Cô giáo cắt tóc nữ sinh tại lớp: ‘Phản giáo dục, xúc phạm thân thể học sinh’

Hạ Băng 23/03/2023 16:22

1 clip ngắn liên quan đến việc cô giáo dùng kéo cắt tóc học sinh với những lời lẽ rất nặng nề khiến dư luận sửng sốt. Từ khi nào mà ở môi trường sư phạm lại xảy ra lối hành xử phản giáo dục, xúc phạm đến thân thể học sinh như thế?

Những hình ảnh cắt ra từ clip

Trong đoạn clip, nữ sinh có mái tóc dài, mặc đồng phục học sinh, đứng khoanh tay nhìn về phía trước. Sau vài lời giải thích lý do, cô giáo cầm chiếc kéo đỏ cắt một lọn tóc của nữ sinh trong phản ứng giật mình của nhiều em trong lớp.

Nghe các bạn nói, nữ sinh quay lại thì thấy cô đang cầm một lọn tóc của mình giơ lên. Cô yêu cầu học sinh “đứng im”, liên tục hua kéo lên nói trong cơn tức giận. Cô tuyên bố: “Tôi sẽ không cắt đẹp mà cắt lem nhem cho các bạn biết bởi vì tôi đã nhắc từ trước, em bảo chiều nhuộm lại mà nay vẫn còn”.

Sự việc lần này như giọt nước tràn ly, giáo viên thấy bất lực với học sinh, không làm chủ được cảm xúc nên dẫn đến hành động dùng kéo cắt tóc. Giáo viên là người lớn, người dạy dỗ các em lại có cách hành xử thiếu chuẩn mực.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hành vi của cô giáo được quy vào bạo lực học đường, gây tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nữ sinh nói riêng và tất cả học sinh trong lớp chứng kiến sự việc nói chung. Nếu không kịp thời động viên, thì rất có thể nữ sinh này sẽ bị sang chấn tâm lý, sinh ra tâm trạng bực tức, thù ghét, lớn hơn nữa là xấu hổ không dám đi học, nghĩ quẩn.

Kim chỉ nam trong giáo dục là sự lắng nghe, thấu hiểu để từ đó có cách giáo dục tinh tế, linh hoạt và hiệu quả. Kể cả khi học sinh vi phạm nguyên tắc, quy định của nhà trường, thầy cô cũng không nên cứng nhắc mà cần có cách ứng xử để học sinh biết mình chưa đúng. Từ đó trò rút ra bài học mà thầy cô vừa giữ được cái uy của người thầy, vừa thể hiện tình thương yêu học trò. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của thầy cô.

Học sinh ở tuổi học trung học, nhất là THPT đang trong quá trình thay đổi về tâm lý. Nhiều em có các sở thích làm đẹp hoặc thể hiện cá tính như: Sơn móng tay, móng chân, mặc váy đồng phục ngắn, áo rộng, đi giày hầm hố, làm tóc xoăn, nhuộm tóc…

Các em mong muốn thể hiện bản thân và được người khác ghi nhận. Đây là tiến trình bình thường của sự phát triển tâm lý con người và cần được tôn trọng thay vì chì chiết, đay nghiến, chửi bới, phê phán… Thầy cô phải có năng lực làm chủ cảm xúc, có tình yêu thương học sinh lớn lao, kiên nhẫn để lắng nghe, cảm thông và bao dung với học trò.

Mọi hành xử trong cuộc sống, trong đó có xử lý tình huống sư phạm luôn bắt đầu bằng sự lắng nghe. Các thầy cô cần hạ cái tôi xuống, bỏ đi quan điểm, cách nhìn của mình để lắng nghe học trò bằng thái độ nghiêm túc và thấu hiểu. Khi đó sẽ có cách hành xử đúng mực và đầy yêu thương.

Hạ Băng

Đọc nhiều