“Có bộ trưởng nói nhanh như tên lửa, dân không nghe được”
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng tại kỳ họp 8, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, có bộ trưởng “nói nhanh như tên lửa”…
Sáng nay (18-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết về kỳ họp 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp 9 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5-2020.
Các ý kiến tại UBTVQH đều nhất trí kỳ họp 8 đã thành công với một khối lượng công việc lớn được Quốc hội xem xét, thảo luận quyết định.
Kỳ họp ghi nhiều dấu ấn
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 11 luật, bộ luật; thông qua 17 nghị quyết; cho ý kiến về 10 dự luật… và nhiều nội dung quan trọng khác.
“Có thể nói kỳ họp 8 đã để lại những dấu ấn, đáp ứng một phần nào đó những yêu cầu của cử tri… Với khối lượng lớn công việc nhưng không để xảy ra nội dung nào sai sót, sơ suất” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá.
Tán thành báo cáo đánh giá tổng kết kỳ họp 8, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng nhắc nhở việc nói nhanh của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn, giải trình trước Quốc hội.
“Một số đồng chí ăn nói hoạt bát nhưng nói nhanh như tên lửa, dân không nghe được. Đây không chỉ nói trong Quốc hội mà còn truyền hình trực tiếp cho toàn dân nghe. Việc này đã nhắc nhiều nhưng chưa được khắc phục” – ông Giàu nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng do thói quen, do tính chất ngôn ngữ của mỗi vùng, miền khác nhau nên khó khắc phục. “Bản thân tôi khi nghe các ĐB miền Nam nói nhanh cũng chỉ nghe được 60%-70%, ngược lại khi người miền Nam nghe người miền Bắc nói nhanh cũng khó nghe lắm. Trả lời nhanh cũng thế thôi”, ông Phúc nói và khẳng định các nội dung thảo luận tại hội trường đều được bóc băng đầy đủ, rõ ràng, chính xác…
Kỳ họp 9: Bớt thảo luận kinh tế xã hội để làm luật
Trình bày dự kiến nội dung kỳ họp 9 của Quốc hội (sẽ diễn ra vào tháng 5-2020), Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: Kỳ họp dự kiến sẽ kéo dài 20,5 ngày, trong đó dành 11 ngày cho công tác lập pháp (thông qua 10 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 7 dự luật) và 9,5 ngày để xem xét các vấn đề KTXH, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên rút ngắn thời gian thảo luận về KTXH tại kỳ họp giữa năm để dành thời gian cho các vấn đề khác vì nội dung KTXH đã được bàn rất kỹ tại kỳ họp cuối năm trước.
“Tôi thấy các vấn đề thảo luận tại kỳ họp tháng 5 về cơ bản đã được thảo luận kỹ, nói rõ ràng tại kỳ họp cuối năm rồi. Nên chăng chỉ thảo luận bổ sung những vấn đề mới…” – ông nói.
Theo đó, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị nên quy định kỳ họp giữa năm là kỳ họp dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật, còn kỳ họp cuối năm thì dành nhiều thời gian cho vấn đề KTXH.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng kỳ họp 9 của Quốc hội cần tiếp tục đổi mới để giảm bớt các thời gian làm việc “hình thức”, tăng cao chất lượng làm việc của Quốc hội.
“Chẳng hạn kỳ họp giữa năm thì Quốc hội chỉ xem lại báo cáo KTXH có gì mới, vượt hơn thì thảo luận. Chứ không dành cả ngày thảo luận những cái cũ sẽ trùng, mất thời gian, hình thức” – Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị gửi tài liệu cho ĐB nghiên cứu thay vì thảo luận tại hội trường về những nội dung đã được bàn kỹ.
“Kỳ họp thứ 9 cần làm ngắn gọn, hiệu quả, đổi mới thảo luận về KTXH, tập trung nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật” – Chủ tịch Quốc hội chốt lại.