6
category
529786

CNN: “Vaccine Trung Quốc chắc chắn không phải là thất bại!”

Bảo Trâm 03/07/2021 10:50

Trang CNN vừa có bài viết trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia giải oan cho vaccine Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất khi thế giới tỏ ra hoài nghi cho tính hiệu quả của 2 loại vaccine này.

Gần đây, các bệnh viện tại Mông Cổ hiện đang quá tải. Hơn 100 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận mỗi ngày ở quốc đảo nhỏ bé Seychelles. Và tại Chile, lệnh phong tỏa toàn quốc đã được dỡ bỏ trong tuần này, nhưng Chile vẫn ghi nhận thêm hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo CNN, một điểm chung của các quốc gia nói trên là họ đều đã tiêm đủ 2 mũi cho hơn 50% dân số, phần lớn là sử dụng vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất. Điều này đã dấy lên những nghi vấn về hiệu quả của vaccine Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những lời chỉ trích và nghi vấn về vaccine của nước này là hành động “bôi nhọ, thiên vị và có động cơ”. Quả thực, quyền lực mềm của Trung Quốc đang bị thách thức khi những nghi vấn xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây tiếp tục leo thang.

Tuy vậy, theo CNN, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khẳng định rằng mặc dù vaccine có thể không hiệu quả cao như một số loại khác, nhưng chúng chắc chắn không phải là thất bại. Các chuyên gia này lập luận rằng không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100% chống lại Covid-19, do đó các trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiêm là điều đã được lường trước.

Các chuyên gia này nhấn mạnh rằng thước đo sự thành công của một loại vaccine là khả năng ngăn ngừa tử vong và triệu chứng nặng khiến người bệnh phải nhập viện, chứ không phải là nhắm đến con số 0 ca nhiễm.

Trung Quốc có hai loại vaccine Covid-19 đã được WHO cho phép sử dụng khẩn cấp là Sinopharm và Sinovac. Cả hai loại vaccine này đều sử dụng công nghệ virus bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, một phương pháp đã được thử nghiệm và ứng dụng lâu năm.

Lô vaccine Sinopharm được giao tới Mông Cổ

Ngược lại, vaccine Pfizer và Moderna sử dụng một công nghệ mới hơn gọi là mRNA, “dạy” tế bào của con người cách tạo ra một protein – hay một mảnh protein, để kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể.

Cho đến nay, các thử nghiệm cho thấy vaccine Sinopharm và Sinovac có hiệu quả chống lại Covid-19 thấp hơn so với các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Trong các thử nghiệm ở Brazil, vaccine Sinovac có hiệu quả khoảng 50% đối với bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng và 100% hiệu quả đối với bệnh nặng, theo dữ liệu thử nghiệm được gửi cho WHO. Hiệu quả của vaccine Sinopharm đối với cả hai trường hợp ước tính là 79%, theo WHO.

Do đó, các chuyên gia cho biết việc bùng phát dịch ở những nơi đã tiêm vaccine Trung Quốc là điều có thể lường trước với tỉ lệ hiệu quả nói trên.

CNN trích lời ông Jin Dong-yan, giáo sư về virus học phân tử tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Vaccine Sinopharm, Sinovac hiệu quả trong việc giảm thiểu số ca bệnh nặng và số ca tử vong do Covid-19”.

Ông Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông cũng đồng tình với ý kiến trên: “Tôi nghĩ rằng vaccine đang hoạt động hiệu quả và chắc chắn chúng đã cứu sống rất nhiều người.”

Chile gần đây ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày. Quốc gia này đã tiêm chủng đủ 2 liều cho 55% dân số, trong số đó có gần 80% được tiêm vaccine Sinovac. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Chile, 73% trường hợp phải chữa trị tại khoa Hồi sức tích cực từ ngày 17 đến 23/6 là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Seychelles, nơi các nhà chức trách cho biết hầu hết các ca bệnh nặng hoặc nguy kịch do Covid-19 đều là những người chưa được tiêm chủng đầy đủ. Quốc gia này sử dụng vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho những người trưởng thành dưới 60 tuổi, trong khi những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine Covishield – vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ, theo CNN.

Bà Enkhsaihan Lkhagvasuren, đại diện Bộ Y tế Mông Cổ, vẫn khẳng định rằng vaccine Sinopharm rất hiệu quả: “Chúng tôi không thể nói là vaccine này tệ hay vaccine kia tốt. Tất cả các loại vaccine hiện có đều giảm nguy cơ mắc bệnh nặng. Và tôi không hối hận vì đã tiêm vaccine Sinopharm. Nếu không có nó, tình hình đất nước sẽ rất tồi tệ!“.

Trong tình trạng vaccine cung không đủ cầu như hiện tại, ông Scott Rosenstein, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Eurasia Group, cho biết việc tiêm vaccine có hiệu quả thấp hơn một chút vẫn tốt hơn là không tiêm gì cả.

Ông Rosenstein cũng lo ngại rằng những hoài nghi về vaccine Trung Quốc có thể sẽ tạo ra tâm lý do dự, trì hoãn, làm chậm tiến độ tiêm chủng trong bối cảnh biến thể của virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành.

Bảo Trâm (Theo CNN)

Đọc nhiều