130115
topics
360027

Có thể ngăn chặn virus corona hay không ?

06/02/2020 07:49

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus nCoV có thể lây từ người sang người trong giai đoạn ủ bệnh, chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Các nhà khoa học lo rằng một trận đại dịch là không thể tránh.

Giới khoa học lo không thể ngăn virus corona lây lan - Ảnh 1.
Bác sĩ đọc phim chụp phổi của một bệnh nhân nhiễm virus corona ở Vũ Hán ngày 3-2 – Ảnh: AFP

Liệu những người nhiễm virus corona có thể lây cho người xung quanh kể cả khi họ chưa phát triệu chứng bệnh?

Đây là một trong những câu hỏi quan trọng giới khoa học đang đối mặt. Nếu những người không triệu chứng có thể lây virus, việc kiềm hãm sự lây lan của nó sẽ rất, rất khó khăn.

Theo báo New York Times, các bác sĩ ở Trung Quốc đã kết luận rằng nCoV có thể lây trong giai đoạn ủ bệnh. Một bài viết đăng trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine ngày 30-1 dường như càng củng cố nhận định này.

Trong báo cáo, một nhóm nghiên cứu ở Munich và Berlin mô tả lại một ổ virus xuất hiện ở Đức bắt nguồn từ một du khách đến từ Thượng Hải. Người phụ nữ này trông khỏe mạnh trong suốt chuyến thăm 4 ngày đến bang Bavaria, rồi đột ngột đổ bệnh trên chuyến bay khứ hồi về Trung Quốc.

Thông tin này làm dấy lên lo lắng trong cộng đồng khoa học thế giới, bởi nó cũng đồng nghĩa việc ngăn chặn con virus corona gần như là bất khả thi.

Mới đây, các quan chức y tế Đức đặt dấu hỏi về tính chính xác của báo cáo. Họ cho rằng vị khách Trung Quốc đã bộc lộ “những triệu chứng nhẹ, không xác định” trong khi còn ở Đức, bao gồm đau lưng, chứ không phải đợi đến lúc rời đi.

Tuy nhiên, mặc cho những khiếm khuyết trong đánh giá, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng về nguy cơ virus corona lây từ người chưa phát bệnh, cơ sở chính là những thông tin quan trọng họ nhận được từ các đồng nghiệp ở Trung Quốc.

“Báo cáo đó có thể chính xác, hoặc chưa hoàn toàn chính xác – cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó thay đổi trọng tâm của vấn đề”, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, bình luận.

“Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo từ những người uy tín ở Trung Quốc – nhà khoa học, nhà điều tra, chuyên gia y tế, những người chúng tôi đã quen biết trong nhiều năm. Và họ thông tin cho chúng tôi rằng virus corona lây lan không triệu chứng, chắc chắn, và chúng ta đang chứng kiến điều này xảy ra”, bác sĩ Fauci cho biết.

Theo ông Marc Lipsitch, giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Harvard (Mỹ), nếu các triệu chứng sớm chỉ là những biểu hiện phổ biến như đau lưng, bệnh nhân và bác sĩ sẽ không cân nhắc đến khả năng nhiễm virus corona.

“Ở góc độ thực tiễn, nó chẳng khác nào người phụ nữ Thượng Hải không biểu lộ triệu chứng gì. Đau đầu, đau lưng… rất phổ biến, phát hiện người bị nhiễm bệnh vô cùng khó khăn chỉ với chừng ấy biểu hiện”, GS Fauci giải thích thêm.

Theo các chuyên gia, cho dù kết luận là gì đi nữa, hầu hết lây nhiễm đường hô hấp do virus xảy ra chủ yếu thông qua hành động ho và hắt hơi của bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng.

Cảnh báo phụ nữ mang thai có thể lây bệnh sang thai nhi

Ngày 5-2, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Vũ Hán phát đi cảnh báo rằng những phụ nữ mang thai bị nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV) có thể truyền bệnh cho thai nhi.

Theo đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, các bác sĩ đưa ra khả năng trên sau khi một bệnh nhân nhiễm nCoV đã sinh con hôm 2-2. Em bé này đã được xét nghiệm 30 giờ sau khi sinh và được xác nhận có kết quả dương tính với nCoV. (Ý NGUYÊN)

Giới khoa học lo không thể ngăn virus corona lây lan - Ảnh 3.
Người Philippines xếp hàng rồng rắn để mua khẩu trang ở Manila – Ảnh: CNN

 WHO chưa dám kết luận

Trong báo cáo đăng trên New England Journal of Medicine, các nhà nghiên cứu cho biết một doanh nhân người Đức 33 tuổi, khoẻ mạnh, bỗng xuất hiện triệu chứng đau họng, lạnh người và đau cơ trong ngày 24-1. Anh tiếp tục phát sốt hơn 39 độ và ho trong ngày tiếp theo.

Trước khi ngã bệnh, người đàn ông tiếp xúc với đối tác làm ăn là người phụ nữ đến từ Thượng Hải. Cô này ở Đức từ ngày 19 đến 22-1, trong tình trạng khỏe mạnh cho đến khi được ghi nhận dương tính với virus corona vào ngày 26-1.

Chính quyền Trung Quốc đã thông báo cho các quan chức y tế Đức, người ta lập tức xét nghiệm và phát hiện vị doanh nhân cũng dương tính với corona. Đến ngày 28-1, thêm 3 nhân viên trong công ty anh này cũng phát bệnh, 2 người trong đó chưa từng tiếp xúc với người phụ nữ Trung Quốc.

Tất cả những người này hiện đang được cách ly trong bệnh viện, tình trạng sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Maria Van Kerkhove, quyền lãnh đạo phụ trách dịch bệnh mới xuất hiện của WHO, ngày 4-2 có nói rằng tổ chức này đã chú ý đến các báo cáo về trường hợp người nhiễm virus corona lây bệnh cho người khác khi chưa có triệu chứng, hoặc rất sớm sau khi nhiễm bệnh.

“Chúng ta cần thêm thông tin về vấn đề này để xác định nó có xảy ra thường xuyên không, và liệu nó có dẫn đến lây nhiễm thứ cấp”, bác sĩ Van Kerkhove nói.

WHO nhận định thế giới hiện chưa rơi vào “đại dịch”

Ngày 4-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại Trung Quốc và lan sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới chưa phải là “đại dịch”.

Trả lời báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu Bộ phận rủi ro lây nhiễm toàn cầu của WHO, bà Sylvie Briand nhận định “hiện chúng ta chưa rơi vào đại dịch” mà chỉ đang ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát với nhiều ổ dịch lây lan.

Cùng ngày, giới chức WHO cho biết hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus corona biến thể, đồng thời khẳng định “đây là một chủng virus khá ổn định”. (Ý NGUYÊN)

Giới khoa học lo không thể ngăn virus corona lây lan - Ảnh 5.
Người dân ở Bắc Kinh được đo thân nhiệt ngày 1-2 – Ảnh: REUTERS

Mỹ thay đổi chiến lược chống dịch?

Trong bài cập nhật diễn biến dịch corona ngày 5-3, Đài CNN của Mỹ viết rằng đã 2 tuần trôi qua kể từ khi ca nhiễm virus corona đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, và chiến lược của nước này đã trở nên rõ ràng hơn: Không thể chặn con virus, chỉ có thể làm chậm sự lây lan.

Đài CNN liệt kê một số lý do cho nhận định trên như sau:

1. Đi lại quốc tế: 

Mặc dù Mỹ đã thiết lập trạm kiểm tra thân nhiệt ở sân bay, khu cách ly hành khách và thậm chí giới hạn những người được phép nhập cảnh, một quan chức chính phủ nói không có cách nào phát hiện được từng người bị nhiễm virus.

Số lượng hành khách quốc tế hiện nay đông hơn nhiều so với thời dịch SARS năm 2003 – đồng nghĩa kiểm soát toàn bộ là chuyện rất khó.

2. Truy nguồn tiếp xúc:

Khi số ca nhiễm corona tăng mỗi ngày, công tác truy tìm nguồn tiếp xúc – tức xác định toàn bộ những người mà bệnh nhân đã gặp gỡ, tiếp xúc, càng trở nên khó khăn.

3. Xét nghiệm:

Vấn đề càng phức tạp hơn khi công tác xét nghiệm virus không phải lúc nào cũng chính xác. Dù kết quả âm tính đồng nghĩa người đó nhiều khả năng không nhiễm virus, nhưng lý do cũng có thể là bệnh chưa bộc phát đủ để phát hiện.

Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) dự báo sẽ có thêm các ca lây nhiễm từ người sang người ở Mỹ trong những ngày tới, tuy nhiên nguy cơ đối với cộng đồng hiện chưa cao.

PHÚC LONG/TTO

Đọc nhiều