Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris thể hiện điều gì về ưu tiên của Mỹ cho Việt Nam giữa đại dịch Covid-19?

24/08/2021 16:46

PGS.TS Cù Chí Lợi, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định: “Thực tế, Việt Nam là một trong mười nước nhận được viện trợ rất lớn của Hoa Kỳ, không chỉ về vaccine, thiết bị y tế mà còn là cả về mặt tài chính để chống lại đại dịch”.

Việc Phó Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Quốc Hoa Kỳ phòng đều chọn Việt Nam và Singapore trong chuyến thăm chính thức của mình có ý nghĩa gì đặc biệt hay không?

Trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ từ thời Tổng thống Donald Trump đến thời Tổng thống Joe Biden đều nhắc đến hai đối tác rất quan trọng tại khu vực Đông Nam Á ngoài các đồng minh của họ, là Singapore và Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, các quốc gia, rất hãn hữu mới tổ chức những chuyến thăm của nhân vật cấp cao.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ – người đứng thứ hai trong Chính quyền hành pháp Hoa Kỳ trong thời gian tới chứng tỏ một mối quan tâm rất đặc biệt của Hoa Kỳ đối với khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là Singapore và Việt Nam.

Có thể nói, chuyến thăm trong thời điểm này, ngoài những lý do mà báo chí quốc tế đề cập, còn thể hiện sự chia sẻ và đoàn kết giữa các quốc gia với nhau trong bối cảnh khó khăn của đại dịch. Điều này sẽ trở thành một biểu tượng cho sự cam kết giữa hai quốc gia trong thời điểm khó khăn.

 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kỳ vọng chuyến thăm sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn này.

Hiện nay, Mỹ viện trợ vaccine cho nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hành động này cho thấy điều gì về chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ?

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng rất khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành, để lại rất nhiều hậu quả cả về kinh tế và y tế. Các nước phát triển đều có động thái hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Cả hai quốc gia này đều đang thực hiện chiến lược ngoại giao thông qua vaccine, và rất có thể trong thời gian tới, họ cũng sẽ đẩy mạnh phương thức ngoại giao mới này.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris và chiến lược viện trợ vaccine thể hiện điều gì về ưu tiên của Mỹ cho Việt Nam giữa đại dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Thực tế, Việt Nam là một trong mười nước nhận được viện trợ rất lớn của Hoa Kỳ, không chỉ về vaccine, thiết bị y tế mà còn là cả về mặt tài chính để chống lại đại dịch. Điều đó càng khẳng định, phía Hoa Kỳ rất quan tâm và muốn thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam.

 

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nắm quyền đến nay, ông nhận thấy những thay đổi tích cực gì trong quan hệ kinh tế, đối ngoại Việt Nam – Hoa Kỳ?

Mối quan hệ kinh tế, đối ngoại Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đến nay, vẫn được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực.

Việt Nam nhận vaccine do Mỹ tài trợ

Điều này thể hiện rõ qua quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Bất chấp Covid-19, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ trong 7 tháng vừa qua có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt trên 53 tỷ USD, tăng hơn 37% so với cùng kỳ. Về đầu tư, Mỹ vẫn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Về mặt đối ngoại, ta thấy ngay trong bối cảnh đại dịch Covid-19, không chỉ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, mà tới đây là Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tới thăm Việt Nam. Điều này cho thấy mối quan hệ song phương giữa hai nước trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

Mới đây, sau nhiều thông tin về việc nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ, phía Hoa Kỳ sau cùng quyết định không có hành động thuế quan với Việt Nam. Điều này có ý nghĩa thế nào?

Hoa Kỳ đưa ra quyết định không đánh thuế với hàng hóa Việt Nam và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, là dấu hiệu cho thấy sự phát triển rất quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước.

PGS.TS Cù Chí Lợi

Tôi cho rằng việc này đánh dấu một bước ngoặt rất quan trọng cả về mặt chính trị và kinh tế. Về mặt chính trị, hành động này làm ổn định trong quan hệ song phương và mặt kinh tế chính là tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư. Mặt khác, đây cũng là một thông tin quan trọng ảnh hưởng tới niềm tin của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là một tin vui cho các nhà đầu tư, giúp họ tự tin vào sự ổn định trong việc hợp tác đầu tư giữa hai bên.

Liệu tình hình dịch bệnh hiện nay có cản trở việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam?

Cho đến thời điểm này, dịch bệnh chắc chắn đã có tác động nhất định đến các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng.

Nhưng tôi cho rằng nếu nhìn ra rộng hơn thì trong bối cảnh này, toàn thế giới đều ở trong giai đoạn khó khăn, theo cách này hay cách khác, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.

Trong 1-2 tháng tới, nếu tình hình ở Việt Nam có thể kiểm soát tốt thì các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng sẽ không vội thay đổi quyết định của họ.

Đồng thời, việc nhiều công ty Hoa Kỳ kêu gọi ông Joe Biden tăng viện trợ vaccine cho Việt Nam cũng là một dấu hiệu rất tốt.

 

Với quan hệ thương mại phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, tôi tin chắc rằng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đều tính đến việc làm ăn lâu dài, và yên ổn ở Việt Nam. Do vậy, chắc chắn họ cũng muốn Việt Nam giải quyết tốt vấn đề dịch bệnh. Việc này không chỉ tốt cho nhà đầu tư, mà vận hành suôn sẻ chuỗi cung ứng ở Việt Nam còn tốt cho chính người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Do vậy, tôi cho rằng việc Hoa Kỳ viện trợ lớn, và nhiều công ty Hoa Kỳ kêu gọi ông Joe Biden tăng viện trợ vaccine cho Việt Nam thể hiện việc Hoa Kỳ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Song tất nhiên, nếu chúng ta để dịch bệnh kéo dài vài tháng nữa mà không kiểm soát được hiệu quả, hay không phát đi được những tín hiệu là chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh tốt, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định của nhà đầu tư nước ngoài.

Do vậy, tôi nghĩ rằng việc kiểm soát được dịch bệnh thông qua chiến lược tiêm vaccine với quy mô lớn, đạt 70-80% dân số trong thời gian tới sẽ là một trong những ưu tiên trong chính sách của Việt Nam.

Chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Kamala khẳng định vị thế Việt Nam.

Ông từng nhận định trước thềm bầu cử Tổng thống cuối năm 2020, rằng nếu Hoa Kỳ muốn giành quyền kiểm soát ở châu Á thì phải có chính sách về kinh tế để lôi kéo, và đây là lĩnh vực ông Biden có thể là khai thác trở lại khi đắc cử Tổng thống. Vậy chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris tới đây, liệu có liên quan đến mục tiêu này, khi báo chí quốc tế cho rằng chuyến thăm sẽ tập trung vào các vấn đề về chuỗi cung ứng?

Không chỉ chính quyền của ông Joe Biden, mà ngay từ chính quyền ông Trump trước đó, nước Mỹ đã có những tính toán lại về quan hệ quốc tế, trong đó có cả vấn đề về an ninh lẫn kinh tế.

Hiện nay, chính quyền của ông Joe Biden đang đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam về mặt chiến lược chung của họ tại châu Á, do vậy họ muốn thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam và đây là thời điểm họ tính toán thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ về mặt kinh tế cùng với mối quan hệ về quốc phòng an ninh.

Tôi cho rằng, Phó tổng thống Kamala Harris tới thăm Việt Nam, sẽ có một phương thức nào đó để nâng tầm hợp tác song phương giữa hai nước. Có thể sẽ là thương mại số, kinh tế số. Trong thời buổi hiện nay, kinh tế số và thương mại số đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ buôn bán và các hoạt động đầu tư giữa hai nước.

Tất nhiên chúng ta cũng có quyền hy vọng, hai bên có thể đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương theo hướng đặt vấn đề liên quan đến đàm phán và trao đổi để hình thành một thể chế thương mại, ví dụ như hiệp định tự do thương mại song phương. Tôi nghĩ đây cũng là một hướng chúng ta cần quan tâm trong chuyến viếng thăm này.

Trước đây ông đã từng nhận định nếu đắc cử, có thể ông Joe Biden sẽ hướng tới các phương thức hợp tác đa phương nhiều hơn. Vậy đã có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sẽ quay trở lại tham gia sâu vào các hiệp định đa phương hay chưa?

Các tín hiệu phát đi từ phía ngoại giao, cũng như các cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ cho thấy rằng, mặc dù ông Joe Biden muốn tìm kiếm sự đoàn kết, hoặc một cộng đồng quốc tế mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhưng trong vấn đề thương mại hay đầu tư, chưa có tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ quay trở lại các cam kết thương mại của khu vực với quy mô lớn như CTTPP.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng, Hoa Kỳ đang muốn thúc đẩy quan hệ đa phương với các quốc gia, nhưng đồng thời cũng lựa chọn một số đối tác để nâng tầm quan hệ song phương như Việt Nam, Singapore… – những đối tác mà họ cho là có tiềm năng.

Hoàng An

Đọc nhiều