8
category
438613

Công nhân gặp nạn kể lại sự việc kinh hoàng ở thủy điện Rào Trăng 3

Hồng Anh 14/10/2020 16:01

Tại Bệnh viện Bình Điền (thị xã Hương Trà), người nhà của 5 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 cấp cứu tại đây cho hay, sức khỏe nạn nhân ổn định, có thể ăn uống, kể lại câu chuyện vừa xảy ra. 5 nạn nhân gồm một người Hà Tĩnh, 4 người từ xã Hướng Hiệp, huyện Đăkrông, Quảng Trị. 

Người nhà công nhân Hồ Văn Điều (22 tuổi, trú xã Hướng Hiệp, Quảng Trị) cho hay, nửa đêm 11/10, tại khu nhà nghỉ cách trung tâm điều hành thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 100 m, anh Điều chuẩn bị đi ngủ thì nghe tiếng nổ lớn bên ngoài. Biết đất đá bị sạt lở nên anh Điều gọi những người khác tháo chạy. Lúc này, một công nhân bị vùi lấp không thể chạy tiếp, cả 4 người dừng lại tìm cách cứu nạn nhưng đất tiếp tục sạt xuống. Họ phải tránh ra chỗ khác một lúc, chờ đất đá sạt xuống hẳn rồi quay lại kéo người công nhân bị vùi lấp ra. Lúc này bùn đất ngập ngang người họ.

Lực lượng chức năng đã đưa được 19 người và thi thể một công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 ra khỏi rừng

Anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi) cho biết, anh là một trong số những công nhân thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng ở dự án thủy điện Rào Trăng 3 vừa được lực lượng chức năng dùng ca nô đưa khỏi nơi lánh nạn là thủy điện Rào Trăng 4.

Theo lời kể của anh Vũ, anh ở lán dưới cách khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (nơi bị sạt lở) khoảng 1km. Khoảng 20 – 21h ngày 11/10 có khoảng 20 người từ khu vực nhà điều hành xuống khu vực lán của anh Vũ để ở. Đến đêm thì xảy ra sạt lở và cuốn văng toàn bộ nhà điều hành xuống suối.

Thời điểm khu vực xảy ra sạt lở tại khu nhà điều hành còn khoảng hơn 20 người nhưng có một số người thoát nạn và chỉ còn 17 người bị vùi lấp.

Sau khi xảy ra vụ sạt lở những công nhân còn lại nhanh chóng lên khu vực nhà điều hành để tìm kiếm, ứng cứu những người gặp nạn.

Sau khoảng thời gian tìm kiếm không có kết quả cộng thêm trời mưa rất lớn và nguy hiểm nên cả đoàn băng rừng, lội suối mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ về khu vực thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn. Chiều 13/10, công an Thừa Thiên Huế tiếp cận được thủy điện Rào Trăng 4, đưa 5 công nhân đi cấp cứu.


Thi thể nạn nhân đầu tiên là công nhân thủy điện Rào Trăng 3 được đưa ra ngoài bằng đường thủy.

Anh Vũ cho biết thêm, hiện trong số 17 công nhân bị vùi lấp, lực lượng chức năng tìm được một thi thể và đưa lên ca nô về bằng đường thủy.

Tổng số người từ Rào Trăng 3 thoát sang Rào Trăng 4 là 40, gồm 5 công nhân nêu trên và 3 chuyên gia Ấn Độ. Ngoài ra, nhiều công nhân khác của thủy điện Rào Trăng 3 đang mất tích.

Khóc nghẹn chờ tin con

Vừa xuống chiếc xe thuê vội, bà Phạm Thị Hương (đường Lương Văn Can, thành phố Huế) khóc ngất, vật vạ gào thét tên con. Hai vợ chồng bà sau một đêm thức trắng chạy lên bệnh viện Bình Điền rồi sáng ngược ra đây ngóng trông tin con.

“Hôm qua bên công ty thủy điện báo có hơn 40 người từ Rào Trăng 3 vượt rừng qua Rào Trăng 4 an toàn. Số công nhân này sẽ được chuyển về khu vực Bình Điền nên hai vợ chồng thuê xe chạy lên bệnh viện, mong có con. Nhưng đợi cả đêm vẫn chưa có tin tức gì”, bà Hương kể lại.

Vụ thủy điện Rào Trăng 3: Khóc nghẹn chờ tin con - Ảnh 1.
Bà Phạm Thị Hương, mẹ của công nhân Phan Chí Thanh, người được cho là mất tích sau sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 khóc ngất, rào tên con trai khi vừa đến xã Phong Xuân.

Con trai bà Hương là anh Phan Chí Thanh, 24 tuổi, làm kỹ thuật điện ở công trình thủy điện Rào Trăng 3. Theo bà Hương, con trai bà mới làm được hơn 3 tháng, ban đầu một tuần về nhà một lần nhưng gần đây 2 tuần mới về lần do thủy điện đẩy nhanh tiến độ.

“Cháu mới điện về cho tôi hôm 9-10 hỏi nhà có lụt không mẹ? Rồi kể mẹ ơi trên này sạt lở nhưng không lớn lắm. Con còn cho tôi xem clip. Tôi dặn con ơi nhớ cẩn thận nghe con. Đầu tuần trước con đi, tôi dậy sớm nấu mỳ, pha cà phê nhưng cháu chỉ uống cà phê. Lần đó, tôi mở cổng nhìn nó đi khuất bóng tôi mới quay vào nhà. Thế mà giờ…”, bà Hương nghẹn lời.

Sáng nay, đại diện công ty thủy điện Rào Trăng 3 đã điện báo với gia đình danh sách 40 người từ Rào Trăng 3 qua Rào Trăng 4 danh sách không có tên anh Thanh. Nhắn gia đình lên xã Phong Xuân để đợi tin.

Bà khóc tiếp, ôm lưng chồng: “Ông ơi, ông gọi lại công ty dò lại danh sách 40 người có tên con mình không, chắc họ sót thôi. Nó mới điện về cho tôi mấy ngày trước mà. Đường xa tôi mua cho cháu cái bơm dự phòng, mỗi lần đi bỏ thêm đồ ăn, cái quạt để ngủ, cái chăn cho đỡ lạnh. Không biết con tôi răng rồi mấy anh ơi? “.

Vụ thủy điện Rào Trăng 3: Khóc nghẹn chờ tin con - Ảnh 2.
Bố của công nhân Nguyễn Hữu Nam (Quảng Trị) ôm người thân khóc sáng 14-10

Đứng cạnh đó, người thân công nhân Nguyễn Hữu Nam cũng vừa bắt xe thuê chạy từ Quảng Trị vào. Người cha trung niên gào khóc bên vai người thân. “Hết hi vọng rồi chú ơi, họ gọi tôi lên nhận dạng thì còn hy vọng gì nữa. Con ơi, răng mà khổ rứa con ơi?”.

Trắng đêm hỏi tin người nhà

Nằm tại một nhà nghỉ gần UBND xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, suốt đêm qua anh D. không hề ngủ dù là một thoáng chút. Anh trai anh D. là một sĩ quan thuộc Quân khu 4 vẫn còn nằm trong diện mất tích sau sự cố sạt lở núi. Từ lúc nhận tin dữ, ngay trong đêm 12.10 anh đã tức tốc vào xã Phong Xuân hỏi thông tin. Tuy nhiên đến lúc này anh vẫn chưa được biết thông tin chính xác về tình trạng anh trai mình.

Chốc chốc anh D. mở điện thoại, lướt đọc những tin tức mới nhất về hai vụ tai nạn rồi thở dài, ngồi trầm ngâm. Tận dụng tất cả những mối quan hệ quen biết với đồng nghiệp của anh trai mình để gọi điện, nhắn tin dò hỏi cũng không có câu trả lời chính xác. Tất cả hiện giờ chỉ có những lời động viên vững tin và hi vọng vào một điều kỳ diệu sẽ đến. Anh D. bảo rằng bố mẹ đều đã già yếu, lại có bệnh trong người nên đến lúc này vẫn chưa được thông tin gì về con trai. Hai cô con gái nhỏ hằng ngày vẫn mong chờ tin bố mà lòng nóng như lửa đốt.

Ngóng tin con từ quê nhà

Cơn mưa nặng hạt sáng 14-10 trước giờ cơn bão số 7 đổ bộ vào đất liền càng khiến không khí tại các gia đình công nhân mất tích trong vụ sạt lở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh càng thêm nặng nề.

Lo lắng, hoang mang và cùng hi vọng về một phép nhiệm màu từ công tác cứu hộ của lực lượng chức năng – đó là tâm trạng chung của các gia đình khi con em họ đang ở đâu đó giữa rừng núi hẻo lánh. Nhiều bà con, chòm xóm đến động viên tinh thần gia đình các công nhân gặp nạn cũng mong ngóng từng dòng thông tin tìm kiếm nạn nhân qua báo đài.

Ngôi nhà cấp bốn ẩm thấp của gia đình bà Lê Thị Long (62 tuổi) nằm cuối thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ chật cứng người đến hỏi thăm. Ai nấy đều nặng trĩu nối lo âu. Con trai bà Long, anh L.V.S. (34 tuổi) là công nhân gặp nạn trong vụ sạt lở khu vực thủy điện Rào Trăng 3.

Vụ thủy điện Rào Trăng 3: Khóc nghẹn chờ tin con - Ảnh 4.
Bà Lê Thị Long (62 tuổi, thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) mong chờ tin con

Ngồi gục ở góc giường phải nhờ người thân dìu bên cạnh, bà Long nghẹn ngào kể, anh S. đi làm tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã bốn năm theo người chủ thầu cùng xã. Tối 10-10, gia đình bà vừa xem thời sự thì nhận được cuộc gọi điện thoại từ anh S. báo khu vực anh đang ở đang mưa to, gió lớn.

“Con tôi báo cùng anh em đang mắc kẹt trên núi, không ra ngoài được”, bà Long nhớ lại.

Đó cũng là cuộc điện thoại cuối cùng bà nhận được từ con mình. Chiều 12-10, dõi theo tin bão lũ ở miền Trung, trong đó có việc xảy ra sự cố ở thủy điện Rào Trăng 3 – nơi anh S. đang làm việc có nhiều người nghi mất tích do sạt lở đất, gia đình bà Long như chết lặng.

Vụ thủy điện Rào Trăng 3: Khóc nghẹn chờ tin con - Ảnh 5.
Tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 10 người làm việc ở Thủy điện Rào Trăng 3. Từng giờ trôi qua, các gia đình đang chờ đợi thông tin cứu hộ

Cách nhà bà Long không xa, gia đình bà Lê Thị Hoan (60 tuổi, ngụ thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) cũng như đang ngồi trên đống lửa khi tin con trai Nguyễn Đình Giáp (29 tuổi) làm việc ở Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn bặt vô âm tín.

Theo bà Hoan, từ chiều 12-10, nghe tin thủy điện nơi con trai bà làm việc xảy ra sạt lở đất, gia đình bà rất nóng ruột. Suốt đêm, vợ chồng bà cố gắng gọi điện thoại cho con trai nhưng không liên lạc được. “Đến khoảng 10 sáng 13-10, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của con trai, nó bảo mẹ yên tâm con đã thoát nạn rồi. Nó bảo cùng với hai công nhân khác chạy được lên núi khi xảy ra sạt lở đất”, bà Hoan kể lại.

Nói được vài câu, điện thoại anh Giáp bỗng không thể liên lạc được nữa. Từng giờ trôi qua, bà Hoan không rời tay khỏi chiếc điện thoại để chờ một cuộc gọi từ con.

“Gia đình tôi và mọi người có con em đang mất liên lạc đều mong lực lượng cứu hộ vượt khó khăn do đường sá đi lại bị sạt lở, sớm tìm được người mất tích trở về an toàn”, bà Hoan hi vọng.

Ông Phan Đình Hinh – bí thư Đảng ủy xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại xã có hơn 10 người đi làm việc tại thủy điện Rào Trăng 3, trong đó có một số người đang mất tích. Xã đã nhận thông tin có 3 người tử vong trong vụ việc nhưng cơ quan chức năng chưa công bố.

Đọc nhiều