Cơn bão “mất việc” đang ập đến trên toàn cầu
Theo nền tảng chuyên theo dõi về nhân sự Layoffs.fyi, tính đến hết tháng 6/2023, tổng số nhân sự trong ngành công nghệ bị sa thải trên thế giới là 201.860 người và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm 2023. Điều này vô tình đã tạo ra một làn sóng sa thải nhân sự với quy mô chưa từng có trong vòng 1 thập kỷ qua.
Mới đây nhất, hôm 11/7, gã khổng lồ công nghệ Microsoft đã xác nhận sẽ tiếp tục có thêm đợt cắt giảm nhân sự vào năm 2024. Đáng chú ý, trước đó vào tháng 1/2023, hãng này cũng đã cắt giảm 10.000 nhân sự – đợt cắt giảm lớn nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Trả lời báo chí, người phát ngôn của Microsoft từ chối tiết lộ con số nhân sự bị cắt giảm. Tuy nhiên vị này thông tin, những tháng gần đây, khách hàng đang tìm cách tiết kiệm tiền trên hóa đơn dịch vụ đám mây. Do đó, việc cắt giảm nhân sự là hành động cần thiết.
Không chỉ riêng Microsoft, vào tháng 3/2023, Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên nữa trong đợt sa thải lần thứ 2 của mình, đồng thời xóa bỏ 5.000 vị trí tuyển dụng trong 6 tháng tới. Trong bản tuyên bố ngày 14/3, CEO Mark Zuckerberg của Meta cho biết: “Năm 2023 sẽ là năm hướng tới sự hiệu quả nhằm cải thiện kết quả kinh doanh, tình hình tài chính. Với mục tiêu như vậy, công ty sẽ tinh giản biên chế, hủy bỏ những dự án kém quan trọng và hạn chế tuyển dụng. Đây là quyết định vô cùng khó khăn nhưng ông cũng không còn cách nào khác.”
Điều trớ trêu là phần lớn những người bị sa thải lại thuộc đội tuyển dụng nhân sự, vốn là mảng bị đuổi việc nhiều nhất trong lần sa thải đầu tiên hồi tháng 11/2022. Với đợt cắt giảm mới nhất này, số lượng nhân viên của Meta sẽ xuống gần đến mức 2 năm trước đây. Tuy nhiên động thái này lại kích thích các nhà đầu tư khi cổ phiếu Meta tăng hơn 5% trong phiên ngày 14/3.
Tương tự, vào tháng 1/2023, Alphabet – công ty mẹ của Google cũng đã phát đi thông báo sẽ cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, tương đương với khoảng 6% tổng nhân sự của doanh nghiệp. Trong email gửi tới nhân viên, Sundar Pichai – CEO của Alphabet cho biết việc sa thải là quyết định khó khăn, tuy nhiên ông cũng không ngần ngại chia sẻ lý do dẫn tới đợt sa thải này là vì Alphabet đang tái cấu trúc để tập trung vào các mảng kinh doanh có ảnh hưởng nhất. Waymo – đơn vị xe tự hành của Alphabet đã tiến hành hai đợt sa thải khiến 209 người, tương đương với 8% lực lượng nên bắt buộc ông cũng phải làm điều tương tự với những đơn vị khác.
Ngoài 3 ông lớn nổi bật trong ngành công nghệ trên, hàng loạt các phi vụ sa thải nhân sự lớn cũng đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2023, điển hình như:
Amazon đã sa thải 18.000 nhân viên trong vài tháng, từ tháng 11/2022 đến đầu năm 2023. Những nhân viên làm việc ở bộ phận bán lẻ và tuyển dụng là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Sau đó, hãng này cũng đã tuyên bố sa thải thêm 9.000 nhân viên vào tháng 3 và hơn 100 nhân viên ở bộ phận phát triển game vào tháng 4.
Phần mềm trực tuyến Zoom đã sa thải 1.300 nhân viên vào tháng 2/2023 sau khi CEO Eric Yuan tuyên bố rằng công ty đã không tuyển dụng “một cách hiệu quả” khi thành công bất ngờ “ập đến” với doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Tập đoàn công nghệ Dell của Mỹ cũng sa thải khoảng 6.650 nhân viên trong bối cảnh thị trường PC và laptop trên toàn cầu đang lao dốc khi người tiêu dùng hạn chế mua sắm các thiết bị công nghệ mới.
Công ty truyền thông, mạng xã hội Twitter cũng sa thải khoảng 3.700 người lao động kể từ khi được tiếp quản bởi tỷ phú Elon Musk – người đang điều hành hãng xe điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX.
Theo ông Aaron Terrazas – Nhà kinh tế trưởng thuộc Công ty nghiên cứu Glassdoor của Mỹ cho biết, bước sang năm mới 2023, làn sóng sa thải nhân sự tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực công nghệ và tác động của nó có thể cảm nhận ở khắp mọi nơi trên thế giới. Việc tuyển dụng quá mức trong đại dịch là một lý do. Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn đang phải đối mặt với nền kinh tế vĩ mô không chắc chắn. Vì vậy, họ phải hành động để cắt giảm chi phí, điều chỉnh để phù hợp với một giai đoạn dự kiến là khó khăn trong 6 tháng tới đây.
Bên cạnh đó, rất nhiều các công ty công nghệ đang phải giải quyết hệ quả của việc gia tăng lãi suất. Lãi suất cao hơn cũng có nghĩa chi phí rủi ro cao hơn. Trong khi công nghệ là ngành kinh doanh nhiều rủi ro. Họ đặt cược vào tương lai, vào các sáng kiến và hy vọng rằng điều đó sẽ mang lại lợi nhuận. Vậy nên bắt buộc họ cũng phải đánh giá lại các khoản đầu tư và chi phí lao động ở thời điểm hiện tại.
Lan Hoa