Công khai tài sản quan chức: Chống tham nhũng có hiệu quả hơn?

03/11/2020 18:11

‘Công chức, quan chức đều là công bộc của dân nên tài sản quan chức không có gì phải bí mật cả’ – một chuyên gia nhận định khi trao đổi quanh nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vừa được Chính phủ ban hành.

Công khai tài sản quan chức: Chống tham nhũng có hiệu quả hơn? - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Quang Đồng: tài sản quan chức không có gì phải bí mật cả – Ảnh: B.N

Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vừa được Chính phủ ban hành đã quy định bản kê khai tài sản quan chức sẽ được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước đang công tác.

Hình thức công khai bản kê khai tài sản từ cấp phó tổng cục trưởng và tương đương trở lên là tại các cuộc họp cơ quan; bản kê khai tài sản của người có chức vụ từ vụ trưởng, hoặc tương đương trở xuống sẽ niêm yết công khai tại đơn vị, thời gian niêm yết 15 ngày.

Bên cạnh đó, bản kê khai tài sản của người dự kiến được bổ nhiệm chức vụ tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước cũng được công khai tại các cơ quan, đơn vị.

Trao đổi với PV về các quy định mới liên quan tới quản lý tài sản quan chức, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức cần cho công cuộc phòng, chống tham nhũng. Nhưng cơ chế kê khai, xác minh tài sản chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải công khai tài sản quan chức sau kê khai.

Kê khai tài sản người có chức vụ, quyền hạn nhưng chỉ sử dụng trong nội bộ cơ quan, tổ chức sẽ không thực sự hiệu quả. Cần có cơ chế công khai để báo chí, người dân có mong muốn được tiếp cận thông tin về tài sản quan chức, bởi không ai giám sát tài sản quan chức tốt hơn báo chí và người dân.

‘Công chức, quan chức đều là công bộc của dân nên tài sản quan chức không có gì phải bí mật cả’ – ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.

Công khai tài sản quan chức: Chống tham nhũng có hiệu quả hơn? - Ảnh 2.
Ông Lê Văn Nghiêm: Cần thu hẹp những người trong diện kiểm soát tài sản để nâng cao hiệu quả kiểm soát – Ảnh: B.N

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng kê khai tài sản người có chức vụ, quyền hạn là một bước tiến tốt.

Nhưng kê khai và công khai tài sản quan chức là hai việc khác nhau, quy định hiện nay chưa minh bạch hoàn toàn. Thông tin kê khai tài sản của quan chức chưa được đưa vào cơ sở dữ liệu để mọi người dân có thể tiếp cận. Quan điểm xây dựng chính sách còn cân nhắc vì cho rằng tài sản của quan chức cũng như tài sản của người dân bình thường. Nên tài sản quan chức được coi là dữ liệu cá nhân, thuộc bí mật đời tư. Hơn nữa, việc quan chức phải công khai toàn bộ tài sản cho mọi người được biết thì pháp luật hiện nay chưa quy định.

Theo ông Nghiêm, nếu có lý do chính đáng, có căn cứ về việc quan chức kê khai tài sản không trung thực, không đầy đủ, tài sản tăng bất thường, cần phải giải trình thì báo chí có thể đăng công khai thông tin về tài sản quan chức để các cơ quan chức năng, xã hội vào cuộc giám sát.

Ông Nghiêm cũng cho rằng bên cạnh những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng như nhân viên hải quan, kiểm toán, kế toán, thanh tra viên, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán…, chỉ nên kiểm soát tài sản quan chức từ cấp vụ trưởng, cục trưởng trở lên. Trong một số trường hợp, chỉ cần kiểm soát tài sản từ cấp thứ trưởng trở lên.

Một chuyên gia về chính sách công khẳng định kê khai và công khai toàn bộ tài sản, phát sinh tài sản hàng năm của quan chức là biện pháp cực kỳ quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Quan chức không thể che giấu tài sản thì rất khó tham nhũng.

Nhưng vị này cũng khẳng định việc đưa ra quy định kiểm soát tài sản từ cấp phó phòng trở lên là quá rộng, quá sức với nhiều cơ quan đơn vị. Kiểm soát tài sản của quá nhiều người trong bộ máy thì rất khó phát huy hiệu quả, đôi khi người cần kiểm soát bỏ qua trong khi người không cần lại kiểm soát.

BẢO NGỌC/TTO

Đọc nhiều