Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỉ

09/01/2020 22:32

Tổng cục Thuế cho rằng Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định, nên đã ra quyết định phạt và truy thu số tiền ‘khủng’ lên đến hơn 821 tỉ đồng.

Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỉ - Ảnh 1.
Coca-Cola Việt Nam chính thức bị Tổng cục Thuế ra quyết định phạt và truy thu hơn 821 tỉ đồng – Ảnh: Q.ĐỊNH

Tối 9-1, theo nguồn tin riêng của PV, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng.

Tổng cục Thuế cho rằng Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.

Nhiều vi phạm

Cụ thể, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỉ đồng với Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số thuế GTGT bị truy thu là hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.

Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16-12-2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16-12-2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước.

Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, qua thanh tra còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỉ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỉ đồng. Giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12-2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỉ đồng.

Tổng Cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, Coca-Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Quá thời hạn trên, Coca-Cola Việt Nam sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành. Coca-Cola Việt Nam cũng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này.

Quyết định xử phạt cũng nói rõ giao cho ông Peeyush Sharma, đại diện Công ty Coca-Cola Việt Nam, chấp hành việc xử phạt trong vòng 10 ngày, tính từ ngày 25-12-2019.

Coca-Cola Việt Nam nói gì?

Xác nhận với PV về thông tin bị phạt và truy thu số tiền “khủng” nói trên, ông Peeyush Sharma, tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam, khẳng định “các hoạt động kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam luôn được thực hiện trên tinh thần trung thực, minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam”.

Ông đồng thời cho biết “sẽ hoàn toàn tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam” khi được PV hỏi có chấp hành đầy đủ thực hiện việc nộp phạt và bị truy thu hơn 821 tỉ đồng nói trên hay không.

Theo ông Peeyush Sharma, từ tháng 3-2017 đến tháng 12-2019, Tổng cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại Coca-Cola Việt Nam để thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, giai đoạn từ năm 2007-2015.

Dù khẳng định “đã tích cực hợp tác với Tổng cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán với đa số các kết luận của Tổng cục Thuế”, nhưng ông Peeyush Sharma cho rằng “trong quá trình thanh tra, Coca-Cola Việt Nam nhận ra đã mắc phải những sai sót nhỏ”, và “công ty đã thông báo với Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu”.

Do đó, tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm “công ty đã hoạt động hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình, tài liệu được chuẩn bị và nộp lên Tổng cục Thuế theo quy định thường kỳ và trong đợt thanh tra”.

Chỉ mới nộp hơn 38 tỉ đồng

Trao đổi với PV tối muộn cùng ngày, một đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết Cục Thuế TP đã nhận được quyết định trên và đôn đốc Coca-Cola Việt Nam nộp số tiền thuế bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp trên vào ngân sách trước thời điểm kết thúc năm 2019.

Tuy nhiên, đến cuối ngày 9-1, Cục Thuế TP.HCM cho hay Coca-Cola chỉ mới nộp 38,254 tỉ đồng vào ngân sách.

“Số tiền này được nộp vào ngày 2 và ngày 3-1 vừa qua”, đại diện Cục Thuế TP.HCM xác nhận.

20 năm chỉ mới nộp 32 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp

Về việc có hay không hành vi chuyển giá thông qua chi tiết Tổng cục Thuế giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỉ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002 đến 2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỉ đồng theo như quyết định xử phạt PV đề cập, Tổng giám đốc Coca-Cola Việt Nam Peeyush Sharma không trả lời thẳng vào câu hỏi này.

Riêng câu hỏi Coca-Cola Việt Nam đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao nhiêu sau 20 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Peeyush Sharma cho biết đã nộp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách nhà nước thông qua các hình thức thuế khác nhau, trong số đó khoảng 32 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã chịu thua lỗ trong một thời gian dài, do đó chúng tôi không thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty chỉ có lợi nhuận từ năm 2013 trở đi, và chúng tôi bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2015 sau khi đã khấu trừ các khoản lỗ được kết chuyển theo luật Việt Nam”, ông Peeyush Sharma thông tin.

—–

Liên tục báo lỗ

Trước đây, Công ty Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế TP.HCM xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước công ty này liên tục kê khai số lỗ “khủng”, từ năm 2013 bắt đầu kê khai lãi.

Cụ thể năm 2013, Coca-Cola Việt Nam lãi 150 tỉ đồng và tiếp tục lãi 350 tỉ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do doanh nghiệp được chuyển lỗ trong vòng năm năm nên dù có lãi trong hai năm này nhưng đến thời điểm đó Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.

Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, số tiền lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỉ đồng.

HOÀNG ĐIỆP – TRẦN VŨ NGHI – ÁNH HỒNG/TT

Đọc nhiều