Chuyện ông Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản xấu hổ và xin lỗi trước dân
Sau khi xem lại video vụ việc không chấp hành chốt kiểm dịch, phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản tự thấy “xấu hổ” nên đã viết thư tay xin lỗi cử tri, cộng đồng mạng và xin từ chức.
Ngày 14/4 vừa qua, trao đổi với báo chí, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước xác nhận ông Lưu Văn Thanh – phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, là “nhân vật chính” trong video không chấp hành tại chốt kiểm dịch COVID-19 – đã viết tâm thư xin lỗi, và xin từ chức phó chủ tịch HĐND huyện, đồng thời xin thôi làm đại biểu HĐND huyện (nhiệm kỳ 2016-2021).
Trong bức thư tay dài hai trang với lời lẽ chân thành, ông Lưu Văn Thanh đã gửi lời xin lỗi đến cử tri, nhân dân huyện Hớn Quản và cộng đồng mạng xã hội. Đồng thời ngoài nội dung xin từ chức, ông Thanh đề cập vấn đề sẽ “chấp nhận mọi hình thức xử lý, kỷ luật của cấp có thẩm quyền” vì “tôi nhận thấy không còn xứng đáng là người đại biểu dân cử”, “một lần nữa bản thân tôi xin cúi đầu nhận lỗi”, “Xin hứa sau này dù làm bất cứ công việc gì tôi cũng sẽ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước”.
“Sau khi xem xong video vụ việc xảy ra, tôi thật lấy làm hối hận đã không kiềm chế được bản thân để nóng giận bộc phát. Những cử chỉ và lời nói của tôi tạo nên hình ảnh quá xấu và phản cảm. Ngay cả bản thân tôi khi xem xong cũng không hiểu vì sao lại có phản ứng quá mức như vậy, thật xấu hổ” – ông Lưu Văn Thanh viết.
Xấu hổ trước dân và hành động xin từ chức về hành động của ông Lưu Văn Thanh đúng là “trường hợp hiếm”, nhưng cũng là hành động có phần khích lệ vì biết nhận sai và sửa sai.
Xin lỗi trước dân và xấu hổ về hành động của mình làm là điều cần phải được thực hiện trong bộ máy nhà nước từ lâu. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để người cán bộ đề cao trách nhiệm, vai trò của mình.
Để người công bộc của dân, được hưởng một số quyền lợi, nhưng đó không phải là đặc quyền. Nhà nước và pháp luật tạo điều kiện cho người cán bộ có chức danh để phục vụ nhà nước và người dân. Khi được Đảng, Nhà nước tin cậy, thì trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo đó là phải làm sao để xứng đáng với niềm tin đó, tạo được niềm tin với Đảng, với nhân dân.
Chứ người dùng quyền lực đó để đục khoét, tham nhũng, để cậy chức quyền, phục vụ lợi ích cá nhân là điều thật đáng xấu hổ và không chấp nhận đứng trong hàng ngũ.
Trên Báo Sự thật số 109, ra ngày 15 tháng 4 năm 1949 trong bài “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng” của tác giả L.T.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách để làm sao kẻ địch không thực hiện được thủ đoạn phản tuyên truyền; đó là, “không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm”, còn nếu khi đã phạm khuyết điểm, thì dù “mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”.
Còn nhớ, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn”.
Hơn nữa, nguồn động lực phát triển lớn nhất của đất nước hiện nay không còn là “rừng vàng, biển bạc”. Mà theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nguồn lực phát triển đất nước hiện nay chính là từ đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và 100 triệu người dân Việt Nam.
“Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”, Thủ tướng nói.
Uy tín của Đảng cầm quyền nói chung, người cán bộ nói riêng cần luôn phải gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành liêm chính cả trong suy nghĩ và hành động. Nếu người cán bộ không tu dưỡng đạo đức cách mạng, không gương mẫu thực hành liêm chính thì không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân.
Vì thế, thực hiện liêm chính, thường xuyên rèn luyện đức liêm chính không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện “tứ đức” của người cán bộ mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức; không chỉ giúp người cán bộ tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của một tổ chức, của cả một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh và tiến bộ”.
Chính vì thế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân ”.
Uy tín của Đảng cầm quyền nói chung, của người cán bộ nói riêng là điều kiện kiên quyết tạo nên sự phát triển của một địa phương và của đất nước.
Hành động “nhân vật chính” trong đoạn clip 4 phút 40 giây ghi lại cảnh vị cán bộ này, có những lời lẽ hành động phản cảm, không đúng tại chốt kiểm dịch COVID-19 ở thị xã Bình Long (Bình Phước). Là điều cần lên án, không chấp nhận dù họ có giữa vai trò nào trong bộ máy nhà nước mà vi phạm chỉ thị cách ly của Chính phủ.
Và sau đó là việc xấu hổ trước dân, gửi lá thư tay xin từ chức và “chấp nhận mọi hình thức xử lý, kỷ luật của cấp có thẩm quyền” là hành động có phần nên “tuyên dương” và cần nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Trong “lời thề” của cán bộ công chức, thường nói, đặt lợi ích của Dân tộc, Đảng, Nhà nước, Nhân dân lên trên hết, nhưng thực ra về mặt bản chất chúng ta thấy rằng hầu hết những người rơi vào tình trạng đó (có vi phạm) đều đặt lợi ích cá nhân lên trên hết.
Trong suốt thời gian qua, công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng bộ máy chính quy của Bộ Chính trị đã giúp Đảng không ngừng củng cố vai trò và năng lực lãnh đạo để gây dựng niềm tin, uy tín với nhân dân thông qua việc “chỉnh đốn”, xử lý những thói hư, tật xấu trong một bộ phận, cán bộ, đảng viên.
Chính vì thế, việc loại bỏ những hành động xấu của cán bộ, đảng viên là điều cần lên án thực hiện. Và hơn hết cần thực hiện nghiêm túc ở mọi địa phương, bởi có như vậy thì “gốc có vững cây mới bền” và Đảng mới vững mạnh và phát triển để trường tồn cùng dân tộc.
Hồng Đinh
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)