8
category
439146

Có một cái nghề được gọi là “nghề lương cao”

15/10/2020 19:02

Năm 2020 có thể được tóm gọn lại bằng hai chữ “kinh hoàng” khi liên tiếp trải qua hai mùa dịch, kinh tế, doanh nghiệp điêu đứng. Dịch vừa yên, miền Trung vốn bao đời nghèo khó oằn mình gánh bão, gánh lũ. Hàng ngàn ngôi nhà ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… ngập chìm trong nước, hàng ngàn người dân bao năm tằn tiện góp nhặt bỗng dưng lâm vào cảnh mất trắng. Những hạnh phúc của những gia đình nhỏ cũng theo dòng nước trôi xa… Những nỗi đau khắc sâu vào tâm trí, mãi mãi ám ảnh vào giấc mơ của nhiều người.

Lực lượng chức năng đưa thi thể các anh về bệnh viện Quân y 268.

Trong hoạn nạn, tình người càng rõ, người ta kêu gọi nhau quyên góp, từ thiện, cứu trợ, ủng hộ để cùng nhau đi qua cơn khổ cực. Thế nhưng để trực tiếp đối diện, để sẵn sàng ứng phó, để sát cánh cùng đồng bào trong mưa gió tơi bời thì chắc chắn không thể không nhắc đến lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người lính với màu áo xanh huyền thoại. Mọi nơi gian khó, mọi nơi hiểm nguy, mọi việc nhọc nhằn đều được tin tưởng đặt vào đôi vai của các anh.

Hai hôm nay, thông tin 13 cán bộ chiến sỹ bị mất liên lạc khi đang đi giải cứu công nhân gặp nạn của thuỷ điện Rào Trăng 3 trong tình trạng mưa lũ kéo dài. Tự nhiên nhớ lại nhiều năm tháng qua, đã có rất nhiều người lạ, người quen sau vài câu hỏi thăm trực tiếp, hay trên các diễn đàn mạng đều nói: “Mấy ông bộ đội sướng bắt chết, thời đại này ăn chơi không mà lương cao, về hưu thì sung sướng, không làm gì lương tháng cũng cả mớ”, mỗi lần như thế đều cảm thấy chua chát, cũng muốn tranh cãi một lần cho ra ngô ra khoai, nhưng nghĩ lại càng không đáng, nên đều hoặc cười trừ, hoặc nhắm mắt cho qua.

Những gì nơi các chiến sỹ hy sinh khiến người xem đau đớn lòng.

Họ, những con người làm cái “nghề lương cao” đó, những con người được cho là “sướng bắt chết” đó, mỗi ngày mỗi ngày trôi qua đều thấy rất nhiều người đối diện với khó khăn, mỗi ngày trôi qua đều làm quân tiên phong đi vào vùng nguy hiểm! Họ luôn ở tuyến đầu trong mặt trận chống giặc, chống dịch, chống thiên tai! Họ để lại sau lưng gia đình họ tự mình nỗ lực, họ để lại sau lưng vợ con họ tự mình cố gắng, họ để lại cho mẹ cha những nỗi lo lắng khôn nguôi!!! Đã có nhiều người “lương cao” ra đi và mãi không về, đã có nhiều đứa con mãi không còn được cha vỗ về trên chặng đường trưởng thành nữa! Nhiều nỗi đau, nhiều mất mát mà tiền không thể bù đắp được!

Chiến tranh đã mãi lùi xa, thế nhưng những hi sinh vẫn còn quá lớn, đâu đó vẫn luôn còn những tấm bia liệt sỹ được dựng lên, đâu đó vẫn còn những đứa trẻ lớn lên và đi học được cộng vài điểm ưu tiên, được miễn vài khoản đóng góp vì là con liệt sỹ. Thế rồi trong những giấc mơ đứt gãy, những đứa con vẫn sẽ hoảng hốt giật mình khi tỉnh lại mà không còn cha bên đời!

Xe cứu thương đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường.

Có mất mát nào lớn lao hơn? Có nỗi đau nào ám ảnh hơn? Có giấc mơ nào vỡ vụn hơn? Thế nên,”lương cao” không phải là một đặc quyền, mà nó là trách nhiệm, là nỗ lực, là tính mạng của họ, là giấc mơ, là âu lo, là hoang mang, là thảng thốt của gia đình họ. Thế nên, đừng mãi so đo, đừng mãi dè bỉu, đừng mãi thắc mắc sao “lương cao thế?”. Bởi không có mức giá nào được tính cho tính mạng của mỗi người. Không có mức giá nào được đưa ra cho nỗi đau, cho mất mát của mỗi người cha, người mẹ, người vợ, người con đằng sau mỗi bước chân của họ.

Nguyên Anh

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Đọc nhiều