419
category
385677

Chuyện về “ngài nghị sĩ” nước ngoài thích lo chuyện Việt Nam!

Bảo An 17/04/2020 18:41

“Thượng Nghị Sĩ Nam Úc kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm” – một bài viết đang được trang Facebook Chân Trời Mới Media và nhiều trang mạng xã hội khác do các đối tượng chống đối, phản động, cơ hội chính trị tung ra.

Hình ảnh Thông tin về việc Ngô Thế Tùng yêu cầu thả “tù nhân lương tâm” tại Việt Nam đang được rêu rao.

Núp bóng dịch bệnh và đưa ra yêu sách đòi Đảng, Nhà nước Việt Nam thả cái gọi là “tù nhân lương tâm” (thực chất là các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và bị kết án tù) là một trong những dòng tin đang được các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị tích cực rêu rao. Có muôn vàn cách tiếp cận khác nhau khi nói về vấn đề này và hiển nhiên tất cả đều được khéo léo che đậy dưới những vỏ bọc đầy nhân đạo, vậy nhưng cái bản chất xấu xa, tiêu cực, cái nhìn lệch lạc, phiến diện với  Việt Nam thì không thể nào che giấu.

Gần đây, các đối tượng tích cực rêu rao, tung hô thông tin “Thượng Nghị Sĩ Nam Úc kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm”. Theo như thông tin được đưa ra, “ngài nghị sĩ” của tiểu bang Nam Úc mang tên Ngô Thế Tùng đã viết một bức thư gửi đến Quốc hội Việt Nam. Đại ý, nội dung bức thư nêu ý kiến “Quốc hội Việt Nam hãy sử dụng quyền “quyết định đại xá” chiếu theo Điều 70(11) của Hiến pháp Việt Nam 2013 để trao trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ trong nước”, “hãy hành động khẩn cấp để giảm bớt sự đàn áp của các nhà hoạt động đối lập ở Việt Nam và nhân cơ hội này để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra trong các nhà tù trong đại dịch này” v.v…

Vậy điều gì đã thôi thúc một “ông nghị sĩ” của xứ sở Nam Úc phải quan tâm đến tình hình tại Việt Nam? Động cơ gì ẩn chức đằng sau những lời lẽ đầy hàm hồ và vô lý của “ngài nghị sĩ”? Liệu chăng, khi là đại biểu dân cử của Úc nhưng lại “đá xéo” lo cho tình hình của Việt Nam có phải là hành động “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

Thực tế, thời gian vừa qua, không ít người mang danh nghị sĩ của các nước tư bản liên tục đưa ra các báo cáo, yêu sách, thư ngỏ với nội dung sai lệch hoàn toàn tình hình thực tế tại Việt Nam. Động cơ gì thôi thúc những chính khác nước ngoài này hành động như vậy là một câu hỏi mà mọi người vô cùng quan tâm.

Ở một phạm vi nhất định, có thể thấy các đối tượng phản động người Việt lưu vong và một vài đối tượng “dân chủ” trong nước có mỗi quan hệ khác khăng khít với những người gọi là “nghị sĩ” của nước ngoài. Nói thẳng ra, mối quan hệ của nhóm này là mối quan hệ “cộng sinh”, cả hai bên cùng có lợi. Với các đối tượng phản động, chống đối, lợi dụng danh nghĩa chính trị của các đối tượng là chính khách nước ngoài để đánh bóng tên tuổi, nâng cao vị thế, tạo chỗ dựa về mặt chính trị cho bản thân và đặc biệt là tạo cái cớ để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Ngược lại, những “ngài nghị sĩ” thông qua việc “lấy lòng” các đối tượng người Việt lưu vong sẽ được thêm những lá phiếu phục vụ cho con đường chính trị của mình. Đó là chưa kể, một số chính phủ nước ngoài vẫn có những mặt là “đối tượng” của Việt Nam, vẫn có những khía cạnh đối lập với Việt Nam. Vì vậy, các “nhà nghị sĩ” trên cơ sở đả kích, chống phá Việt Nam cũng là một hành động để nhận được các khoản ủng hội, hỗ trợ và sự giúp sức.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, hành động viết thư ngỏ, nêu yêu sách đối với Việt Nam của ngài nghị sĩ Nam Úc Ngô Thế Tùng nói riêng và một vài chính khách nước ngoài nói chung thực sự quá nực cười. Về bản chất, nghị sĩ của nước ngoài cũng gần như tương tự với đại biểu quốc hội ở Việt Nam, do dân bầu ra và đại diện cho người dân, thể hiện tiếng nói bảo vệ cho người dân trên nghị trường. Tại một số nước có lưỡng nghị viện (gồm thượng viện và hạ viện) thì nghị sĩ của thượng viện (thượng nghị sĩ) sẽ đại biểu cho bang và do bang biểu, nghị sĩ của hạ viện (hạ nghị sĩ) sẽ do người dân bầu ra. Vậy nhưng dù là thượng nghĩ sĩ hay hạ nghị sĩ thì cũng chỉ là chính khách của đất nước họ.

Nói thẳng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nghị sĩ là chăm lo cho đời sống của người dân đất nước mình. Hành động vươn vòi bạch tuộc, viết thư ngỏ, kiến nghị, đưa ra yêu sách đối với một đất nước khác là điều không hề hay ho. Có lẽ, họ đang bị “ảo tưởng sức mạnh” về quyền lực của bản thân.

Hãy nhớ, trong pháp luật quốc tế, tất cả các quốc gia đều có vị thế pháp lý ngang hàng nhau. Đặc biệt, một trong những nguyên tắc tối quan trọng trong quan hệ quốc tế là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Hành động vươn xúc tua, đưa ra yêu sách đối với Việt Nam của một số “ngài nghị sĩ” ở nước ngoài đang thể hiện sự tiếu cân nhắc và lệch chuẩn trong việc thực hiện pháp luật quốc tế.

Đất nước Việt Nam do nhân dân Việt Nam làm chủ. Hơn ai hết, chính những con người Việt Nam là những người hiểu bản thân mình cần gì và nên làm gì. Vì vậy, đừng lấy mác “nghị sĩ” để cố tình rêu rao các thông tin lệch lạc về Việt Nam; đừng lấy danh nghĩa đại diện nhân dân để thực hiện những mưu đồ chính trị cá nhân.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Đọc nhiều