127982
category
575990

Công bố báo cáo về hiệu quả của các loại vaccine với biến chủng Omicron

Bảo Trâm 20/12/2021 15:16

Trang New York Times vừa đăng tải một nghiên cứu sơ bộ gần đây cho thấy phần lớn vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới hầu như không có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm từ biến chủng Omicron.

Dù vậy, tất cả vaccine hiện nay dường như vẫn cung cấp mức độ bảo vệ đáng kể, giúp giảm triệu chứng nặng khi nhiễm chủng mới – mục tiêu quan trọng nhất của vaccine, theo New York Times.

Theo nghiên cứu, chỉ vaccine Pfizer và Moderna, sau khi được củng cố và gia tăng hiệu lực với mũi tiêm tăng cường, mới có thể thành công bước đầu trong việc ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, phần lớn thế giới không có sẵn những loại vaccine này.

Trang New York Times cho biết, nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy các loại vaccine khác, bao gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson, cùng vaccine được sản xuất tại Trung Quốc và Nga, không giúp ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Và vì hầu hết quốc gia đã xây dựng chương trình tiêm chủng với các loại vaccine trên, điều này có thể có tác động sâu sắc đến diễn biến tiếp theo của đại dịch.

Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trong một thế giới mà hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm chủng không chỉ đe dọa sức khỏe của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, mà còn làm tăng cơ hội xuất hiện nhiều biến chủng mới.

Người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Nhà thờ Chester ở Anh. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, với hiệu quả vaccine khác nhau, sự chênh lệch giữa các quốc gia trong khả năng chống chọi với đại dịch sẽ ngày càng sâu sắc.

Và tin tức cho thấy hiệu quả hạn chế của vaccine trong việc ngăn ngừa tình trạng nhiễm Omicron có thể làm giảm nhu cầu tiêm chủng, đặc biệt ở những nơi mà nhiều người còn do dự hoặc bận tâm đến vấn đề sức khỏe khác.

Khác với vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA, phần lớn loại vaccine khác đều dựa trên các phương pháp cũ hơn là kích hoạt phản ứng miễn dịch, theo New York Times.

Một nghiên cứu sơ bộ ở Anh cho thấy 6 tháng sau khi tiêm chủng, vaccine Oxford-AstraZeneca không có khả năng ngăn ngừa sự lây nhiễm từ Omicron.

Tại Ấn Độ, 90% dân số được tiêm chủng đã tiêm vaccine này, với tên gọi là Covishield. Nó cũng được sử dụng rộng rãi ở phần lớn châu Phi, nơi COVAX, chương trình vaccine toàn cầu, đã phân phối 67 triệu liều cho 44 quốc gia.

Nhu cầu đối với vaccine Johnson & Johnson đã tăng lên ở châu Phi, vì phác đồ tiêm một mũi giúp dễ dàng phân phối vaccine ở những nơi có nguồn lực thấp. Nhưng nó cũng cho thấy khả năng ngăn ngừa lây nhiễm Omicron không đáng kể.

Dù vậy, vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng. Kháng thể là tuyến phòng thủ đầu tiên do vaccine tạo ra, nhưng các mũi tiêm đồng thời cũng kích thích sự phát triển của tế bào T. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy các tế bào này vẫn nhận ra biến chủng Omicron, và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.

“(Trước biến chủng Omicron), điều chúng ta mất đầu tiên là khả năng bảo vệ, chống lại bệnh nhẹ, không triệu chứng. Nhưng chúng ta giữ lại được điều tốt hơn nhiều, đó là lá chắn bảo vệ giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong”, John Moore, nhà virus học tại Weill Cornell Medicine ở New York, cho biết.

Tuy nhiên, sự bảo vệ này sẽ không đủ để ngăn chặn sự gián đoạn toàn cầu do biến chủng Omicron với khả năng lây lan nhanh gây ra, theo ông J. Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.

“Quy mô lây nhiễm lớn sẽ ‘áp đảo’ các hệ thống y tế”, ông J. Stephen Morrison nói với New York Times.

Ông J. Stephen Morrison, Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược

Những người mắc Covid-19 đột phá dù đã tiêm vaccine có thể chỉ bị bệnh nhẹ, không triệu chứng, nhưng họ sẽ lây cho những người chưa tiêm chủng – đối tượng dễ bị bệnh nặng hơn và trở thành “vườn ươm” hoàn hảo cho các biến chủng mới.

Tại Mỹ Latin, phần lớn quốc gia dựa vào vaccine của Trung Quốc, Nga, và AstraZeneca. Mario Rosemblatt, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Chile, cho biết hơn 90% người Chile đã tiêm hai mũi, nhưng phần lớn trong số này là vaccine của Sinovac.

Tỷ lệ tiêm chủng cao kết hợp với các báo cáo ban đầu rằng Omicron không gây bệnh nghiêm trọng đang dẫn đến cảm giác an toàn sai lầm trong nước, ông cho biết.

“Nếu virus có khả năng lây truyền cao, nó vẫn làm cho hệ thống y tế bị quá tải vì số lượng người mắc bệnh sẽ nhiều hơn”, ông nói.

Dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy với biến chủng mới, nguy cơ tái nhiễm ở người từng mắc Covid-19 cao hơn nhiều so với chủng gốc, hay thậm chí là Delta. Nhưng một số chuyên gia y tế công cộng tin rằng các quốc gia đã trải qua đợt dịch nghiêm trọng, như Brazil và Ấn Độ, có thể có “chất đệm” chống lại Omicron, và việc tiêm phòng sau khi nhiễm bệnh sẽ tạo ra lượng kháng thể cao.

Trái ngược, Trung Quốc không có lớp bảo vệ này để hỗ trợ vaccine. Do những nỗ lực tích cực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus trong quốc gia, nước này có tương đối ít người nhiễm bệnh. Ước tính chỉ có khoảng 7% người dân ở Vũ Hán, nơi đại dịch bắt đầu, bị nhiễm bệnh.

Hiện Brazil khuyến cáo tất cả người đã tiêm chủng nên tiêm mũi thứ ba và bắt đầu sử dụng vaccine Pfizer làm mũi tiêm tăng cường.

Tiến sĩ Amilcar Tanuri, một nhà virus học tại Đại học Rio de Janeiro, lưu ý dù tác động của Omicron có thể giảm bớt nhờ khả năng miễn dịch tự nhiên, nhiều nhóm dân số vẫn dễ bị tổn thương. Họ là những người đã tiêm vaccine của Sinopharm trong giai đoạn đầu, và hàng chục triệu người tiêm AstraZeneca.

Mối đe dọa đang nổi lên ở các quốc gia dựa vào vaccine không phải mRNA là một bản cáo trạng về việc các nước giàu không chịu chia sẻ công nghệ hay giúp xây dựng điểm sản xuất ở nước có thu nhập thấp và trung bình, theo Tolbert Nyenswah, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg.

Các biến chủng nguy hiểm sẽ tiếp tục xuất hiện từ các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp và đại dịch sẽ kéo dài, ông cho biết thêm.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI), nhận định cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về hiệu quả của vaccine chống lại Omicron, và tăng tốc tiêm chủng nên tiếp tục là trọng tâm ứng phó với đại dịch.

Ông cảnh báo sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu các quốc gia không tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng hoặc cho rằng chỉ có vaccine mRNA mới đáng được phân phối.

“Chúng ta có thể chứng kiến ​​tình huống mà nhiều quốc gia cho rằng ‘nếu các nước phát triển không muốn có những loại vaccine này, thì chúng tôi cũng không muốn’”, Seth Berkley nói. “Tuy nhiên, đó sẽ là cách giải thích sai lầm khi những loại vaccine này vẫn ngăn ngừa được bệnh trở nặng và tử vong”.

Bảo Trâm (Theo New York Times)

Đọc nhiều