Cộng đồng ASEAN gắn kết, tự cường tiến lên

15/11/2020 22:59

Chiều 15/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã kết thúc thành công tốt đẹp với Lễ bế mạc và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Quốc gia Brunei Darussalam, hơn 20 phiên họp cấp cao, có trên 80 văn kiện đã được thông qua – khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.  

Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam đảm nhiệm và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Năm 2020 thực sự là một năm đầy thử thách với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN tiếp tục khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết, năng lực tự cường và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức.

Đúng như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với những hành trang phong phú của năm 2020 và các năm trước đây, ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 – một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra.

Thống nhất những quyết sách quan trọng

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Lễ bế mạc.  

“Gắn kết và Chủ động thích ứng”, vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, các nước thành viên ASEAN đã có những ngày làm việc rất hiệu quả. Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch COVID-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Quan chức cấp cao (SOM) Việt Nam, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020, ngay từ đầu, các nước ASEAN đánh giá chủ đề mà Việt Nam đưa ra rất chính xác và đã trở thành một thương hiệu của ASEAN, đó là một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò của mình trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Chủ đề Việt Nam lựa chọn cho năm 2020: “Gắn kết và chủ động thích ứng” phù hợp với bối cảnh khu vực và thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Dường như trong năm 2020, không có một chủ đề nào có thể phù hợp hơn với ASEAN như chủ đề này. Giờ đây, ASEAN đã đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn để chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19, một đại dịch chưa từng có tiền lệ, tạo ra nhiều tác động và thách thức đối với mọi mặt kinh tế – xã hội.

Cũng tại Hội nghị lần này, các nước thành viên ASEAN đã nhất trí về nhiều nội dung quan trọng tạo động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Chia sẻ quan điểm về các vấn đề của khu vực và quốc tế đang nổi lên, các nước thành viên ASEAN nhất trí rằng vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Lãnh đạo các nước ASEAN thông qua Báo cáo Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhất trí về sự cần thiết tiến hành; rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định sự nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, Lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Nhân dịp này, Lãnh đạo các nước đã thông qua Bản Tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng. Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên được tổ chức, là cơ hội quý để phụ nữ các nước ASEAN đóng góp cho các nỗ lực phát triển và tăng trưởng bền vững của khu vực.

Đánh giá Việt Nam đã và đang làm tốt công tác tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, bà Caitlin Wiesen cho rằng Hội nghị lần này rất sáng tạo, mang đến tinh thần hợp tác, đoàn kết, thể hiện sự giàu có trong bản sắc văn hóa của các nước thành viên ASEAN.

Nhiều ưu tiên, sáng kiến được triển khai hiệu quả

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến. 

Tại Hội nghị lần này, nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó với COVID-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai như: Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 với 10 triệu USD đóng góp của các nước (trong đó Việt Nam đóng góp 100.000 USD), Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực (trong đó Việt Nam đóng góp số lượng vật tư trị giá 5 triệu USD), Quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, ASEAN đã quyết định thành lập Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi. ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế-xã hội ở các quốc gia.

Các nước cũng cho rằng những ưu tiên Việt Nam đặt ra cho xây dựng Cộng đồng ASEAN là rất thỏa đáng, phù hợp. Khi Việt Nam chuyển trọng tâm sang ứng phó với COVID-19 và các biện pháp hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nước ASEAN và các đối tác đều đánh giá việc này là chính xác và hưởng ứng rất mạnh mẽ đề xuất này của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphan Savanphet cho biết, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hữu ích cho ASEAN, trong đó có các sáng kiến như tăng cường gắn kết cộng đồng ASEAN, đánh giá lại các kế hoạch tổng thể cũng như việc thực hiện vai trò của ASEAN, thảo luận biện pháp để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 lây lan, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến để tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với không chỉ các nước trong ASEAN mà còn với các đối tác ngoài ASEAN, về cách thức hợp tác để ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh, khôi phục lại nền kinh tế ASEAN để tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Ông Thongphan Savanphet khẳng định, những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đã đưa ra được rất nhiều sáng kiến và hoàn thành tất cả các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm. Điều này góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định và sự phát triển của ASEAN, giúp ASEAN đoàn kết và tiếp tục giữ được vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác với các nước ngoài khối, đồng thời tạo thêm sự gắn kết và đoàn kết hơn trong ASEAN.

Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các Đối tác, tại Hội nghị lần này, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. Hội nghị Cấp cao Đông Á EAS-15 cũng thông qua các Tuyên bố quan trọng, trong đó có Tuyên bố về 15 năm EAS. Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN+3 về Tăng cường năng lực tự cường kinh tế-tài chính trước các thách thức một lần nữa khẳng định vai trò và thế mạnh của khuôn khổ ASEAN+3 trong ngăn ngừa, ứng phó với các nguy cơ khủng hoảng kinh tế-tài chính ở khu vực.

Việc ASEAN và các Đối tác kết thúc đàm phán và ký chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế, rất đáng khích lệ.

Bà Jessica Wa’u, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu ASEAN của Viện các vấn đề quốc tế Singapore nhận định, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực là một trong những thành tựu ấn tượng của ASEAN trong năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Bà Jessica Wa’u cho rằng, việc ký kết RCEP là dấu mốc quan trọng đối với ASEAN khi dẫn dắt hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, đồng thời đưa khu vực xích lại gần nhau hơn về thương mại. RCEP là một báo hiệu rằng ASEAN muốn làm việc với các quốc gia khác và tăng cường hội nhập kinh tế, kể cả sau một năm 2020 đầy biến động.

Trong nhiều năm qua, quan hệ đối ngoại, hợp tác với các đối tác có vai trò quan trọng. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này đã diễn ra các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với một số đối tác chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Liên hợp quốc… Kết quả của các Hội nghị này đã một lần nữa khẳng định hình ảnh hợp tác năng động, kết nối gần gũi thân ái của ASEAN, nâng cao vị thế và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.

Trưởng đoàn Campuchia tham dự các hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth thay mặt Thủ tướng Hun Sen, đánh giá, Việt Nam giữ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt các ưu tiên của khối trong năm 2020, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo bày tỏ cam kết cần phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng cộng đồng ASEAN hướng tới Kế hoạch Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và xa hơn nữa.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa gỗ cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam – nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước một lần nữa khẳng định hòa bình, ổn định cần được duy trì, củng cố trên mọi miền ASEAN, bao gồm của khu vực Biển Đông. Tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và các quyền chính đáng của các quốc gia theo luật pháp quốc tế đã được Hội nghị khẳng định và quyết tâm cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, nơi tự do hàng hải và hàng không phải được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Các nước dự Hội nghị đề cao kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Nhận định về những đóng góp và dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Giáo sư Surupa Gupta (Khoa Khoa học Chính trị và Vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington, Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam đã đóng một vai trò rõ ràng trong việc nhấn mạnh nhu cầu hợp tác và hòa bình trong khu vực. Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm cần phải hợp tác để mang lại một số biện pháp hòa bình nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông.

Một trong những thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đó là sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng về an ninh, hạ tầng công nghệ hiện đại đảm bảo chất lượng đường truyền, hình ảnh, âm thanh thông suốt, ổn định, góp phần củng cố, vai trò của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Phóng viên Phạm Bắc của Thông tấn xã Đức (DPA) đánh giá công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam rất tốt, đường truyền internet nhanh, ổn định. Mọi thứ rất thuận lợi để phóng viên yên tâm tác nghiệp.

Chúc mừng Việt Nam đã đạt được những bước thành công trong công tác tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 cũng như cả năm Chủ tịch ASEAN 2020, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman cho rằng, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh vô cùng phức tạp. Vượt qua khó khăn, thử thách, công tác chuẩn bị, khả năng chống chịu cũng như sự linh hoạt khi chuyển hình thức tổ chức từ trực tiếp sang trực tuyến của Việt Nam thực sự là một thành tựu tuyệt vời, xứng đáng được nhận sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế, không chỉ từ ASEAN, mà còn từ Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Hà Lan.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là dịp quan trọng để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đưa ra những quyết sách, chỉ đạo quan trọng về hợp tác ASEAN và quan hệ với các đối tác, đối sách của ASEAN đối với các vấn đề khu vực và quốc tế tác động đến khu vực trong thời gian tới, cũng như nâng cao sự chủ động của ASEAN trước các thách thức hiện nay, trong đó có dịch COVID-19.

Đây cũng là đợt hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, khép lại nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đọc nhiều