Có gì hấp dẫn bên trong “miếng phô mai” mang tên BRICS?

Lan Hoa 29/07/2023 10:33

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vào tháng 8 năm nay, số lượng quốc gia thể hiện sẵn lòng tham gia vào liên minh BRICS và áp dụng đồng tiền mới được đề xuất đã tăng lên đáng kể vì những mục đích khác nhau như về vấn đề tài chính, mở rộng ảnh hưởng và cả yếu tố liên quan đến Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11, 11/2019 tại Brasilia.

Mô hình hội nhập mới của kinh tế thế giới?

BRICS là tên gọi của nhóm gồm 5 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (gia nhập sau). Cụm từ BRICS được ghép từ 4 chữ cái đầu trong tên tiếng Anh của 5 nước. BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới. Điểm chung của các nước thành viên BRICS là họ đều là các quốc gia có dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Đặc biệt, họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Theo nền tảng thông tin trực tuyến lớn nhất thế giới Megh Updates (Ấn Độ), tổng GDP của BRICS hiện thời chiếm 31,5% GDP toàn cầu, trong khi nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chiếm 30,7% GDP toàn thế giới. Dựa vào dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Megh Updates dự đoán tới năm 2028, BRICS có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách với G7.

Ban đầu, BRICS có mục tiêu quan trọng là mở ra các kế hoạch đầu tư trong cũng như ngoài khối. Kể từ năm 2009, BRICS dần hình thành một khối địa chính trị gắn kết hơn, với các hội nghị thượng đỉnh hàng năm và hoạt động điều phối chính sách đa phương. Theo tờ báo DW của Đức, BRICS được xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của khối G7. Họ đã lập ra các sáng kiến cạnh tranh với các mô hình của phương Tây. Ví dụ, vào năm 2014, BRICS lập ra Ngân hàng Phát triển Mới được xem là một tổ chức thay thế cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Ngoài ra, họ đã tạo ra một cơ chế thanh khoản được gọi là Thỏa thuận dự trữ dự phòng để hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán. Những sáng kiến này không chỉ hấp dẫn với chính các nước BRICS mà còn thu hút nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Trong một cuộc họp báo tại Johannesburg vào ngày 20/7, ông Sooklal cho biết có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS trong bối cảnh khối muốn mở rộng. Ông cũng cho biết đã có 22 quốc gia ngừng sử dụng đồng đô la Mỹ và chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, trong khi hơn 20 quốc gia khác đang trong quá trình thảo luận không chính thức về việc tham gia BRICS.

Ngoài ra, nhà ngoại giao Nam Phi cũng nhấn mạnh rằng trong khi Liên hợp quốc chưa thể thực hiện cải cách toàn diện để đem lại cho các nước đang phát triển tiếng nói lớn hơn trong cộng đồng quốc tế, BRICS đã đề ra hướng đi riêng để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, ông Sooklal nhấn mạnh rằng khối “không hướng đến việc trở thành một thế lực chi phối kinh tế toàn cầu,” mà muốn sử dụng “sự liên kết giữa các nước thành viên để tạo ra sự thay đổi”.

“Chúng tôi không mong muốn thế giới chỉ có một hoặc hai siêu cường toàn cầu, việc phân chia quyền lực như vậy sẽ gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế,” ông Sooklal nói.

Theo như ông Sooklal đã tiết lộ, Argentina, Iran, Ả Rập Xê-út và UAE là các quốc gia có ý định gia nhập BRICS trong thời gian tới.

Hiện Nam Phi đang là quốc gia chủ tịch BRICS và sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại thành phố Johannesburg từ ngày 22 đến 24/8. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã gửi lời mời đến gần 70 nhà lãnh đạo trên thế giới để tham dự sự kiện này.

“Đối trọng” của phương Tây?

BRICS đang trở nên ngày càng hấp dẫn như một nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Theo các nhà quan sát, nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, coi BRICS là một tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và EU chi phối.

Với tổng số dân số chiếm hơn 40% thế giới và khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu của các thành viên BRICS, ngày càng có nhiều sự thất vọng về sự thống trị của phương Tây đối với các hệ thống tài chính quốc tế.

Điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc trao đổi tại hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, tổ chức tại Paris vào tháng 6 vừa qua, nơi các nhà lãnh đạo từ “Nam bán cầu” bày tỏ mối quan ngại của họ.

Giáo sư kinh tế XN Iraki tại Đại học Nairobi cho biết nhiều quốc gia coi BRICS là cơ hội để thoát khỏi sự thống trị của phương Tây cả về kinh tế và chính trị. Ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành những cường quốc mới nổi và xem châu Phi là “sân chơi mới” của họ.

Các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên BRICS. Ảnh: Wikipedia

Theo đánh giá của Cameron Hudson, cộng tác viên cao cấp tại chương trình châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, BRICS ngày càng trở nên hấp dẫn như một nền tảng mới cho ngoại giao và tài trợ phát triển. Các quốc gia châu Phi đặc biệt quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, mang lại cơ hội lớn hơn để định hình các vấn đề có ảnh hưởng đến họ, bao gồm biến đổi khí hậu, tài chính cho phát triển và chính trị toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng BRICS đang được coi là một cách thúc đẩy những lợi ích trên, song song với những nỗ lực cải cách các công cụ quyền lực toàn cầu hiện tại tại G20, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.

Nhiều quốc gia, bao gồm Ai Cập và Ethiopia, đã nộp đơn xin gia nhập BRICS nhằm tận dụng cơ hội mở rộng khả năng tiếp cận quốc tế và tăng cường ảnh hưởng của họ trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu. Việc gia nhập BRICS giúp cho các nước này có thể thoát khỏi sự cô lập và cạnh tranh mạnh mẽ để giành thị trường mới.

Indonesia, Saudi Arabia và Argentina cũng đều muốn gia nhập BRICS để củng cố vị thế khu vực của họ, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và có thêm cơ hội tạo dựng ảnh hưởng quốc tế.

Joe Sullivan, cựu quan chức Nhà Trắng, đồng tình rằng nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Phi, đã từ lâu mong muốn một tổ chức đa phương phản ánh lợi ích của “Nam bán cầu”. BRICS đem lại khả năng biến giấc mơ này thành hiện thực, và nhiều quốc gia háo hức trở thành một phần của khối này.

Lan Hoa

Đọc nhiều