dõi, quan sát và chọn cho chuẩn những cán bộ thật sự vì dân, vì nước. Tuyệt đối tránh các thành tích bên ngoài, như Tổng Bí thư đã nhiều lần cảnh báo: “Đừng thấy đỏ mà tưởng chín”. Hoặc như lời dạy xưa của ông bà mình rằng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Phải qua “lửa” của thực tiễn và thời gian mới thấy được ở người cán bộ cái tâm, cái tầm với chức trách và nhiệm vụ. Phải có “lửa” trong mình thì người cán bộ mới “đốt cháy” những ham muốn tầm thường của thói xa hoa, tư lợi. Và chỉ khi quá trình truyền “lửa” và thử “lửa” đó được cả một hệ thống chính trị quan tâm, nỗ lực thì khi ấy, công tác cán bộ mới từng bước được cải thiện. Tất nhiên, khởi đầu của sự thay đổi bao giờ cũng khó khăn, mà khó khăn trước mắt là ở hai vị trí mà đầu bài có nhắc đến. Hy vọng trong thời gian tới, không chỉ là hai vị trí ấy, mà mọi vị trí của các cơ quan công quyền đều được xem xét một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, minh bạch và hiệu quả. Đó không chỉ là mong mỏi chính đáng của toàn dân mà còn là điều kiện bắt buộc về lâu, về dài cho tương lai của đất nước.

Đăng Võ

Đọc nhiều