Công nghệ tàu ngầm Nhật khiến Trung Quốc mơ ước

Hoài Nam 16/10/2020 09:30

Lực lượng Phòng vệ biển Nhật (JMSDF) đã hạ thủy tàu ngầm lớp Soryu (SSK) trang bị pin lithium-ion – công nghệ Trung Quốc theo đuổi nhiều năm vẫn không thành.

Sự kiện diễn ra hôm 14/10 tại thành phố Kobe.  Tàu ngầm mới được đặt tên Taigei (có nghĩa là cá voi theo tiếng Nhật), do công ty Công nghiệp hạng nặng Mitsubishi (Nhật), đóng mang số hiệu SS-513. Tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel – điện này dài 84 m, rộng 9,1 m, có lượng giãn nước 3.000 tấn và có thủy thủ đoàn khoảng 70 người, với trị giá khoảng 76 tỉ yen (720 triệu USD), theo Kyodo News dẫn thông báo từ Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF). Con tàu này được trang bị nhiều công nghệ tối tân hàng đầu thế giới hiện nay, trong đó có thế hệ pin lithium-ion.

So với việc sử dụng ác-quy, pin công nghệ lithium-ion được cho là có độ ưu việt hơn rất nhiều. Cụ thể, pin lithium-ion có tuổi thọ cao hơn và trọng lượng nhẹ hơn nhiều so với ác-quy.

Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm SS-513.

Công nghệ pin lithium-ion hiện nay cũng giúp nó có thể đạt được công suất gần như tương đương với ác-quy trong khi đó thời gian sạc lại được rút ngắn và quá trình bảo dưỡng dễ dàng hơn nhiều

Giáo sư Andrew Erickson thuộc trường Đại học Hải Chiến (Naval War) ở Newport, Mỹ cho biết, hiện nay nhiều cường quốc đang đầu tư vào phát triển pin lithium-ion trang bị cho tàu ngầm của mình.

Nhưng hiện chỉ có Nhật Bản được ghi nhận đã thành công với công nghệ lithium-ion. Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Trung Quốc cũng chưa gặt hái được bất kỳ thành công nào dù đã hao tiền tốn của đầu tư cho công nghệ này.

Theo vị giáo sư này, hiện nay Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang tìm cách tích hợp pin lithium-ion vào “thế hệ tàu ngầm mới trong giai đoạn kể từ sau năm 2020”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng Trung Quốc hiện đang rất khó khăn trong việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm do công nghệ kém phương Tây tới hàng chục năm.

Tàu ngầm hạt nhân Type 095 của Trung Quốc chỉ tương đương với tàu ngầm tấn công nhanh chạy năng lượng hạt nhân của NATO từ những năm 1980. Một trong những điểm yếu lớn nhất của tàu ngầm Trung Quốc là việc thiếu động cơ đẩy bởi đa số các động cơ được Trung Quốc nhập khẩu hoặc sản xuất dựa trên giấy phép trong nước.

Hải quân Trung Quốc cần tàu ngầm “đạt hiệu suất cao, hoạt động lâu dài, đáng tin cậy và ít tạo ra tiếng ồn”, Giáo sư Erickson nhận định. Đó là lý do mà PLAN sử dụng động cơ diesel cho các lớp tàu ngầm tấn công Song và Yuan.

Tàu ngầm chạy diesel hoạt động yên tĩnh hơn các tàu ngầm hạt nhân bởi thiết kế để hạn chế tối đa độ rung và tiếng ồn nhằm tránh sự phát hiện của sóng sonar. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn các tàu ngầm không phải nổi lên mặt nước như hiện nay.

Vì vậy, pin lithium-ion với tuổi thọ cao được coi là giải pháp khả thi nhất. Nhưng giữa quyết tâm và chuyện có đạt được mục tiêu hay không là 2 chuyện khác nhau.

Căn cứ vào số liệu có được, Giáo sư Andrew Erickson tiết lộ, Hải quân Trung Quốc hiện đang biên chế không quá 10 tàu ngầm hạt nhân tấn công, bốn tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công chạy diesel.

Hoài Nam (t.h)

Tags :
Đọc nhiều