86
topics
428683

Có một thị trường “ngầm” rất nguy hiểm

11/09/2020 06:14

Không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, bóp méo môi trường kinh doanh, mua bán hoá đơn trái phép còn được cho là để hợp thức hoá tiền bôi trơn, hối lộ và để rửa tiền…

Có một thị trường “ngầm” rất nguy hiểm - 1

Vụ việc Công an TP Hải Phòng vừa phá đường dây mua bán trái phép hoá đơn GTGT do Ngô Văn Phát cầm đầu cho thấy “mảng tối” của kinh tế đằng sau sự hào nhoáng của những người mang mác “đại gia”, “doanh nhân lớn”.

Nếu như trước đây công chúng trầm trồ, ngưỡng mộ những tòa biệt thự nguy nga tựa lâu đài của đại gia này bao nhiêu thì khi vỡ lở việc buôn bán hoá đơn, người ta lại ngán ngẩm bấy nhiêu.

Nhiều độc giả hẳn cũng đang chép miệng: “Tưởng thế nào!”.

Thế nhưng mục đích bài viết này không phải bình luận về một trường hợp đại gia “ngã ngựa”. Việc một vị đại gia “khét tiếng” trong lĩnh vực nào đó sa lưới pháp luật có thể sẽ khiến dư luận hiếu kỳ, nhưng điều quan trọng là đằng sau câu chuyện này hé lộ một “thị trường” mua bán hoá đơn rầm rộ.

Ông Ngô Văn Phát là lãnh đạo của (ít nhất) hai doanh nghiệp vốn điều lệ cũng đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng là Phat Petraco và Tập đoàn Phú Thành nên tạm thời khó mà suy luận những khối tài sản “kếch sù” là loạt biệt thự lộng lẫy, tráng lệ của ông Phát từ đâu mà có; song phải thừa nhận mua bán hoá đơn trái phép mang lại nguồn lợi cực khủng khiếp.

Nhìn lại những vụ án mua bán hoá đơn trái phép bị triệt phá ít năm trở lại đây chúng ta dễ hiểu “hấp lực” của những chiêu trò này, trong đó có cả những trường hợp… khó ngờ.

Chẳng hạn như năm 2018 dư luận cũng từng xôn xao về đường dây mua bán hoá đơn hàng nghìn tỷ đồng đầy tinh vi do “Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt” Nguyễn Thị Nhung cầm đầu.

Vỏ bọc “doanh nhân thành đạt” này thật khiến ta ngỡ ngàng bởi sự xảo quyệt trong “tài” kiếm tiền của họ.

Hay như trong năm 2015, một nữ doanh nhân khác là Nguyễn Thị Thảo Quyên – Tổng giám đốc Công ty Năng Lượng Xanh và Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Năng Lượng Xanh cũng bị phát hiện đã cùng đồng phạm xuất 3.966 hoá đơn GTGT mặt hàng xăng dầu D.O và F.O cho 101 doanh nghiệp với trị giá ghi trên hoá đơn hơn 5.000 tỷ đồng.

Còn trên địa bàn Hải Phòng, trong thời gian ngắn trở lại đây, cơ quan công an thành phố này đã triệt phá 3 vụ mua bán trái phép hoá đơn GTGT với giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng.

Mới chỉ đọc con số thôi cũng đã choáng váng, “xây xẩm mặt mày”. Theo đó, số lợi mà các đối tượng thu về không hề nhỏ.

Thị trường mua bán hoá đơn trái phép nở rộ, hậu quả nhãn tiền đương nhiên là gây nên thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước nhưng nguy hiểm còn bóp méo môi trường kinh doanh, tạo nên bất công lớn các các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Phương thức mua bán hoá đơn trái phép này còn được cho là để hợp thức hoá tiền bôi trơn, hối lộ, và để rửa tiền… Thế nên, loại hình phạm tội này cần phải bị xử lý triệt để và nghiêm khắc thì mới có tác dụng răn đe cũng như phòng ngừa được các hậu hoạ khôn lường khác.

Trong bối cảnh việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên đơn giản hơn thì công tác giám sát hoạt động “hậu thành lập” càng cần phải sát sao và chặt chẽ hơn nữa.

Hiện nay, với hạ tầng công nghệ thông tin đã trở nên thuận tiện hơn thì không lý gì lại không sớm áp dụng hoá đơn điện tử trên toàn quốc. Điều này sẽ hỗ trợ đáng kể cho cơ quan thuế, cũng là giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và cho cơ quan quản lý.

Hơn nữa, vẫn còn những mối băn khoăn nhất định trong phương án xử phạt.

Lấy ví dụ vụ án Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước liên quan đến Phạm Thị Canh, Lương Thị Nữ, Vũ Thị Thủy được TAND TP Hải Phòng xét xử hồi đầu năm nay. Giá trị hoá đơn GTGT mà nhóm này kinh doanh mua bán cũng tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại chỉ bị phạt hành chính 200-250 triệu đồng mỗi người thay cho ngồi tù.

Với trường hợp nói trên, theo Bộ luật Hình sự 1999 và 2015, thì hành vi của các bị cáo đều rơi vào khung hình phạt theo khoản 2 và đều ngang nhau, mức phạt tù từ 1 – 5 năm. Nhưng Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn là hình phạt tiền. Mức phạt từ 200-500 triệu đồng. Theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, Tòa án xét xử theo Bộ luật Hình sự 2015 (thông tin trên Báo Đầu tư Chứng khoán tháng 4/2020).

Vậy, nên chăng phải tăng chế tài xử phạt? Vì nói đến cùng, thiệt hại của buôn hoá đơn trái phép, mua bán chứng từ khống… cũng đâu kém so với tội buôn lậu?

Bích Diệp/DT

Tags :
Đọc nhiều