7
category
328930

“Có mấy giây thôi” cũng đã đủ ảnh hưởng tới chủ quyền, lãnh thổ thưa bà Nguyễn Thị Hồng Ngát

16/10/2019 16:56

Việc Trung Quốc âm mưu vẽ một “đường lưỡi bò liền nét” cùng kế hoạch thiết lập một “eo chiến lược” ở Biển Đông trong thời gian qua cho thấy họ đang tìm cách đẩy mạnh tham vọng kiểm soát không chỉ các đảo, mà toàn bộ khu vực Biển Đông. Mới đây, bộ phim Everest của Trung Quốc chiếu ở rạp CGV lại chứa hình ảnh đường lưỡi bò, gây nhiều bức xúc.

Bộ phim của Trung Quốc với tựa đề Everest – người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) được rạp CGV giới thiệu là phim hay tháng 10 và được trình chiếu trên các cụm rạp chiếu phim trên cả nước. Mọi chuyện sẽ chẳng ầm ĩ khi hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện rõ nét trong 2 đoạn và 4 cảnh phim khiến khán giả bức xúc. Không cần bàn cãi thêm, hình ảnh đường lưỡi bò đầy phản cảm là minh chứng cho việc kiểm duyệt yếu kém ở Việt Nam.

Sau khi thừa nhận sai sót trong quá trình kiểm duyệt, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát – một thành viên của Hội đồng kiểm duyệt hồn nhiên vô trách nhiệm cho rằng: “Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên”.

“Chỉ mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên”, đó là câu nói bâng quơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về việc bản đồ đường lưỡi bò xuất hiện trên phim “Everest, người tuyết bé nhỏ”. Điều này cho thấy lỗ hổng cực lớn về nhận thức của người quản lý.

Hình ảnh đường lưỡi bò đầy phản cảm là minh chứng cho việc kiểm duyệt yếu kém Hội đồng kiểm duyệt
Hình ảnh đường lưỡi bò đầy phản cảm là minh chứng cho việc kiểm duyệt yếu kém Hội đồng kiểm duyệt

Chỉ “có mấy giây thôi” nhưng nó là vấn đề chủ quyền đang nhức nhối trong thời gian qua. Làm quá lên là vì một phim chiếu rạp mà chiếu bản đồ quốc gia theo kiểu đó thì đã có ý đồ chứ không phải chuyện tình cờ?

Cơ quan kiểm duyệt “quên” đã đành, vậy mà khi nhận ra lỗi sai nghiêm trọng như thế, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát lại có phát ngôn “vui tính” đến mức ấy. Dĩ nhiên, dư luận xã hội sẽ không bao giờ “làm quá lên” khi mà sự việc không gây ảnh hưởng xấu tới chủ quyền quốc gia.

Tôn nghiêm quốc gia, không thể nào đo bằng giây. Tôn nghiêm đó là bất khả xâm phạm. Đằng này họ mang cả bản đồ có đất mình vào trưng bày trong bàn thờ nhà mình, đó là một cuộc xâm lăng có tính toán. Và đương nhiên, khả năng thành công của nó là không cao nếu người làm văn hoá để tâm khi thẩm duyệt.

Về vấn đề chủ quyền biển đảo, Trung Quốc chưa bao giờ thôi tranh thủ các phương tiện truyền thông, các sản phẩm văn hóa để chuyển tải thông điệp tuyên truyền về đường lưỡi bò và hai quần đảo Nam Sa, Tây Sa (thực chất là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).

Nếu không cảnh giác, dư luận các nước có thể bị đánh gục dần dần khi tuyên bố chủ quyền phi pháp ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc âm thầm len lỏi vào cuộc sống thường ngày.

Trên thực tế, những “đường lưỡi bò” ấy xuất hiện không xuất phát từ những cá nhân, mà đó là một mưu đồ lớn Trung Quốc đang cố tận dụng nhiều kênh, nhiều cách để thực hiện.

Không đâu xa, kênh thể thao nổi tiếng ESPN vừa mới đây cũng bị chỉ trích dữ dội vì để “đường lưỡi bò” xuất hiện trong chương trình Sportscenter phát lúc 7h sáng. Đó là chương trình liên quan tới giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, với bản tin được tường thuật từ… Trung Quốc.

Trung Quốc đang nỗ lực vươn mình thành cường quốc thể thao vào năm 2050, vì vậy gần như toàn bộ giải đấu danh giá, trong đó có NBA, đều không cưỡng nổi sức hút tài chính mà thị trường đông dân này mang lại.

Theo một luật có hiệu lực từ tháng 1-2018, tất cả các bản đồ ở Trung Quốc và những vùng lãnh thổ như Hong Kong, Macau và Đài Loan, bản đồ thế giới hay bản đồ lịch sử đều phải qua bàn tay kiểm duyệt của Cục Khảo sát và bản đồ nhà nước.

Trong hoàn cảnh đó, lẽ ra các hoạt động của quốc gia phải hết sức đề cao cảnh giác với những gì có tên Trung Quốc, xuất phát từ Trung Quốc… Không hề có sự cảnh giác đó: bộ phim Người Tuyết Bé Nhỏ, trong đó “đường lưỡi bò” xâm phạm lãnh hải Việt Nam được công khai xuất hiện, đã được duyệt chiếu trên đất nước đang khốn khó vì chính đường lưỡi bò đó.

Câu nói: “Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên” liệu có vô trách nhiệm quá không? Nó chẳng khác nào một phát bắn thẳng vào lưng những cán bộ chiến sĩ Kiểm ngư – Cảnh sát biển – Hải quân, các ban ngành Bộ Ngoại giao cùng bà con ngư dân và kỹ sư công nhân dầu khí đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông, để đóng những chiếc đinh chắc nịch nhằm bác bỏ lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.

Chỉ vài giây ngắn ngủi thôi, nhưng nó xuất hiện tới 4 lần trong phim và thêm một lần ở trailer, với những đứa trẻ chăm chú theo dõi thì nó thừa đủ để gây ấn tượng. Sẽ thế nào khi hình ảnh đường lưỡi bò Trung Quốc in sâu vào tâm trí trẻ em Việt Nam, những thế hệ sẽ tiếp nối cuộc đấu tranh nhằm bác bỏ chính cái yêu sách chủ quyền vô lý đấy trong tương lai?

Một giá trị cốt lõi rất quan trọng của dân tộc Việt qua nghìn năm là giữ gìn bờ cõi, chống xâm lăng. Người Việt quan tâm tới vận mệnh đất nước đều biết trong ngàn năm độc lập của Tổ Quốc, Trung Quốc đã trên 10 lần tiến công quân sự vào lãnh thổ Việt Nam. Nếu họ thắng, họ chiếm đất đai Việt Nam, hủy diệt văn hóa, đàn áp và áp dụng chính sách đồng hóa tàn độc như đã từng xảy ra trong thời gian Minh thuộc cách đây sáu trăm năm.

Từ gần thế kỷ nay, Trung Quốc liên tục bộc lộ mưu đồ làm suy yếu Việt Nam, và từ cách nay trên 40 năm, khi thực lực Việt Nam đã hao mòn, Trung Quốc đem quân tiến đánh chiếm từng phần lãnh thổ, lại là những phần lãnh thổ rất trọng yếu. Thời gian gần đây, áp lực Trung Quốc càng nặng nề, và những ngày này họ đang ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ. “Cái lưỡi bò” gian manh đang liếm vào cơ thể dân tộc.

Sáng 15/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Trước nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng của cử tri về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ xúc động và cho biết, tại hội nghị Trung ương 11, ông và Ban chấp hành Trung ương đã dành một ngày nghe báo cáo về vấn đề biển Đông để “có thông tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao”.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ dựa trên nguyên tắc “tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, Việt Nam sẽ “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đó là khẳng định của Đảng, Nhà nước đại diện cho tầng lớp và toàn thể nhân dân Việt Nam để giữ vững cho kỳ được nền hòa bình độc lập, thì tại sao lại có những người chấp nhận đường lưỡi bò dù chỉ có vài giây?

Bằng chứng lịch sử đã cho chúng ta thấy rõ Việt Nam là nước đã sớm xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chấp nhận cho đường lưỡi bò có xuất hiện vài giây thì đồng nghĩa xương máu cha ông ta đã đánh đổi nền hòa bình, độc lập này là “công cốc”?

Hồng Đinh

Đọc nhiều