Chuyến thăm của bà Pelosi gây ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?
Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đang đẩy quan hệ Mỹ – Trung lên một nấc thang căng thẳng mới. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ có thêm những rủi ro vào tình trạng vốn đã không ổn định sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Đầu tiên, sự việc trên đã làm cho thị trường chứng khoán toàn cầu ngập trong sắc đỏ. Ở châu Á, trường chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc, với chỉ số Thượng Hải Composite (SHCOMP) giảm 2,3%. Còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong (HSI) giảm 2,4%, chỉ số TAIEX của Đài Loan giảm hơn 2%. Còn các chỉ số chính ở Nhật, Hàn Quốc và Úc giảm từ 0,5% đến 1,6% . Chỉ số DAX của Đức (DAX) và CAC 40 của Pháp (CAC40) lần lượt giảm 0,3% và 0,4%, trong khi chỉ số FTSE 100 (UKX) tại London không đổi. Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều chìm trong sắc đỏ.
Bên cạnh sự chao đảo của thị trường chứng khoán là nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng công nghệ chíp toàn cầu. Bởi Đài Loan đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu vì các nhà sản xuất của họ là những nhà cung cấp chip tiên tiến đặc biệt quan trọng. Các tập đoàn lớn từ Apple đến Intel và Tesla đều phụ thuộc vào Đài Loan để sản xuất điện thoại thông minh, bộ vi xử lý máy tính và chip trí thông minh nhân tạo để lái xe tự động.
Sự thống trị về chip của Đài Loan đang ngày càng mạnh mẽ hơn và các nhà sản xuất chip ở hòn đảo này dự kiến tăng thị phần toàn cầu lên 66% trong năm nay. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan để trả đũa Mỹ sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng công nghệ chip toàn cầu.
Với Việt Nam, về tổng thể, kinh tế Việt Nam chưa chịu nhiều tác động và tiếp tục được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá cao và tương đối ổn định; tỷ giá, lãi suất và chứng khoán trong tầm kiểm soát. Những trước lo ngại căng thẳng quanh chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, về lâu dài, Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ.
Hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Ở thị trường nội địa của Việt Nam, hàng hóa trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, một phần hàng hóa của Trung Quốc lẽ ra để xuất khẩu, trước áp lực về thuế của Mỹ, sẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ gặp khó khăn hơn.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ – Trung Quốc bất ổn sẽ gây tác động mạnh tới tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD. Tiền Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tỷ giá của hai đồng tiền này nên cũng sẽ bị tác động. Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo những ngày qua cũng là yếu tố tác động trực tiếp tới diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong nước.
Từ những diễn biến nêu trên, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến hậu chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, biến động trên thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế. Từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt, chủ động.
Đồng thời, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, của thị trường tài chính – tiền tệ với các cú sốc bên ngoài thông qua việc đẩy nhanh xử lý những tồn tại, tăng các gối đệm như dự trữ ngoại hối, an toàn vốn cùng với việc tích cực dùng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, phái sinh tài chính… nhằm tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Diệu Hương