420
category
479014

Có gì ở Biển Đông mà khiến Trung Quốc “cố đấm ăn xôi” giành giựt?

Bảo Trâm 23/02/2021 02:16

Ngày 22/2, trang National Interest vừa có bài viết với tiêu đề đặt ra câu hỏi “How Much Oil and Gas Is Contained in the South China Sea?” (Có bao nhiêu dầu và khí đốt tại Biển Đông), đế nói về lí do tại sao Trung Quốc luôn không ngừng thể hiện âm mưu muốn chiếm trọn Biển Đông.

Theo đó, có đường biển trải dài từ Singapore và eo biển Malacca ở phía Tây Nam đến eo biển Đài Loan, Biển Đông từ lâu đã được coi là một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất trên thế giới, nắm giữ tầm quan trọng lớn về chiến lược, chính trị. Mỗi năm, ước tính có khoảng 5.300 tỉ đô la hàng hóa đi qua biển Đông.

Biển rộng lớn cũng được biết đến là nơi giàu tài nguyên có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng nhanh chóng của các quốc gia lân cận.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, ước tính Biển Đông chứa khoảng 14 nghìn tỷ thùng khí đốt tự nhiên và từ 16 đến 213 tỷ thùng dầu nằm dọc theo sườn Biển Đông thay vì nằm dưới các đảo và đá ngầm tranh chấp lâu nay.

Trong các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đều khẳng định, Biển Đông là “bể cá vàng” là “con đường sinh mệnh” là “yết hầu” của Trung Quốc. Đặc biệt là sau báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc từ năm 1969 dự báo Biển Đông là một nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc bệt là dầu mỏ và khí đốt, Trung Quốc bắt đầu “để mắt” đến Biển Đông.

Lượng dầu này sẽ có thể cung cấp khoảng một năm lượng tiêu thụ hàng ngày của Trung Quốc mà không cần nhập khẩu nếu nguồn tài nguyên này thuộc về Trung Quốc trong tương lai”, Gregory Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á và giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với National Interest.

“Khí đốt có sản lượng đáng kể hơn, nhưng nó chỉ khả thi về mặt thương mại nếu nó được dẫn đến các đường bờ biển gần nhất để sử dụng. Vì vậy, nguồn tài nguyên gần nhất với Việt Nam không hữu ích cho bất kỳ ai ngoài Việt Nam và điều tương tự đối với Philippines, Malaysia và Indonesia ”.

Mặc dù các tranh chấp quốc tế liên quan đến Biển Đông thường gây xôn xao dư luận, nhưng Poling lại cho rằng có khả năng không có bất kỳ tác động đáng kể nào liên quan đến năng lượng toàn cầu đối với Mỹ hoặc các quốc gia phương Tây khác.

Những khu vực có màu càng đậm trên hình vẽ thì có trữ lượng dầu khí càng lớn. Ảnh: EIA

Trung Quốc muốn “giải cơn khát năng lượng ngày càng tăng với cấp số nhân” và đảm bảo về mặt an ninh năng lượng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế rất mạnh với tham vọng vươn lên siêu cường và “Cảnh sát trưởng thế giới”. Các chuyên gia và nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã dự báo về sự “khát năng lượng” của nước này. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu tới gần 60% dầu mỏ, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 66,6% và đến năm 2040 sẽ là 75%.

Hơn thế nữa, khoảng hơn 7 năm nay, xung đột tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi mà gần đây nhất là những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nơi lượng dầu mỏ của Trung Quốc chủ yếu được nhập về qua eo biển Hormuz, khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Nếu căng thẳng leo thang, Iran hoàn toàn có thể tính đến phương án phong tỏa eo biển này. Điều này khiến Trung Quốc gặp muôn vàn khó khăn khi chính các chuyên gia của nước này ước tính, tổng dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc không vượt quá 10-15 ngày.

Các giàn khoan di động của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm EEZ của Việt Nam

Mục tiêu chính của Trung Quốc chắc chắn là trở thành đối tác phát triển chung tiềm năng duy nhất cho các bên tranh chấp trên biển.

Ví dụ, Trung Quốc đã quấy rối các tàu thăm dò năng lượng trong vùng biển của Malaysia và đã đánh chìm một số tàu đánh cá của Philippines và Việt Nam trong vùng biển có tranh chấp. Năm 2017, Trung Quốc đã buộc Repsol của Tây Ban Nha khỏi dự án Red Emperor của Việt Nam thông qua những lời đe dọa.

Một ngoại lệ được cho phép là các dự án khoan hiện tại của Việt Nam với các công ty dầu khí của Nga, bao gồm Rosneft và Gazprom, với việc Trung Quốc không muốn đối đầu với Nga.

Lưu lượng dầu mỏ xuất nhập khẩu đi qua Biển Đông tới các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực

Mới tháng trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nêu bật mong muốn ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc chuyển trọng tâm ra khỏi các tranh chấp trên biển sang việc cùng nhau thăm dò tài nguyên trên biển.

“Cả hai bên đều tin rằng vấn đề Biển Đông chỉ là một phần trong toàn bộ quan hệ Trung-Philippines”, ông Vương nói trong một cuộc họp báo.

“Chúng ta không nên để sự khác biệt 1% như vậy làm chệch hướng 99% mối quan hệ của chúng ta.”

Phần lớn, Mỹ đều đứng ngoài các cuộc xung đột khu vực nhưng khẳng định rằng tự do hàng hải sẽ không bị ảnh hưởng bởi các dải lãnh thổ đối với các chuỗi đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng lại đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Dàn khoan của Việt Nam tại Biển Đông

“Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hoặc phát triển khai thác dầu khí của các quốc gia khác trong vùng biển này, hoặc đơn phương thực hiện các hoạt động như vậy đều là bất hợp pháp,” cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói vào năm ngoái.

Ông nói thêm rằng Mỹ đã sát cánh “cùng các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, người ta ước tính rằng Trung Quốc đang ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của 2.5 nghìn tỷ giá trị tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.

Theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc tế Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Trung Quốc không có chủ quyền hợp pháp tại các khu vực biển được cho có trữ lượng dầu khí lớn ở Biển Đông. Tuy nhiên, quốc gia này đã đơn phương đưa ra yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn” và thuyết “Tứ sa” để đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao phủ lên hầu hết các nơi dự đoán có tiềm năng dầu khí.

Không chỉ đưa ra yêu sách phi pháp, Trung Quốc trên thực tế đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan để hung hăng, gây hấn tiến hành nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông, bao gồm những hoạt động thăm dò, đánh giá nơi có dầu khí cũng như trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Tình hình Biển Đông từng trở lên rất căng thẳng, tự do hàng hải bị đe dọa nghiêm trọng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tiến hành hoạt động thăm dò trái phép trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam tại bãi Tư Chính vào tháng 5-2014, tiếp đó là nhóm tàu Hải Dương 8 tiến hành khảo sát trái phép suốt gần 3 tháng, từ tháng 7 đến đầu tháng 10-2019… Gần đây, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cũng theo sát một tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố là EEZ của nước này ở phía Nam Biển Đông.

Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam

Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật “bàn chân sói”, trước thăm dò, đánh giá trữ lượng, cách thức khai thác… sau đó là tiến tới tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông. Nhìn vào các hoạt động khiêu khích, khảo sát, thăm dò của các tàu Trung Quốc ở bãi Cỏ Rong hay trước đó là của giàn khoan Hải Dương 981, tàu thăm dò Hải Dương 8… thấy rất rõ toan tính nguy hiểm này.

Bảo Trâm (Lược dịch theo National Interest)

Đọc nhiều