Tử hình ông Trần Dụ Châu và câu chuyện công tác cán bộ ngày nay

Khánh Đăng 22/06/2022 19:00

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói của Hàn lâm viện sự, danh sĩ Thân Nhân Trung được ghi tạc vào bia ký cách đây trên 500 năm, nay vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời cuộc. Đó không chỉ là lời nhắc nhở hậu thế mà còn là minh chứng cho vai trò của việc phát hiện, tuyển lựa và bồi dưỡng nhân tài. Không dừng lại ở câu chuyện của một triều đại hay một giai đoạn lịch sử, đó là vấn đề của mọi nơi, mọi thời, đặc biệt nóng hơn trong bối cảnh công tác nhân sự hiện nay.

cong-tac-can-bo-chuyen-xua-chuyen-nay-1
Văn miếu Quốc tử Giám, nơi lưu lại câu nói bất hủ của danh sĩ Thân Nhân Trung.

Trong lịch sử trung đại, triều đại Lê Sơ là giai đoạn phát triển cực thịnh trên nhiều lĩnh vực. Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thời đó đều đạt được những thành tựu nổi bật. Đó là kết quả của một quá trình tuyển chọn, sử dụng quan lại một cách quy củ, tiến bộ. Bởi lẽ, khác với các triều đại trước, vị minh quân nổi tiếng Lê Thánh Tông đã chủ trương dùng thi cử thay cho tiến cử. Sự thay đổi này đã làm lung lay quyền lực của tầng lớp đại quý tộc và tạo điều kiện cho sự tham chính của nhóm sĩ phu Nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử. Có nghĩa là thế lực “con ông cháu cha” không thể lộng hành và những người có chân tài thực học được chọn lựa vào bộ máy. Ngoài ra, không chỉ biết dùng người, nhà vua còn định hướng cho các thần tử dưới mình chọn người cho phù hợp.

Theo vua Lê Thánh Tông, một vị quan mà triều đình và nhân dân cần nhất không hẳn là một người quá giỏi về mặt chuyên môn, nhưng bắt buộc phải là người có đức, tức là bậc quân tử. Rõ ràng, theo quan niệm của người xưa, muốn chọn được “hiền tài”, trước hết phải có quan điểm đúng về “người tài” và phải có tiêu chuẩn rõ ràng để chọn người tài. Hiền tài phải biết lấy nhân nghĩa làm gốc, lấy trí dũng làm cành. Có như thế, việc tuyển chọn nhân sự mới không có “kẻ hở”, càng không có cơ hội cho tham quan, ô lại có chỗ cậy nhờ.

cong-tac-can-bo-chuyen-xua-chuyen-nay-2
cong-tac-can-bo-chuyen-xua-chuyen-nay-2

Bước sang thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho thành công trong việc sử dụng người tài. Vào những ngày đầu lập nước, trước những ngổn ngang của một chính phủ còn non trẻ và thiếu thốn trăm bề, Người đã ra lời kêu gọi trí thức khắp mọi nơi về giúp dân giúp nước. Người đã thuyết phục và mời được các nhân sĩ, trí thức góp chút sở học của mình cho giống nòi trong cơn nguy khó. Bất kể họ là ai, không kể già hay trẻ, cựu học hay tân học, trong Đảng hay ngoài Đảng, miễn là có lòng phụng sự nhân dân.

Nhờ thế, một làn sóng trí thức Việt kiều đã hồi hương, hay các đại thần Nguyễn triều cũng mạnh dạn ra sức cho chính quyền cách mạng. Đó là các vị Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo… Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mạnh dạn sử dụng người trẻ thông qua việc phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp khi đó mới 37 tuổi và bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông Nguyễn Văn Huyên lúc ông vừa tròn 38 tuổi. Mặc dù vậy, Người cũng khá nghiêm khắc trong việc xử phạt cán bộ có biểu hiện suy thoái đạo đức, tác phong, lối sống. Tiêu biểu nhất trong thời kỳ này là bản án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham nhũng.

cong-tac-can-bo-chuyen-xua-chuyen-nay-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch quân sự tại Sở chỉ huy Chiến dịch biên giới năm 1950.

Ngày nay, vấn đề tuyển chọn nhân tài đã và đang được mở rộng với nhiều đối tượng và thành phần xã hội. Người ta đã mổ xẻ vấn đề này ở các cơ quan nhà nước. Người ta cũng đem vấn đề này vào trong những cuộc họp ở các công ty tư nhân, nơi quan niệm về nhân tài đôi khi hoặc thực tế, hoặc thực dụng hơn. Và dù ở bất kỳ đâu hay bất kể khi nào, nhân tài và công tác tuyển chọn, sử dụng nhân tài vẫn luôn là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm nhiều nhất.

Thời gian vừa qua, hàng loạt các cán bộ cao cấp, lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành, địa phương phải chịu kỷ luật và hình phạt nghiêm khắc xung quanh vụ kit test Việt Á lại một lần nữa cho thấy công tác quản lý, công tác cán bộ đã có nhiều lơi lỏng. Nhiều vấn đề trong các khâu cần phải được nhìn nhận, rà soát và chỉnh đốn. Đặc biệt là trường hợp các cá nhân không đủ thực tài, làm giả giấy tờ, bằng cấp, những người vừa lọt qua hàng loạt các khâu giới thiệu, rà soát, tuyển chọn để rồi nghiễm nhiên “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”.

Điều này cho thấy một số quan tham đã bằng các thủ đoạn tinh vi để leo cao, luồn sâu. Đồng thời cho thấy còn có những kẽ hở trong công tác cán bộ, giới thiệu, chọn lọc, bầu cử. Tại Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng trăn trở rằng: “Công tác cán bộ ở nước ta còn nhiều khe hở, lỗ hổng… Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại sai?”.

cong-tac-can-bo-chuyen-xua-chuyen-nay-4
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Công tác cán bộ ở nước ta còn nhiều khe hở, lỗ hổng…

Với quyết tâm kiến tạo một đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều cải cách quan trọng trong công tác cán bộ, công tác phòng chống tham nhũng. Những vụ tham ô, tham nhũng bị xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy hiệu quả của sự quyết tâm đó. Và cũng từ đây, bài học về công tác cán bộ càng đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhà nước Việt Nam ngay từ những ngày đầu tháng 8/1945 đã là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người cán bộ phải phục vụ nhân dân và là người “đầy tớ” trung thành của dân. Do đó, bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hoạt động công quyền mà quên đi tín điều thiêng liêng ấy, vì lòng riêng mà bòn rút sức dân thì đó không phải là một cán bộ tốt, càng không phải là người cán bộ mà Đảng và Nhà nước mong muốn ban đầu khi giao phó quyền lực.

Và tất nhiên, không riêng gì gương xưa của tiền nhân, ngày nay, khi một người cán bộ không chăm lo được cho dân, trở nên quan liêu, tiêu cực, họ sẽ bị đào thải ra khỏi vị trí mà trước đây nhân dân đã tin tưởng trao cho họ.

Đăng Võ 

Đọc nhiều