419
category
421326

Có nên cảnh giác với “biên giới mềm” mang tên Viện Khổng Tử?

sông trà 18/08/2020 17:43

Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo “Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ”, nơi chịu trách nhiệm quản lý các Viện Khổng Tử ở Mỹ, đã bị liệt vào danh sách “phái bộ nước ngoài” và buộc phía Trung Quốc phải cung cấp thông tin nhân sự, tài chính.

Quyết định trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang “nóng” trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, ngoại giao… Tuy nhiên, việc đóng cửa Viện Khổng Tử không phải bây giờ mới có, mà trước đó nó đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Điều này phần nào cho thấy nhiều quốc gia đã và đang cảnh giác với những hoạt động của nó.

Vậy ở Việt Nam thì sao?

Việt Nam chúng ta cũng nên cảnh giác với Viện Khổng Tử khi mà nhiều nước trên thế giới đã đóng cửa hoặc yêu cầu Viện này phải minh bạch hoạt động

“Cơn sốt Viện Khổng Tử”

“Cơn sốt Viện Khổng Tử” bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, việc học tiếng Hán ở một số quốc gia và khu vực đã dần dần trở thành một trào lưu, nhưng ban đầu cũng chỉ là nhu cầu về việc làm chứ không phải là do người học thực sự muốn tìm hiểu về Trung Quốc cũng như văn hóa Trung Quốc.

Tiếp theo đó, số lượng người học tiếng Hán ngày càng tăng lên, và nhu cầu của họ không chỉ dừng lại ở việc học ngôn ngữ nữa, người học còn muốn hiểu biết về đất nước con người Trung Quốc, về xã hội Trung Quốc đương đại, và họ thi nhau đến Trung Quốc du học, ngày càng có nhiều các trường đại học của các nước cũng thành lập khoa tiếng Trung hoặc ngành Trung Quốc.

Từ “cơn sốt tiếng Hán” đến “cơn sốt Viện Khổng Tử” là bước chuyển mình của quá trình tự hoàn thiện mình và thể hiện tính ưu việt của ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc. Viện Khổng Tử đã trở thành thương hiệu nổi bật nhất trong hoạt động truyền bá văn hóa ra nước ngoài của Trung Quốc trong thời kỳ đầu thế kỷ XIX, là thứ công cụ để mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới và chuyển tải ý tưởng hữu hảo đến cộng đồng quốc tế.

Vào năm 2005, Trung Quốc bắt đầu đàm phán với các nước trong khu vực Mê Kông về việc thành lập chương trình truyền bá Hán ngữ.

Năm 2006, Hán Bản – Văn phòng Quốc gia về dạy tiếng Trung ở nước ngoài, đã ký một hiệp định với Bộ Giáo dục Thái Lan cho phép thành lập Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử (gọi chung là Học viện Khổng Tử) tại tất cả các bậc học từ tiểu học, trung học đến đại học của Thái Lan. Hiệp định này cũng mở đường cho các Học viện Khổng Tử tại Thái Lan tiếp nhận tài trợ, chương trình giảng dạy và giáo viên tình nguyện từ Trung Quốc.

Năm 2008, Myanmar cho phép lập một Viện Khổng Tử tại một trường dạy nghề và ngôn ngữ ở Yangoon có tên gọi Fuxing Language and Computer School, một chi nhánh khác của viện này đặt tại Trường Ngôn ngữ và Máy tính Fuquing (Fuquing Language and Computer School) thuộc tỉnh Mandalay, miền trung Myanmar.

Năm 2009, Campuchia có tới 4 chi nhánh mở rộng của Viện Khổng Tử ở các vùng khác nhau. Tháng 3/2010, Đại học Quốc gia Lào đã cho phép Viện Khổng Tử đặt một cơ sở tại trường này.

Riêng tại Việt Nam, tháng 4/2008, Đại học Sư phạm Quảng Tây đã thỏa thuận với Đại học Hà Nội về việc thành lập một Viện Khổng Tử tại trường. Thỏa thuận đã được Việt Nam chấp nhận bằng một thông báo của Thủ tướng Chính phủ năm 2009 cho phép thành lập thí điểm một Viện Khổng Tử.

Tuy nhiên, cho đến tận tháng 12/2011, ông Tập Cận Bình, trong chuyến thăm Việt Nam với tư cách là phó Chủ tịch Trung Quốc, vẫn phải “mong mỏi Chính phủ Việt Nam sớm tạo điều kiện để thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam”.

Mãi đến 2 năm sau, tháng 12/2013, Văn phòng Hán Bản tại Bắc Kinh mới phát đi thông báo chính thức được phép mở Viện Khổng Tử tại Việt Nam và một năm nữa, tháng 12/2014, Văn phòng Viện Khổng Tử đặt tại Đại học Hà Nội mới được khai trương, nhân chuyến thăm của ông Yu Zhengsheng, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị Trung Quốc. Đại học Sư phạm Quảng Tây được Hán Bản giao chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động của Viện Khổng Tử tại Việt Nam.

Còn ở khu vực Đông Á, Viện Khổng Tử đầu tiên được mở vào năm 2004 tại Hàn Quốc, và theo dữ liệu chính thức, có 548 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới đã được thành lập vào cuối năm ngoái (cuối năm 2018), cũng như 1.193 phòng học Khổng Tử có trụ sở tại các trường tiểu học và trung học.

Tại Mỹ, hiện có khoảng 75 Viện Khổng Tử, 65 trong số đó được hợp tác thành lập với các trường đại học Mỹ; ngoài ra còn có khoảng 500 “Khổng Tử giáo thất” (phòng học Khổng Tử) được thiết lập trong hệ thống các trường từ mẫu giáo đến trung học ở Mỹ.

Đáng chú ý, ngoài Mỹ, thì các trường đại học ở Thụy Điển, Đức, Ấn Độ, Úc và nhiều nơi khác, hoặc đóng cửa các viện Khổng Tử hoặc yêu cầu các cơ sở này minh bạch hoạt động.

Cảnh giác không bao giờ thừa

Viện Khổng Tử tự nhận là một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nhưng nguồn kinh phí chủ yếu đến từ Hán Bản – trực thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc. Và việc nhiều quốc gia đóng cửa hoặc yêu cầu sự minh bạch trong hoạt động của Viện Khổng Tử cũng cho thấy đang có nhiều quan ngại xung quanh sự tồn tại của nó.455408

Không cần phải bàn cãi gì trước những đóng góp to lớn của Viện Khổng Tử đối với việc xây dựng và nâng cao hình ảnh quốc gia tốt đẹp của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế cũng như ý tưởng ngoại giao là xây dựng một thế giới hài hòa, từ sự ra đời, xây dựng và quá trình phát triển hiện nay của Viện Khổng Tử đã tạo cho ngoại giao văn hóa của Trung Quốc một bệ phóng vô cùng quan trọng.

Có thể nói, sự thiết lập Học viện Khổng Tử tại các nước trong khu vực Mê Kông, cũng như nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ là một nỗ lực rất lớn của Trung Quốc nhằm lan tỏa sức mạnh văn hóa và mở rộng “biên giới mềm” của cường quốc này.

Thậm chí, được hỗ trợ bởi chính phủ, Trung Quốc đặt mục tiêu có 1.000 viện như vậy được thành lập vào năm 2020 trong cái mà họ gọi là “cuộc cách mạng Khổng Tử” nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung ngày càng tăng ở nước ngoài.

Có điều, sự hiện diện của Trung Quốc đang tăng lên trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, cũng đặt ra không chỉ cơ hội kinh tế mà cả những thách thức chính trị-xã hội với các nước – nơi Trung Quốc đặt cơ sở Viện Khổng Tử, đặc biệt là những nước “yếu thế” hơn so với Trung Quốc.

Trước “làn sóng” phản đối, Trung Quốc lập luận rằng các Viện Khổng Tử không khác gì các trung tâm văn hóa, chẳng hạn như Hội đồng Anh và Viện Cervantes của Tây Ban Nha.

Đáng chú ý, phản hồi từ nhiều nước  cho thấy Trung Quốc muốn hiện thực hóa học thuyết “biên giới mềm” hoàn toàn không dễ dàng, thậm chí đặt ra những thách thức, như chính Nhân dân Nhật báo đã thừa nhận: “Quảng bá Trung Quốc vẫn còn nhạy cảm ở một mức độ nhất định tại các nước láng giềng do những tác động bởi các vấn đề lịch sử.” 

Ngay chính các quan chức Trung Quốc trong quá khứ đã thừa nhận rằng các Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong bộ máy tuyên truyền ở nước ngoài của Trung Quốc.

Vì thế, hẳn Trung Quốc cũng không thể trách được Mỹ khi  quyết định cắt đứt quan hệ và đóng cửa các Viện Khổng Tử, bởi sự không rõ ràng của Viện Khổng Tử và việc có sự chỉ đạo của nhà nước đối với sự tồn tại của nó.

Rõ ràng, Viện Khổng Tử với vai trò tuyên truyền vấn đề văn hóa Trung Hoa thì họ lồng tất cả những tư tưởng chính trị hiện đại, và không ngoại trừ có việc tuyên truyền, phổ biến chiến lược “đường lưỡi bò”, cũng như cái gọi là “giấc mộng Trung Hoa”.

Vậy tương lai của Viện Khổng Tử ở Việt Nam sẽ như thế nào? Đây là một câu hỏi không dễ có câu trả lời thỏa đáng. Có điều, chúng ta cần nhìn nhận thẳng vào thực tế trên thế giới để đánh giá vấn đề sao cho khách quan nhất. Vì suy cho cùng, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đóng cửa hoặc bắt buộc các Viện Khổng Tử phải minh bạch trong vấn đề hoạt động.

Xin dẫn lời PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học Phát triển, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) rằng: “Việt Nam không cần Viện Khổng Tử thì cũng đã là một xã hội ảnh hưởng Khổng giáo từ hàng ngàn năm rồi. Vấn đề không nằm ở chính sách của nhà nước đối với Trung Quốc, mà là ở cách nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân. Nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ quan tâm tiếp xúc cấp cao, giữa các quan chức của hai đảng và hai nhà nước mà bỏ qua mọi quan tâm từ phía người dân. Vậy nên trong con mắt họ thì Học viện Khổng tử thực ra chỉ là vỏ bọc của một tổ chức chính trị và tuyên truyền của nhà nước…”

Điều này cũng có nghĩa, chúng ta cảnh giác với Viện Khổng Tử là không bao giờ thừa.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều