Chuyện mang trang phục ra đấu trường quốc tế
Không ít người hoang mang khi nhìn thấy trang phục của thí sinh đại diện Việt Nam trong kỳ thi Nam Vương Quốc Tế diễn ra ở Thái Lan hồi đầu năm nay. Càng ngỡ ngàng hơn khi được biết trang phục đó được nhà thiết kế nổi tiếng SH lấy ý tưởng từ áo vua nước ta cách đây 10 thế kỷ.
Vị vua truyền cảm hứng cho nhà thiết kế này là vua Lý Nhân Tông, sống vào thế kỷ thứ 11. Đây là vị vua để lại nhiều di sản quý cho dân tộc, như công trình Quốc Tử Giám (trường Đại học đầu tiên của Việt Nam), đê sông Hồng, chùa Diên Hựu…, và nhiều trận đánh vẻ vang chiến thắng quân Tống gắn với tên tuổi danh tướng Lý Thường Kiệt.
Một vị vua như vậy hẳn nhiên cần được tôn vinh, thế nhưng, cách mà bộ trang phục được cho là lấy “cảm hứng” từ triều phục của ông, thì lại khiến hậu thế không biết nói sao cho phải.
Trên các tư liệu lịch sử để lại, triều phục nhà Lý không có nhiều mô tả chân thực, mà chủ yếu là phóng tác của các nghệ nhân tuồng chèo. Từ đó có thể thấy, bộ trang phục phụ thuộc phần lớn vào trí tưởng tượng của nhà thiết kế. Kết quả là thí sinh mang tiếng đại diện Việt Nam, nhưng nhìn vào “trang phục truyền thống”, người ta thấy có nét hao hao các nhân vật trong game dã sử, vừa giống Tàu, lại vừa lai Hàn, chứ không gợi cảm giác Việt nào.
Nhiều năm trở lại đây, phần thi “trang phục truyền thống” hay “trang phục dân tộc” của đại diện Việt Nam ở các cuộc thi nhan sắc quốc tế thường gây sốc cho công chúng nước nhà. Phần lớn ý kiến trái chiều cho rằng các thiết kế này rườm rà, kỳ dị, yếu tố dân tộc tuy có, nhưng mờ nhạt, chủ yếu là cái cớ để thể hiện cá tính của nhà thiết kế.
Xét về tính đại diện, trang phục được trình diễn ở các cuộc thi quốc tế nhất thiết phải cho thấy được nét đặc sắc, tiêu biểu của nền văn hóa mà thí sinh đại diện. Nét đặc sắc, tiêu biểu đó có thể là trong quá khứ hay đương đại, nhưng phải được chắt lọc tinh tế, không thô thiển, không tùy tiện.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa vẫn chưa chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát mảng “trang phục truyền thống” này, thường khi chuyện đã xảy ra, dư luận dậy sóng, thì mới thấy cơ quan quản lý văn hóa tuýt còi. Thiết nghĩ, Bộ VHTT nên có hẳn một bảng tiêu chuẩn cho các trang phục dự thi phần “trang phục truyền thống” ở các kỳ thi nhan sắc quốc tế. Đây không phải là sự cứng nhắc, hay cản trở sáng tạo của các nhà thiết kế, mà nó là động thái cần thiết, thể hiện thái độ tôn trọng văn hóa dân tộc, và các chuẩn mực của văn hóa dân tộc.
Phạm Khoa