8
category
320496

Cô dâu Việt bị quảng cáo như món hàng ở Hàn Quốc

14/08/2019 10:07

Các công ty môi giới Hàn Quốc đang quảng cáo phụ nữ Việt Nam như những món hàng, đi ngược với luật môi giới hôn nhân của nước này.

Trong đoạn phóng sự phát ngày 10-8 trên Đài IMBC, người ta thấy hàng trăm cô gái trẻ người Việt đã được “hệ thống hóa” thành hàng trăm hồ sơ trên mạng (profile) bao gồm tên tuổi, ảnh chụp toàn thân, diện mạo rõ ràng, độ tuổi, chiều cao, các mối quan hệ gia đình và thậm chí là cả thông tin về cuộc hôn nhân lần đầu.

Coi thường phụ nữ

Điều gây bức xúc hơn khi trong đoạn phóng sự đó, người ta được biết thêm về nội dung trao đổi giữa những người đàn ông tìm vợ và bên môi giới. Họ nói về những tiêu chí chọn vợ theo cách trần trụi và thô thiển như đang bàn về các món hàng. Ở đó, chuyện “còn trinh” hay “mất trinh”, chuyện “ngoan” hay “không ngoan” đều được mang ra cân đo đong đếm.

Cô dâu Việt bị quảng cáo như món hàng ở Hàn Quốc - Ảnh 1.
Ảnh phụ nữ Nga (hàng trên) và phụ nữ Việt (hàng dưới) được một công ty môi giới hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc đăng tải – Ảnh: Hankyoreh

Theo tờ Hankyoreh, đạo luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2007 yêu cầu bên môi giới tuân thủ quy định sắp xếp hôn nhân tại các khu vực pháp lý địa phương và cấm quảng cáo buôn bán người hoặc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nội dung luật này không tập trung vào việc bảo vệ quyền con người của các cô dâu.

Khi các điều bổ sung của đạo luật năm 2007 cấm giới thiệu nhiều cô gái cùng một lúc, các công ty môi giới tiếp tục chuyển qua YouTube.

Liên minh Công dân vì truyền thông dân chủ, một tổ chức giám sát truyền thông tại Hàn Quốc, trong một báo cáo đầu tháng 8-2019 cho biết họ đã thực hiện khảo sát trên 25 kênh của các công ty môi giới hôn nhân trên YouTube. Trong 6 tháng đầu năm, các kênh này đăng tải 4.515 video và nhóm khảo sát đã theo dõi ngẫu nhiên 518 video. Kết quả theo dõi 518 video này cho thấy việc chọn vợ qua ngoại hình thể hiện rõ sự coi thường phụ nữ và trái luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc.

Trong khi đó, Đài IMBC khảo sát 500 quảng cáo trên YouTube và nhận thấy 4/10 công ty môi giới quảng cáo phụ nữ Việt Nam như món hàng.

Con sâu làm rầu nồi canh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-8, bà Lê Thị Anh Thư – giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc – cho rằng mô hình hoạt động của một số dịch vụ môi giới hôn nhân như trong phóng sự điều tra của Đài IMBC chỉ là thiểu số, hoặc nói rõ hơn đó chỉ là kiểu dịch vụ do những người thiếu một nền tảng văn hóa điều hành.

Theo bà Thư, những kiểu môi giới phi văn hóa và xúc phạm nhân phẩm người khác như vậy đã có từ nhiều năm trước, song bây giờ đã giảm rất nhiều. Tại Hàn Quốc, văn hóa mai mối hôn nhân đã có từ lâu.

Ngay trong một gia đình người Hàn Quốc là bạn của bà Thư, người mẹ cũng chủ động định hướng cho con trai nên lấy vợ nước ngoài để phát triển kinh tế sau khi thấy rất nhiều phụ nữ Việt Nam đảm đang, thành đạt khi kết hôn, định cư tại Hàn Quốc.

Và đó là lý do để các dịch vụ mai mối hôn nhân, đặc biệt là mai mối hôn nhân trực tuyến, phát triển mạnh trong những năm qua tại Hàn Quốc. Theo bà Thư, giới thiệu hôn nhân là dịch vụ kinh doanh hợp pháp tại Hàn Quốc. Họ có giấy phép đăng ký hoạt động và có nghĩa vụ đóng thuế như mọi hoạt động kinh doanh khác.

Ngoài ra, việc đăng hình ảnh và thông tin cá nhân của ai đó, nếu được sự đồng ý của họ, thì cũng là chuyện hợp pháp tại Hàn Quốc. Do đó, chưa thể khẳng định ngay những trang web trong điều tra của Đài IMBC có hành vi vi phạm.

Theo bà Thư, tại Hàn Quốc hiện có nhiều dịch vụ mai mối hôn nhân hoạt động văn minh, lành mạnh, song không phải cô gái Việt Nam nào cũng biết để “chọn mặt gửi vàng”. Hoặc cũng có những trường hợp, dù không nhiều, biết nhưng vẫn chấp nhận để được quảng cáo.

Bà Thư cho biết về tình trạng quảng cáo, môi giới hôn nhân có vấn đề, các tổ chức nhân quyền đã nhiều lần phản đối. Riêng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, trong những lần diễn ra các sự kiện cấp cao cũng như những dịp có điều kiện bày tỏ quan điểm, trung tâm đều đã gửi thư đệ trình, kiến nghị Chính phủ Hàn Quốc có chính sách, biện pháp bảo vệ tốt hơn nhân phẩm cho phụ nữ Việt, truy quét các cơ sở môi giới hôn nhân có hành vi vi phạm nhân quyền, phẩm giá con người.

Chuyện tình đẹp từ mai mối

67838353_517373909018027_7848663459079127040_n 5(read-only)
Chị Lê Thị Thảo có cuộc hôn nhân hạnh phúc với chồng Hàn Quốc – Ảnh: NVCC

Đến với hôn nhân cũng thông qua mai mối, song câu chuyện gây dựng cuộc sống hạnh phúc sau 4 năm làm dâu xứ Hàn của chị Lê Thị Thảo (quê Nghệ An) là một góc thực tế khác đáng ngẫm nghĩ trong bức tranh tổng thể về đời sống của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc.

Sang Hàn Quốc theo diện lao động, chị Thảo làm việc trong lĩnh vực thiết kế hanbok – trang phục truyền thống của phụ nữ Hàn Quốc. Qua mai mối, chị kết hôn với con trai một bà chủ tiệm cơm. “Thành quả” sau 4 năm chung sống của họ là một bé trai, một bé gái.

Trong thời gian chung sống, chị Thảo đã thuyết phục để chồng học và hiểu thêm nhiều hơn về tiếng Việt, văn hóa Việt. Chia sẻ về cuộc sống hiện nay của gia đình mình, tiếng cười nói rổn rảng và những kế hoạch kinh doanh sôi nổi của người phụ nữ năm nay mới bước sang tuổi 31 là sự bảo chứng thuyết phục nhất cho hạnh phúc chị đang có.

Điều thú vị hơn khi theo lời chị Thảo, xung quanh chị có rất nhiều cô dâu Việt khác cũng đang có cuộc sống hạnh phúc và ổn định như vậy. Ngay một người bạn thân của chị Thảo, một cô gái cũng tên Thảo quê ở Hải Phòng, cũng đã lấy chồng Hàn Quốc và đang vừa nuôi con, vừa làm việc giỏi giang mỗi tháng kiếm cả ngàn USD, lại vừa dành thời gian học tiếp lên đại học chuyên ngành làm đẹp.

6 vấn đề lớn của hôn nhân mai mối

Theo tiết lộ của một cán bộ ngoại giao từng làm việc ở Hàn Quốc (đề nghị không nêu tên), đa phần phụ nữ Việt kết hôn với chồng Hàn Quốc đều qua môi giới hay kết hôn “mù hình”, tức là không yêu đương, hoặc không biết sẽ lấy ai. Trong hôn nhân qua mai mối của các đôi chồng Hàn – vợ Việt tồn tại 6 vấn đề hóc búa.

1. Cả hai đều xác định được mục đích kết hôn. Đàn ông thì tiết kiệm tiền, lấy được vợ và đẻ con cái. Phụ nữ thì kiếm tiền và mưu cầu cuộc sống tốt hơn.

2. Cả hai không cần hỗ trợ từ gia đình hai bên (chỉ khi có vấn đề phát sinh họ mới nghĩ khác).

3. Họ nghĩ văn hóa tự dung hòa, tự bao dung, nhường nhịn nhau là ổn nhưng thực tế là khác biệt văn hóa tạo ra nhiều sóng gió trong hôn nhân.

4. Không hiểu nhau và không biết ngôn ngữ của nhau. Ví dụ, nói cụt, cộc, nói bồi chỉ ổn tùy lúc, không phải lúc nào cũng ổn. Đặc biệt là những lời nói gây ức chế.

5. Khi hụt hẫng, ức chế với chồng Hàn Quốc, nhiều phụ nữ Việt đi ra ngoài ngoại tình với đàn ông Việt làm việc ở Hàn Quốc.

6. Đàn ông Hàn không nhiều tiền, trái ngược với suy nghĩ của nhiều chị em phụ nữ Việt định lấy chồng Hàn Quốc để có cuộc sống vật chất tốt hơn. Để kiếm đủ tiền hỗ trợ gia đình ở Việt Nam, phụ nữ làm đủ thứ nghề mà quên phận sự do bên chồng đặt ra.

Diệu An/Tuổi Trẻ

Đọc nhiều