3
category
525756

Cơ quan chức năng cần khẩn cấp “vá” lại những lỗ hổng từ livestream

Không phải ngẫu nhiên mà những buổi livestream của bà Phương Hằng thu hút một lượng người theo dõi khủng, có lúc lên đến 225.000 người, hơn 32.000 lượt chia sẻ – con số lập kỷ lục về lượng người xem của một cá nhân.

Vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng trong buổi livestream tại gia

Qua những buổi livestream trực tiếp mà bà Phương Hằng đã “bóc phốt”, dẫu còn nhiều tranh cãi, lời ra tiếng vào, thế nhưng phải công nhận một điều, là nhờ đó mà hàng loạt cái vụ việc mập mờ như Võ Hoàng Yên, Hoài Linh, Phi Nhung được phơi bày trước công chúng.

Tuy nhiên trong các buổi livestream tạo ra dư luận lớn tưởng chừng như hoàn hảo của bà Phương Hằng đã hé lộ ra vô số các điểm đen, khi chính bản thân đã bà có những nhận định chưa đúng, nhiều phát ngôn đi quá giới hạn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Sự phản ứng của không ít người dân, cơ quan báo chí và việc bà Phương Hằng bị phạt 7 triệu đã cho thấy rõ điều đó.

Nhưng sai sót trong những buổi phát sóng trực tiếp của bà Phương Hằng không chỉ có vậy. Việc khi ngay trên sóng trực tiếp của bà Phương Hằng, nơi mà hàng trăm nghìn người đang theo dõi lại xuất hiện các bình luận công kích chính quyền, xuyên tạc và chống phá chế độ – đây là điều không thể nào chấp nhận được! Thậm chí, cũng đã có không ít đối tượng lợi dụng những bức xúc trong phút chốc của bà Phương Hằng, rồi nhân danh “bảo vệ bà”, “bảo vệ công lý” từ đó sử dụng như phương tiện hoàn hảo để phục vụ cho công cuộc công kích chống phá chế độ – đây là phần chìm của tảng băng rất đáng lưu tâm.

Dù bà Phương Hằng có muốn điều đó hay không thì những điều đáng tiếc này cũng đã diễn ra. Ở góc cạnh nào đi chăng nữa, lỗi để diễn đàn của mình thành nơi để các đối tượng vào tuyên truyền những điều sai trái là điều không thể chấp nhận. Sòng phẳng mà nói, khi livestream – cá nhân không phải chỉ chịu trách nhiệm về lời nói của mình, mà còn chịu trách nhiệm về khách đến “nhà mình”.

Bà Phương Hằng vạch trần sự giả tạo của nhiều nhân vật. Tuy nhiên, việc bà mở cửa để “sân nhà” trở thành nơi cho các đối tượng chống phá vào tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chế độ là điều không thể phủi bỏ trách nhiệm.

Từ những lùm xùm và bất cập này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp quản lý việc cá nhân, tổ chức thực hiện livestream. Chủ thể phải có trách nhiệm với nội dung truyền đạt, có nghĩa vụ quản lý những nội dung bình luận trên sóng của mình, và phải chịu trách nhiệm toàn phần.

Bởi, nhìn thẳng thực tế thì những bất cập liên quan đến livestream không phải chỉ mới diễn ra ở vụ việc bà Phương Hằng, mà trước đây đã đếm không xuể biết bao nghệ sĩ, người hoạt động trong giới showbiz thực hiện hành vi chửi rủa, phát ngôn vô văn hóa, vô đạo đức không thua gì giang hồ ngay trên sóng có hàng nghìn khán giả theo dõi.

Cho đến giờ phút này, nhiều người vẫn còn ám ảnh cảnh tượng một nhóm nghệ sĩ và “hiệp sĩ” không khác gì giang hồ, kéo nhau đi xử lý một anh gymmer, quá trình đó được phát sóng trực tiếp. Hay hình ảnh đầy tục tĩu của một cô người mẫu bán hàng online hẹn đánh nhau với anh IT, livestream với 4 ngàn lượt người xem – những bất cập này đã và đang tìm ẩn những mối nguy hại đến trật tự xã hội.

Thời đại công nghệ thì pháp luật càng phải được thượng tôn, xã hội cần những ứng xử văn minh và trên hết, ánh sáng pháp luật cần được chiếu sáng mọi ngóc ngách của cuộc sống. Cơ quan chức năng cần thực thi điều đó một cách đúng nghĩa, để chấn chỉnh và thiết lập lại trật tự xã hội, hướng con người đi đến lối sống, ứng xử văn hóa ngay từ trong tư tưởng.

Dương Thị Hải Yến

Đọc nhiều