Công chức cấp quốc gia sẽ không còn phải kiểm định đầu vào hay thi nâng ngạch
Không còn cảnh ngồi luyện đề, ôn tủ, chạy “chuẩn ngạch”, đợi đợt “thi nâng hạng”. Từ 1/7/2025, công chức không còn phải qua kiểm định đầu vào cấp quốc gia hay thi nâng ngạch để được sử dụng và trọng dụng. Thay vào đó, hiệu quả công việc, vị trí đảm nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ là tiêu chí then chốt.

Đó không chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật quản lý nhân sự. Mà là một chuyển biến về tư duy thể chế, đặt dấu mốc cho hành trình xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, và quan trọng nhất: vì dân phục vụ.
Luật Cán bộ, công chức năm 2025 được Quốc hội thông qua ngày 24/6 và có hiệu lực chỉ sau 1 tuần, kèm theo 4 nghị định hướng dẫn thi hành được Chính phủ ban hành đồng bộ. Đây là bước đi chủ động, nhịp nhàng hiếm có trong quy trình chính sách.
Khác với cách làm từng có độ “trễ thể chế” giữa luật và hướng dẫn thi hành, lần này, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã thể hiện một tinh thần cải cách hành chính đúng nghĩa: luật có hiệu lực là có ngay hành lang vận hành. Không để cán bộ cấp dưới, địa phương hay đơn vị sử dụng công chức rơi vào thế “chờ hướng dẫn”.
Tâm điểm của đổi mới lần này là việc xóa bỏ cơ chế thi nâng ngạch và kiểm định đầu vào chung, thay bằng nguyên tắc “tuyển dụng, sử dụng theo vị trí việc làm”. Đây là thay đổi mang tính bản chất:
Không còn “đầu vào đồng loạt, đầu ra rải rác”.
Không còn “ngạch cao nhưng làm việc không rõ vai trò”.
Cũng không còn khái niệm “thi cho có để hợp thức hóa” với những người đã làm việc nhiều năm.
Thay vào đó, mỗi vị trí công vụ trở thành một “bản mô tả công việc cụ thể”, với yêu cầu rõ ràng, trách nhiệm cụ thể, và kết quả được lượng hóa. Không ai mặc định giữ ghế suốt đời, cũng không ai bị loại vì thiếu “một cái bằng” nếu có thể chứng minh năng lực qua hành động.
Một trong những điểm tích cực rõ nét là chuyển đổi từ mô hình “quản lý tập trung” sang mô hình “quản lý theo trách nhiệm người đứng đầu”. Điều này thể hiện rõ trong cả tuyển dụng, sử dụng, đào tạo lẫn xử lý kỷ luật.
Việc không thi nâng ngạch không đồng nghĩa với buông lỏng chuẩn mực. Ngược lại, các nghị định gắn chặt kết quả công việc với đánh giá năng lực, đồng thời giao quyền đi đôi với trách nhiệm cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Ai đề xuất, người đó phải chịu trách nhiệm nếu sai người – sai chỗ.
Nghị định 171 bỏ luôn quy định bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch. Điều này không chỉ giảm thủ tục mà còn giải phóng công chức khỏi các lớp học hình thức, vốn tồn tại như điều kiện bắt buộc trong quá khứ. Giờ đây, công chức được quyền lựa chọn chương trình đào tạo gắn với công việc mình đảm nhiệm, thay vì “học cho đủ chỉ tiêu”.
Đặc biệt, công chức quản lý – lãnh đạo sau bổ nhiệm bắt buộc phải bồi dưỡng kỹ năng điều hành, thay vì “lên làm sếp” rồi mới học dần theo kiểu “vừa làm vừa dò”.
Nghị định 173 về hợp đồng công vụ là một bước ngoặt thực sự: cho phép ký hợp đồng với chuyên gia, doanh nhân, nhà khoa học đầu ngành… để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo mang tính chiến lược. Đây là lần đầu tiên, biên chế không còn là rào cản tuyệt đối giữa khu vực công và lực lượng nhân sự chất lượng cao trong xã hội.
Cơ chế tài chính dành cho hoạt động này tuy có giới hạn (tối đa 10% tổng quỹ lương và thưởng), nhưng là tín hiệu rõ ràng cho việc “hành chính hóa đội ngũ” không còn là lựa chọn duy nhất”.
Luật Cán bộ, công chức 2025 cùng 4 nghị định hướng dẫn không chỉ là một bộ văn bản. Đó là thể chế hóa quyết tâm chính trị về cải cách hành chính, là cách Nhà nước khẳng định nguyên tắc: đãi ngộ đúng người, trao quyền đúng chỗ, trách nhiệm rõ ràng.
Từ chỗ “xin việc – giữ ghế – lên ngạch – hưởng lương”, nền công vụ Việt Nam đang chuyển dần sang mô hình “ứng tuyển – làm việc – đánh giá – nâng nhiệm vụ”.
Thảo Nguyên