8
category
199

Còn 1% khối lượng, vì sao đường sắt Cát Linh không thể đúng hẹn?

07/07/2019 15:22

“Đường sắt Cát Linh – Hà Đông thiếu một tổng công trình sư đủ bản lĩnh để hưởng vinh quang nếu công trình thành công và chịu trách nhiệm khi thất bại”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Đã 2 tháng kể từ khi đại diện Bộ GTVT thông báo dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ còn 1% khối lượng xây lắp. Việc hoàn thành 1% này chưa biết sẽ kéo dài trong bao lâu. Bộ GTVT không đưa ra mốc thời gian cụ thể, trong khi chuyên gia của ngành bày tỏ nghi ngờ.

Từ em bé đến nhà khoa học đều mất lòng tin

Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, cho rằng Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về việc nhiều lần hứa hẹn với dân nhưng không thực hiện đúng lời hứa.

“Khoảng tháng 8 năm ngoái, tôi ngồi cà phê cùng các học giả (trong đó có một nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT). Khi đó đường sắt Cát Linh được hứa khánh thành trong tháng 9/2018. Mọi người không tin, còn đố nhau xem đến tháng 12/2018 có khánh thành được không. Kết quả là đến tận tháng 7 năm nay vẫn chưa chạy”, TS Xuân Thủy nói và cho rằng cả xã hội từ em bé đến nhà khoa học đều đã mất lòng tin vào uy tín của ngành GTVT.

Con 1% khoi luong, vi sao duong sat Cat Linh khong the dung hen? hinh anh 2
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không phải người khởi động dự án Cát Linh – Hà Đông, nhưng đang đứng trước trọng trách đưa dự án về đích trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Việt Hùng.

“Tôi cho rằng 1% mà Bộ GTVT đưa ra không chính xác, nó phải là một tỷ lệ cao hơn. Nếu chỉ còn 1% thì đến nay tàu đã chạy rồi. Hoặc nếu phần việc còn lại rất khó khăn, phức tạp thì nó không phải là 1% nữa”, ông Thủy nói.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang trở thành dự án có tiến độ chậm và lỡ hẹn nhiều nhất đối của Bộ GTVT. Không có trường hợp nào lại gần 10 lần lỡ hẹn, trong khi đó đây là công trình đi giữa thủ đô, mang tính quốc gia, là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên trong cả nước.

Chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng công trình quan trọng của đất nước nhưng lại được giao cho một nhà thầu quá yếu kém, thiếu trách nhiệm. Phía Việt Nam cũng mù mờ, thiếu chuyên nghiệp, để cho tổng thầu “tự tung tự tác”.

“Bộ GTVT thể hiện sự thiếu trách nhiệm với xã hội trong việc điều hành, quản lý. Hứa hẹn rất nhiều, nhưng việc lỡ hẹn liên tục cho thấy rõ ràng là anh chưa nắm được vấn đề mình hứa”, ông Thủy nhận định.

Phải có tổng công trình sư thay cho lãnh đạo “nhiệm kỳ” 

Ngày 24/3 tại thủ đô Jakarta, tuyến metro đầu tiên của Indonesia chính thức khánh thành. Công trình dài 16 km kết nối trung tâm thủ đô với khu thương mại sầm uất phía nam thành phố hứa hẹn sẽ cải thiện tình trạng tắc đường được coi là “đặc sản” của thủ đô Jakarta.

Theo South China Morning Post, dự án metro này đã bị bỏ hoang suốt 26 năm vì các vấn đề thu hồi đất và nguồn tài trợ hạn hẹp, trước khi được khởi động lại dưới thời thống đốc Jakarta lúc đó là Joko Widodo.

Từ cương vị thống đốc đến khi trở thành tổng thống Indonesia, ông Widodo được nhiều người ca ngợi vì đã thúc đẩy việc khởi công và khánh thành công trình chỉ trong hơn 5 năm. Các chuyên gia cho rằng thành tựu về hạ tầng của Widodo tác động không nhỏ đến việc ông tái đắc cử tổng thống.

“Những công trình lớn của đất nước không thể thiếu được một tổng công trình sư – người không cần thiết phải biết mọi điều nhưng phải được trao quyền lực đôn đốc công việc và sẵn sàng nhận trách nhiệm”, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Giới học giả ngành GTVT vẫn nhớ đến Thứ trưởng Bùi Danh Lưu – vị tổng công trình sư của cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. Ông đã trực tiếp đề xuất ý tưởng, tự thiết kế cây cầu và chịu trách nhiệm về tính khả thì của dự án.

Thành công của Bùi Danh Lưu tại cây cầu sắt đầu tiên do Việt Nam xây dựng đã đưa ông lên chức Bộ trưởng GTVT sau đó một năm.

Một trường hợp khác là tổng công trình sư Nguyễn Đình Doãn – người có công xây lại cây cầu Hàm Rồng lịch sử bắc qua sông Mã. Ông Doãn sau đó cũng trở thành Thứ trưởng Bộ GTVT.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, một công trình lớn của quốc gia cần có những người dành trọn sự nghiệp của mình để theo đuổi, chứ không phải cứ làm việc theo nhiệm kỳ. Một tuyến đường sắt chia ra 3 đời bộ trưởng GTVT, người sau luôn có cớ để đổ trách nhiệm cho người trước.

“Với những công trình sau này, phải có một tổng công trình sư chịu trách nhiệm, một người thôi, không phải cả tập thể. Nếu công trình thành công thì anh ta được hưởng vinh quang, còn thất bại thì đương nhiên phải mất chức”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

(Theo Zing News)

Đọc nhiều