Có một chính phủ hành động, kiến tạo trong tâm dịch Covid-19
Tính chất kiến tạo của Chính phủ là bản chất của một nền dân chủ. Bản chất Chính phủ kiến tạo là sẽ phải tạo cơ hội cho tất cả mọi người, phải được thực hiện bằng một tinh thần mới, đề cao tính liêm khiết và tận tâm.
Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam đã được xây dựng lên từ cuộc Cách mạng Tháng 4/1945 và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tuyên bố với toàn thể dân tộc Việt Nam rằng: “mọi người đều có quyền bình đẳng, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”.
Trong bối cảnh hiện nay những tuyên bố đó là rất quan trọng, người dân cảm nhận có một khí thế mới, tinh thần mới. Đơn cử như trong công cuộc xây dựng bộ máy Chính phủ của người đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Từ thời điểm nhậm chức (4/2016) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ.
Và ngay sau đó, trong hai năm 2016-2017, Chính phủ đã tập trung vào việc xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Một cuộc cách mạng về bộ máy trở nên hoạt động nhanh gọn, Chính phủ vào cuộc trực tiếp chỉ đạo không ít những sự việc được xem là “bé bằng cái móng tay” như vụ việc Cà phê Xin Chào bằng câu nói đầy thẳng thắn: “Nếu đó là việc nhà anh thì có nhỏ không?”
Rồi những sự việc được trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo như “tâm thư của một doanh nhân Hải Phòng”; “Thủ tướng vi hành nhà ăn tập thể của công nhân Bình Dương, ăn sáng cùng công nhân”; “Thủ tướng đột ngột kiểm tra chợ Long Biên”, “ xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm” và nhận “trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt” khi để xe đoàn công tác đi vào phố cổ Hội An…
Tất nhiên, người đứng đầu Chính phủ kiến tạo không thể giải quyết được tất cả những việc liên quan đến từng gia đình, từng xóm làng, phố phường… Nhưng với sự việc có tính chất điển hình thì giải quyết triệt để là việc làm cần thiết, cũng là cách làm mẫu cho chính quyền.
Từ những vụ việc nhỏ, rồi đến những vụ việc rúng động cả xã hội, đất nước như vụ xả thải của Formosa. Điều đó cho thấy việc chỉ đạo giải quyết vừa rồi đã tạo niềm tin cho nhân dân, chứng tỏ với dân Chính phủ không buông trôi việc đó mà làm đến nơi đến chốn.
Khi dịch bệnh Corona (sau đổi tên gọi là Covid-19) xuất hiện ở Vũ Hán, một trong những chỉ đạo rõ nét nhất của Chính phủ kiến tạo được đề ra thông điệp “bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân” và để “không bị ai bỏ lại đằng sau” của Đảng, Nhà nước.
Vì sức khoẻ chung của cộng đồng nên Chính phủ đã quyết định: “Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Rồi tiếp đến là những chỉ đạo thực hiện hàng loạt các chuyến bay đón người Việt Nam từ khắp các phương trời, các con em du học, làm ăn ở nước ngoài về địa phương trong mùa dịch.
Khi đoàn người cách ly được đón về nước, được sống trong các khu cách ly tập trung mà trụ sở nhà nước, doanh trại quân đội, trường học, khách sạn,… được lựa chọn làm khu vực cách ly thì đã có thấy quyết sách nhanh gọn, kịp thời. Đặc biệt là khi nhiều quốc gia vẫn chủ quan trong công tác phòng chống dịch, thì Việt Nam đã có những kết quả ban đầu từ công tác chống dịch là 16 bệnh nhân được chữa khỏi thành công.
Hơn lúc nào, lòng yêu nước và tự hào dân tộc đã được khơi dậy rất tự nhiên được Chính phủ khơi dậy và lòng tin gần như trở nên tuyệt đối.
Hơn lúc nào hết, số lượng cuộc họp giữa Chính phủ và Bộ Y tế, các cơ quan liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, được thực hiện với tần xuất nhiều và thời gian đột xuất tăng cao đến thế. Điều này cho thấy, một Chính phủ chủ động từ chỉ thị tới hành động công tác phòng chống dịch bệnh.
Thành công trong công tác chống dịch bệnh Covid-19 là kết quả, là điều kiện cần để Việt Nam thoát ra khỏi khó khăn này. Và kế hoạch thành công đó đến từ nội tại mà đất nước đã tích luỹ trong suốt chiều dài lịch sử, đó là sự đoàn kết toàn dân.
Tiếp đến là những tinh thần của các doanh nghiệp không mưu tính vụ lợi, để đồng hành cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh Covid-19.
Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam không được thực hiện một cách ồn ào, phô trương, nhưng đầy tính nghiêm túc, đảm bảo an toàn một cách tuyệt đối.
Rất có thể, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chuyển sang hình thức “vừa sản xuất vừa chống dịch”. Chính vì thế, không chỉ “quyết chiến” với dịch, mà cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được sự ủng hộ chủ Chính phủ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị 11 với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng đã được đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ để có cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước…
Bộ Giao thông cũng được Thủ tướng chỉ đạo, hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt…
Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II. Hay nghiên cứu việc dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong giai đoạn chống dịch, hay xuất khẩu gạo để giải quyết bài toán cho người dân vùng sản xuất.
Một Chính phủ hành động, kiến tạo trong tâm dịch đã không phải là người lo cái trước mắt, mà hành động đó còn hướng tới cả tương lai. Một quyết định đúng đắn vào nhanh chóng vào thời điểm này đều hướng tới việc lấy dân làm gốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Khi niềm tin của người đứng đầu bộ máy được tạo dựng, thì sức mạnh và sự đoàn kết sẽ được tạo nên cả từ hai phía là nội lực và ngoại lực của một quốc gia. Khi đất nước càng khó khăn thì chúng ta mới càng nhận ra được trọng trách và áp lực, cùng “tâm và tầm” của người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Bộ Y tế và các Bộ, ban ngành của hệ thống.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay dịch bệnh nếu những người lãnh đạo họ hết lòng với đất nước, thì nhân nhân dân cũng sẽ hết sức cùng đồng hành chống lại mọi khó khăn. Bài học lịch sử giữa dân và quân, giữa người đứng đầu và sức mạnh toàn dân trong suốt quãng thời gian lịch sử 2.000 năm dựng nước và giữa nước vẫn còn nguyên giá trị đó trong công cuộc chống dịch Covid-19 hôm nay.
Đinh Lực