419
category
457584

Chuyện Việt Nam không làm được “con ốc vít” đã trở thành dĩ vãng

16/12/2020 14:15

Còn nhớ cách đây khoảng 5, 6 năm, nổi lên một câu chuyện Việt Nam không làm nổi một con ốc vít cho Samsung, câu nói đó như là lời miệt thị, chạm đến lòng tự ái của các nhà sản xuất công nghiệp Việt Nam. Nhưng có thật chúng ta không sản xuất nổi cái ốc vít không? Có thể nói rằng chúng ta thừa sức để làm ra một con ốc vít nhưng tại sao lại loay hoay làm ốc vít trong khi chúng ta có thể đầu tư cho việc phát triển công nghệ. Đây là thời đại 4.0, là kỷ nguyên số, các quốc gia đang chạy đua trong cuộc cách mạng đó, và chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Đừng bận tâm đến con ốc vít làm gì, bởi thứ đích đến của chúng ta chính là từng bước làm chủ công nghệ.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Bkav khi đề cập đến vấn đề này đã từng nói rằng, “chúng ta hãy bỏ qua vấn đề về con ốc vít để đi thẳng vào công nghệ lõi, liên kết liên minh và tạo lợi thế cạnh tranh. Tham gia chuỗi giá trị gia tăng cao nhất là con đường có thể làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững”.

Tại sao lại cho rằng Việt Nam không sản xuất nổi một con ốc vít khi chúng ta đã làm ra những sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt. Trong khi chúng ta đã tự làm ra được smartphone, tivi, linh kiện, ứng dụng công nghệ… từ gia công cho đến tự mình sản xuất ra và làm chủ công nghệ. Làm thế nào mà một quốc gia GDP/đầu người chỉ vỏn vẹn hơn 3.000 USD mà có thể làm ra những sản phẩm như vậy?

5 năm qua từ câu chuyện ốc vít, chính là một bước tiến “thần kỳ” của công nghệ Việt Nam. Mọi thứ của 5 năm trước đã thay đổi quá nhiều, chúng ta hầu như có thể nhận thấy điều này. Từ chiếc Bphone thế hệ đầu tiên – smartphone đầu tiên do người Việt Nam tự nghiên cứu và thiết kế được trình làng lần đầu vào năm 2015.

Chiếc smartphone đã gây nhiều chú ý trong giới công nghệ và MXH một thời gian dài. Nhiều người khá dè dặt, nghi kị và luôn chỉ trích về chất lượng của sản phẩm. Suốt 5 năm qua, BKAV không quan tâm nhiều đến những điều đó và họ âm thầm nghiên cứu và nâng cấp để cho ra đời những sản phẩm tốt hơn cho người dùng với tham vọng smartphone “make in Việt Nam”. Hai năm sau, BKAV tiếp tục gây bất ngờ và xôn xao khi tìm cách vượt qua FACE ID của IPhone X để khẳng định rằng Face ID của IPhone là chưa hoàn thiện. Vào tháng 6/2020, Bkav gia nhập ngành CN sản xuất camera giám sát, nghiên cứu và cho ra mắt những dòng camera AI View mà nay đã thâm nhập vào thị trường khó tính Mỹ. Hiện tại BKAV cũng đang xúc tiến hàng loạt dự án camera AI giám sát an ninh tại các quốc gia như Phần Lan, Ấn Độ, Malaysia. Bên cạnh đó, còn có Viettel – một hãng viễn thông Việt Nam từng tuyên bố tham gia thị trường cung cấp thiết bị mạng 5G, là mạng 5G ‘Make in Vietnam’, điều này khiến không ít chuyên gia trong ngành tỏ ý bất ngờ. Và vào tháng 11/2020, Viettel công bố chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng cung cấp sớm nhất 5G cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật. 5 năm trước, khi nói đến những chiếc smartphone do người Việt làm ra, hầu như chẳng ai thèm ngó ngàng đến, 5 năm sau chúng ta có thể tự hào rằng khi những chiếc điện thoại “make in Việt Nam” dần tạo được sự quan tâm và ủng hộ của người Việt.

Bkav ra mắt thương hiệu camera AI View và thâm nhập thị trường Mỹ

Cùng với sự phát triển đó, vài năm trở lại đây, với xu thế làm chủ công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã bước chân gia nhập vào làng công nghệ, chạy đua làm công nghệ. BKAV, Vingroup, Viettel, FPT… là những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này, góp phần xây dựng nền tảng cho công nghệ Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn tham gia vào cuộc đua công nghệ này, hứa hẹn tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho công nghệ Việt, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số hóa.

Chúng ta nên khuyến khích và ủng hộ cho các doanh nghiệp, thay vì biết chỉ trích vào những mặt chưa tốt. Có lẽ năng lực của chúng ta chưa quá cao, nhưng chúng ta cũng không hề kém so với nhiều quốc gia trong khu vực. Với sự thay đổi của bộ mặt của công nghệ trong những năm gần đây, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc về năng lực của nhiều doanh nghiệp khi liên tiếp tạo ra những sản chất lượng cao và gây ấn tượng trên thị trường trong nước lẫn quốc tế, dần bắt kịp với thế giới về năng lực công nghệ. Và một thực tế cho thấy rằng, việc làm chủ công nghệ đã đem lại cho đất nước rất nhiều tiềm năng, khi làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đã tạo ra sự uy tín để để được doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin đặt hàng các sản phẩm công nghệ Việt. Góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển, tự chủ nền kinh tế, nâng cao giá trị trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng một xã hội số hóa,…

Viettel thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam

Một vài năm qua, chúng ta được chứng kiến những lần tiến ra thị trường thế giới của sản phẩm công nghệ Việt đã gây nhiều bất ngờ cho làng công nghệ Việt Nam lẫn thế giới. Trong số đó có thể kể đến, BKAV tự mình vươn ra thế giới khi tìm đến thị trường đầy tiềm năng trong khu vực là Myanmar, chiếc Bphone 3 đầu tiên được bán tại Myanmar vào tháng 7/2019, và đó cũng là lần đầu tiên chiếc điện thoại thương hiệu Việt lên kệ ở thị trường nước ngoài. Tháng 10/2020 Vinsmart cũng đã có lô hàng điện thoại đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, hay cách đây vài tuần báo chí còn đưa tin Camera AI View của BKAV được xuất khẩu sang Mỹ và lắp đắt tại trụ sở Qualcomm, giúp BKAV trở thành một trong những nhà sản xuất đầu tiên tích hợp thành công AI vào camera an ninh. Đó đều là những thành công doanh nghiệp Việt, tạo nên một bước quan trọng để cho những sản phẩm công nghệ Việt Nam sau này, dần tạo được uy tín và có chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ thế giới

Với việc làm chủ công nghệ cũng giúp Việt Nam chủ động hơn trong mọi lĩnh vực. Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, một ứng dụng của BKAV là Bluezone được ra mắt nhằm giúp cảnh báo, truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, ứng dụng này được coi là tấm khiên công nghệ bảo vệ người Việt Nam trước đại dịch COVID-19. E – Lerning – một nền tảng dạy học trực tuyến của VNPT, cũng giúp ích rất nhiều trong việc học tập. Nhằm mục đích xây dựng một Chính phủ điện tử, tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành nhằm thực hiện các thủ tục trực tuyến một cách nhanh chóng.

một ứng dụng của BKAV là Bluezone được ra mắt nhằm giúp cảnh báo, truy vết khi có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19

Tinh thần “make in Việt Nam” đang dần lan rộng đến các doanh nghiệp, đó chính là tinh thần “tự nghiên cứu, tự thiết kế, tự phát triển”, dùng chính chất xám của người Việt để làm ra nhũng sản phẩm công nghệ cao, chúng ta có quyền đặt niềm tin rằng và hy vọng trong tương lai không xa, chúng ta có thể làm ra những sản phẩm chất lượng cao, luôn nhận được sự đón nhận của thị trường trong nước và thế giới nhất là đối với các thị trường khó tính. Để ngày càng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, làm thay cách nhìn của thế giới vào ngành công nghệ Việt Nam.

Và có thể nói, chúng ta đã đi nhanh hơn vài bước so với vài quốc gia trong khu vực, chúng ta tự mình nghiên cứu và phát triển 5G, trong khi những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore thì 5G được cung cấp bởi các đối tác như Huawei, ZTE, Ericsson… còn một vài sản phẩm công nghệ khác cũng đều do chúng ta làm chủ trong khi những quốc gia láng giếng trong khu vực ASEAN phải phải phụ thuộc và nhận thiết kế từ các đối tác của Trung Quốc hay Mỹ,…

Làm chủ công nghệ chính là làm chủ tương lai, muốn làm chủ nó phải biết đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Tự thân mình nghiên cứu và phát triển mà không cần phải dựa vào doanh nghiệp nước ngoài, bởi lịch sử lâu nay đã chứng minh rằng dân tộc ta luôn tự lực cánh sinh, tự mình làm ra những thứ đó để làm chủ chúng. Để rồi chúng ta có thể tự hào rằng, một quốc gia từng chỉ biết đến với chiến tranh, một quốc gia mà GDP/đầu người chỉ ở mức trung bình thấp lại có thể làm tự mình làm ra những sản phẩm công nghệ, làm ra những cái đầu tiên mà thế giới đang còn nghiên cứu. Chúng ta đang hướng tới tương lai, hướng tới một cường quốc công nghệ, vì một Việt Nam hóa Rồng.

Vietnam Projects Construction

Đọc nhiều