Cô gái 9X tốt nghiệp ĐH Việt Nam nhận ‘cái gật đầu’ của Facebook, Google sau 2 lần bị từ chối
Học tập tại Việt Nam, từng “không làm bạn” với tiếng Anh, Lam cho rằng đó là rào cản lớn nhất trên hành trình cô đến với các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, Google, Amazon.
Nhưng “nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội”, sau 2 lần bị từ chối, Đỗ Thanh Lam (1997, Bà Rịa Vũng Tàu) đã nhận được “cái gật đầu” từ Facebook, Google khi vừa tốt nghiệp đại học tại Việt Nam.
“Hành trình đến với Facebook của em đầy sóng gió nhưng cũng cực kì đáng nhớ. Nó không đơn thuần chỉ là những ngày chuẩn bị cho phỏng vấn mà còn là cả quá trình tự trau dồi, phát triển bản thân” Lam kể.
Vốn yêu thích môn Tin học, những năm cuối cấp 2, Thanh Lam quyết định thi vào lớp chuyên Tin của Trường THPT Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Quyết định này của Lam khiến thầy cô và gia đình phản ứng.
Thậm chí, có giáo viên gặp riêng Lam khuyên nhủ: “Con gái đừng theo chuyên Tin, sau này phải học ngành Công nghệ thông tin thì khổ lắm”; “Học ngành này không có tương lai, cũng không có hạnh phúc gia đình”,…
Đến khi thi đỗ vào trường chuyên tỉnh, là 1 trong 6 bạn nữ của lớp chuyên Tin, Lam tiếp tục gặp những thành kiến.
“Mọi người nói với em rằng, các bạn nam sẽ học giỏi hơn là các bạn nữ. Khoa học sẽ phù hợp với các bạn nam hơn, đặc biệt là ngành Khoa học máy tính”.
Đỉnh điểm là trước một cuộc thi quan trọng cần phải cân nhắc giữa Lam và một bạn nam khác trong lớp, thầy cô đã không chọn Lam.
“Thầy hiểu. Nhưng em là con gái, em không đủ sức để làm được như bạn kia”.
Lời giải thích của thầy giáo khiến Lam cảm thấy “không thể hiểu nổi” và cô quyết chứng minh cho mọi người thấy “con gái cũng có thể làm được nhiều thứ, thậm chí giỏi hơn con trai”.
Cuối năm lớp 10, Lam là học sinh nữ duy nhất được tham dự kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc. Kết quả này của Lam khiến nhiều thầy cô trong trường chú ý.
Sau đó, Lam thi và trúng tuyển vào lớp Cử nhân tài năng, khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Hai lần bị Facebook, Google từ chối
Vào năm thứ nhất đại học, Lam bất ngờ khi biết đến những anh chị khóa trên với “profile cực đỉnh”.
“Dù đang là sinh viên năm 4 nhưng các anh ấy đã được nhận vào các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, Microsoft. Điều đó đã tạo cho em động lực. Khi ấy, em nghĩ rằng mọi người làm được thì mình cũng có thể làm được”. Vì thế, Lam bắt đầu xây dựng kế hoạch riêng cho bản thân.
Rào cản lớn nhất vào thời điểm ấy, theo Lam là vấn đề ngôn ngữ và “sẽ rất khó vào được công ty có tên tuổi nếu chỉ học ở Việt Nam”.
Lam quyết định nhờ sự tư vấn trực tiếp của các anh chị khóa trên.
Năm thứ 2 đại học, Thanh Lam “liều mình” nộp CV cho Google. Chỉ 1 phút sau, nữ sinh đã nhận được tin nhắn từ chối với lý do CV còn quá yếu và chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Cảm xúc đầu tiên của Lam là “thấy mình dở quá”.
“Họ không cần xem xét gì nhiều đã lập tức từ chối. Em thấy buồn vô cùng, nhưng ngay sau đó đã xốc lại tinh thần bằng việc tự bồi đắp những thứ còn thiếu”.
Lam bắt đầu tìm kiếm nơi thực tập, thực hiện thêm các dự án cá nhân, tham gia các cuộc thi online quốc tế, trau dồi thêm thuật toán, tiếng Anh, học kĩ năng giao tiếp và các kĩ năng mềm khác. Cô cũng tự tìm hiểu quy trình phỏng vấn, tâm lý của người phỏng vấn và tự tạo hồ sơ cá nhân trên LinkedIn.
Đầu năm thứ 3, Lam tiếp tục tìm kiếm vị trí thực tập tại Facebook, Google, Amazon. Lần này, Lam vượt qua vòng CV của Facebook nhưng tiếp tục trượt vòng 2. Google và Amazon cũng lần lượt từ chối vì ứng viên không đủ tiêu chuẩn.
Lần từ chối thứ hai khiến Lam không còn quá sốc như trước. “Em dù buồn nhưng vẫn tự động viên bản thân, đó là điều hết sức bình thường vì số lượng đơn ứng tuyển lớn thì tỷ lệ chọi cao. Bị từ chối thì bản thân càng phải nỗ lực nhiều hơn và từ từ mình cũng sẽ có cơ hội”, Lam nói.
Sau đó một năm, Lam tiếp tục xin ứng tuyển vào Google và Facebook, và lần này, Lam đã nhận được “cái gật đầu” từ 2 “ông lớn” công nghệ.
Quyết định đến Facebook ở London (Anh), sau 10 tháng làm việc, Lam cho hay điều khiến cô cảm thấy ấn tượng và học được nhiều nhất từ các đồng nghiệp chính là sự chủ động: chủ động về những thứ mình làm, chủ động đặt câu hỏi và giải quyết vấn đề, chủ động phát triển những kỹ năng mình còn thiếu…
Facebook còn có nhiều đãi ngộ dành cho nhân viên. Ví dụ, bữa trưa ở Facebook khá đa dạng với món ăn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
“Mỗi tuần một lần, Facebook sẽ nấu đồ ăn Việt Nam. Điều đó khiến em cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngoài ra, thứ tư hàng tuần thường được gọi là “Thứ tư hạnh phúc”. Vào ngày đó, các nhân viên sẽ được ra ngoài ăn trưa cùng nhau ở bất kì nhà hàng nào, và Facebook sẽ chi trả cho các bữa ăn đó. Điều đó khiến ai cũng cảm thấy hào hứng”.
“Nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội”
Ngoài con đường đến với Facebook không hề bằng phẳng, Lam còn nhiều lần “vấp” khác.
Chẳng hạn, để dự một sự kiện quốc tế ở Mỹ dành cho nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Lam đã phải xin visa tới 2 lần.
“Lần đầu, em hỏi nhiều bạn về việc xin visa, các bạn nói: “Yên tâm đi, dễ mà. Họ hỏi gì thì nói đó, cứ chuẩn bị hết giấy tờ là được”. Nhưng khi em tới, người phỏng vấn chỉ hỏi những câu như “Đi Mỹ làm gì? Đi du lịch bao giờ chưa? Đã kết hôn chưa”… rồi từ chối”.
Sau lần đó, Lam nhận ra, trước khi làm bất kỳ việc gì cũng phải chuẩn bị kỹ càng mọi thứ. Đến lần thứ hai, Lam mới đậu visa.
Sau nhiều lần thất bại, Thanh Lam cho rằng, “nếu không thử thì sẽ chẳng bao giờ có cơ hội”.
“Em tự nhủ rằng, nếu ai đó ở các nước như Anh hoặc Mỹ, họ phải cố gắng thật nhiều để nhận được cơ hội vào các công ty hàng đầu, thì mình phải cố gắng 200% để đạt được điều đó” Lam nói.
Thúy Nga/VNN