8
category
352989

‘Có cả cán bộ công chức nhà nước xâm hại trẻ em, sao không nêu?’

15/01/2020 21:33

Đối tượng xâm hại trẻ em ngoài người quen, người thân, hàng xóm còn có cả cán bộ công chức nhà nước. Chúng ta không phải giấu giếm, đây là sự thật, cho thấy sự kinh khủng về tha hóa, xuống cấp của cán bộ. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đề nghị tăng chế tài xử phạt đối tượng xâm hại trẻ em

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã bức xúc nêu vấn đề tại cuộc họp của Đoàn giám sát Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” chiều 15.1.

Trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019

Theo báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (XHTE) của Đoàn giám sát Quốc hội, giai đoạn 1.1.2015 – 30.6.2019, toàn quốc phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em. Trong đó, có 1.059 trẻ em nam và 7.032 trẻ em nữ.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho hay so với giai đoạn 2011 – 2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ (tăng 12,2%). Đặc biệt, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.400 trẻ em bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 em).

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Chính phủ và các bộ, ngành đều có chung đánh giá: số lượng các vụ xâm hại đã được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình XHTE trên thực tế, còn nhiều vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, bà Thủy đề nghị: “Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá số lượng tăng nêu trên là tình hình trẻ em bị xâm hại tăng hay do người dân và các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, tố cáo các vụ xâm hại”.

Về các hình thức xâm hại, các vụ việc xảy ra chủ yếu là xâm hại tình dục (XHTD), gồm 6.337 vụ với 6.432 trẻ em bị xâm hại, chiếm 83,3% số vụ XHTE và chiếm 79,5% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại.

Nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em thì chủ yếu gồm các hành vi: hiếp dâm – là hành vi nghiêm trọng nhất; dâm ô với trẻ em; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác. Ngoài ra, còn có các hình thức xâm hại khác như trẻ em bị bỏ rơi; bạo lực, giết trẻ em; cố ý gây thương tích, mua bán, bắt cóc trẻ em; các hình thức xâm hại khác…

Về lứa tuổi bị xâm hại, trẻ em từ 13 – 16 tuổi bị xâm hại là 5.076 em (chiếm 62,7%); từ 6 – 13 tuổi là 2.439 em (chiếm 30,1%) và 576 em dưới 6 tuổi (chiếm 7,2%).

Đối tượng XHTE rất đa dạng, ở nhiều độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp khác nhau. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59,4%; người thân trong gia đình chiếm 21,3%; giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục chiếm 6,15%; người lạ chiếm 12,6%.

Địa bàn xảy ra nhiều nhất là vùng ngoại thành, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, gia tăng số lượng trẻ em bị xâm hại tại các thành thị, các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển hơn, xuất hiện nhiều vụ xâm hại tại các khu công cộng như chung cư, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội…

Tăng chế tài xử lý đối tượng xâm hại trẻ em

Góp ý vào báo cáo giám sát, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, báo cáo chưa nêu đầy đủ đối tượng XHTE. “Chúng ta mới chỉ nói người nhà, người quen, hàng xóm, giáo viên… Thực tế  XHTE còn có cả cán bộ công chức nhà nước, công an, bí thư chi bộ… Dù ít, nhưng chúng ta phải đưa vào để nhìn thấy sự kinh khủng về sự tha hóa, xuống cấp”.

Bà Khánh đề nghị, cần phải đưa thêm đối tượng để có sự chấn chỉnh trong cán bộ công chức. “Chúng ta không phải giấu giếm, không phải sợ xấu hổ. Đây là sự thật, cần phải đưa vào để xã hội nhìn nhận đúng mức, chính xác về vấn đề này”, bà Khánh nhấn mạnh.

Để ngăn chặn hành vi XHTE, ngoài giải pháp tuyên truyền, theo bà Khánh, cần phải tăng chế tài xử lý quyết liệt giống như ban hành luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho hay, đối tượng XHTE chủ yếu là người thân, người gần gũi nhất với trẻ, vì vậy cần phải thay đổi cách thức tuyên truyền phòng, chống XHTE.

“Chúng ta đã sai về phương pháp tuyên truyền. Trong khi đối tượng cần phải tác động để thay đổi hành vi, nhận thức là người thân, họ hàng trong gia đình và nạn nhân là trẻ em thì lại mời người làm công tác bảo vệ trẻ em đến hội nghị tuyên truyền. Cần nhận diện đúng thực trạng, để có có biện pháp, giải pháp phù hợp, đẩy lùi tiêu cực, ngăn chặn hành vi XHTE”, ông Vân nói.

Theo báo cáo của các địa phương, 10 tỉnh có số lượng trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là: TP.HCM (782 em), Hà Nội (655 em), Đồng Tháp (520 em), Tây Ninh (353 em), Bà Rịa – Vũng Tàu (321 em), Đồng Nai (312 em), Đắk Lắk (268 em), Kiên Giang (265 em), Cà Mau (202 em) và Bình Phước (200 em).

Thu Hằng/TNO

Đọc nhiều