Chính phủ có thể cắt giảm bao nhiêu Bộ ngành?
Sự thành bại của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy Chính phủ. Việt Nam cũng là một trong số nước có bộ máy Chính phủ Việt Nam vẫn giữ ổn định 22 bộ ngành, tuy nhiên bộ máy bên trong bộ, ngành còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên. Đó là lý do Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được báo cáo Bộ Chính trị và trình Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7.
Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy nỗ lực khắc phục tình trạng “Bộ trong Bộ” bằng đề xuất giảm 2 bộ. Vấn đề này đã được các chuyên gia của Viện Khoa học Tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) nghiên cứu trong năm 2020 bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch đầu tư; Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Nếu như việc hợp nhất các bộ dựa trên nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục được các chồng chéo về chức năng và hoạt động, đảm bảo sự liên thông giữa các yếu tố, quản lý thống nhất, đồng bộ thì các chuyên gia hoàn toàn có thể đề xuất, góp ý giảm nhiều bộ hơn nữa. Thay vì giảm 2 bộ thì con số có thể tăng lên 5 hoặc 6 để bộ máy Chính phủ ngày càng tinh gọn hơn.
Dựa trên cơ sở quản lý đất đai thì Bộ Tài Nguyên và Môi trường có thể sát nhập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ở góc độ kinh tế học thì Bộ Công thương và Du lịch có thể hợp nhất, bởi thực chất Bộ Công thương là sự kết hợp giữa hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, mà du lịch được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói”, mặt hàng sản xuất chính là các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch. Có lẽ, đây chính là cơ sở mà chuyên gia của Viện Khoa học Tổ chức nhà nước cân nhắc tách phần du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhập vào Bộ Công thương thành Bộ Công Thương và Du lịch.
Ở góc độ giáo dục, đào tạo, phát triển thể chất, tư duy, phục vụ lợi ích của con người có thể xem xét, kết hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Văn hóa, Thể thao. Suy cho cùng, giữa các Bộ đều có chức năng khá tương đồng. Liên quan đến mục tiêu phát triển trong thời đại 4.0 thì Bộ Khoa học và Công nghệ có thể hợp sức với Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh việc nghiên cứu sát nhập các Bộ ngành thì các chuyên gia có thể suy nghĩ đến việc sát nhập các cơ ngang Bộ, thống nhất các đầu mối công việc, đơn cử như Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Ủy ban Dân tộc.
Mặc dù Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đang dừng lại ở việc giảm 2 Bộ nhưng có thể xem đó là những đề xuất hay, có tính đột phá chiến lược cao và hứa hẹn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam. Ông bà có câu “dục tốc bất đạt”, cuộc cách mạng thay đổi nào cũng cần quy trình, thời gian, không thể nào nóng vội. Cũng không thể nào một lúc cắt giảm nhiều Bộ ngành. Nhưng nhìn qua những tính toán, sắp xếp hiện nay thì có thể thấy Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực tinh gọn bộ máy càng sớm càng tốt.
Nếu như công tác sát nhập các Bộ thành công thì bộ máy Chính phủ sẽ giảm đầu mối, cấp trung gian, số lượng lãnh đạo, biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị. Tỷ lệ thuận với các điều trên là tăng tính khoa học tổ chức, chất lượng cán bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Về cơ bản, Nhà nước không làm những việc mà nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn”, chính vì vậy, trên tinh thần phục vụ nhân dân, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ đang đứng ra gánh vác trọng trách “cải tổ” bộ máy để xứng đáng là chỗ dựa, là bệ phóng cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Đặng Trường