Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đơn vị cung cấp nước sạch Sông Đà?
Theo luật sư, trong trường hợp đơn vị cung cấp nước sạch (Viwasupco) xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp và nguồn nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.
Khi Viwasupco thừa nhận
Sau một tuần kể từ ngày “nước sạch” Sông Đà có mùi nồng nặc, ngày 14/10, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về vụ việc nước sạch sông Đà có mùi lạ.
Báo cáo của Viwasupco gửi Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vào 12 giờ ngày 9/10, nhân viên bảo vệ vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân.
Viwasupco đã dùng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500 m làm khu vực tách dầu và thu gom. Vị trí đặt phao, gối hút dầu được đặt tại cửa kênh nhận nước dẫn từ hồ Đầm Bài đến Trạm bơm hồ; Song chắn rác tại vị trí cuối kênh, công trình thu trước khi bơm lên khu xử lý để khoanh vùng không cho dầu tràn lan ra ngoài.
Ngoài nhân công của Công ty, Viwasupco còn thuê thêm nhân công bên ngoài vớt, thu gom toàn bộ váng trên bề mặt.
Đơn vị này cho rằng, có thể phản ánh khách hàng về nước có mùi lạ là do mùi clo vì sau xử lý theo số liệu Phòng hóa nghiệm Công ty vẫn đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế. Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng ngày 10/10, Công ty đã tiến hành xả toàn bộ tuyến ống truyền tải, Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ và giảm châm clo với hàm lượng trước đây là từ 0,3 – 0,5 mg/l.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước việc Viwasupo thừa nhận có váng dầu và châm tăng hóa chất trong nước sản xuất, khiến hàng trăm nghìn hộ dân ở Hà Nội phải sử dụng nước nồng nặc mùi lạ trong những ngày qua, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ chất lượng của nguồn nước và xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.
“Hành vi này hết sức tắc trách, coi thường tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng,” Luật sư Cường nói. “Cơ quan chức năng cần làm rõ chất lượng của nguồn nước và xem xét xử lý trách nhiệm của những người có liên quan”.
Theo luật sư, trong trường hợp đơn vị cung cấp nước sạch (Viwasupco) xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật.
“Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự,” Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, nhiều người còn khẳng định chắc chắn phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.
Luật sư Cường khẳng định có đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân.
Hiện nay, chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 41 quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước sạch quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 5 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư này phải được đơn vị cấp nước công khai trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có kết quả trên trang thông tin điện tử của đơn vị cấp nước các nội dung sau: Tổng số mẫu nước thử nghiệm và các vị trí lấy mẫu; Các thông số và kết quả thử nghiệm cụ thể của từng mẫu nước; Biện pháp và thời gian khắc phục các thông số không đạt Quy chuẩn.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải kiểm tra (ngoại kiểm) việc thực hiện các quy định về đảm bảo chất lượng nước sạch của đơn vị cấp nước. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch, cơ quan thực hiện ngoại kiểm thông báo bằng văn bản cho đơn vị cấp nước được ngoại kiểm; công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện ngoại kiểm; thông báo cho đơn vị có thẩm quyền lựa chọn đơn vị cấp nước và cơ quan chủ quản đơn vị cấp nước đã được ngoại kiểm (nếu có) về kết quả ngoại kiểm.
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 41, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị cung cấp; Lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch; Báo cáo biện pháp khắc phục các sự cố liên quan đến chất lượng nước sạch; Công khai thông tin về chất lượng nước sạch;…
(Theo Infonet)