28
category
435896

“Chuyện lạ” xứ Lạng và lá thư nắn nót từng chữ của 11 hộ nghèo

Minh Khuê 05/10/2020 15:00

Vừa qua, tại xã Liên Sơn, một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, lại xảy ra một câu “chuyện lạ”, khi cùng lúc có đến 11 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Quyết định có phần bất ngờ của của 11 gia đình nông dân phản ánh thật rõ ý chí phấn đấu, vươn lên vượt qua nghịch cảnh, tự lực tự cường của người Việt Nam, cũng là minh chứng cho thành quả xóa đói giảm nghèo suốt 5 năm qua của chính phủ.

Nhờ phát triển kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi, gia đình ông Dương Văn Séng có cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Liên Sơn là xã vùng 3 (đặc biệt khó khăn) của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào lao động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn xã có 179 hộ gia đình thì có gần phân nửa số hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Thế nhưng, 11 gia đình vừa qua lại mạnh dạn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Lý giải về việc làm này, các hộ gia đình cho biết những năm qua, nhờ tích cực lao động, áp dụng nhiều phương thức canh tác, nuôi trồng nên kinh tế từng bước được đi lên, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống, một số hộ thậm chí đã tích góp đủ để xây cất lại nhà cửa. Cảm thấy cuộc sống đã dần ổn định, không cần phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ chính quyền và các nhà hảo tâm, và cũng để tự tạo động lực cho chính mình, những người nông dân chân chất đã viết đơn tự xin khỏi hộ nghèo. Lựa chọn không làm người nghèo, quyết định của họ quả thật là một tấm gương nghị lực điển hình, vươn lên bằng sức lao động của mình, tự lực tự cường, như chính mong mỏi của Thủ tướng đối với người nông dân nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Lá đơn viết tay của nông dân Lương Văn Tròn xin thoát nghèo.

Nhìn vào lá đơn viết tay của những người nông dân, nét chữ đơn sơ cùng những lời mộc mạc “kinh tế gia đình tôi đã tự lo được cho cuộc sống gia đình”, bất giác người viết lại cảm thấy ấm lòng. Niềm vui khi nghĩ đến những người từ nay không còn phải chật vật lo từng bữa ăn, không còn ưu tư về cái chữ cho con, tuy nhỏ nhoi nhưng lại đủ thắp sáng hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp. Có được những niềm vui như thế, họ đã đánh đổi bằng bao mồ hôi và nước mắt, nhưng thành quả của ngày hôm nay mới thấy thật là xứng đáng. Và có lẽ, đối với những cán bộ xã, những lá đơn ấy đã thay tất cả lời cảm ơn cho những ngày tháng vận động, tuyên truyền, đi tìm giải pháp giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo. Ý chí của người nông dân thật phi thường, nhưng khi có được sự hướng dẫn, định hướng từ các cán bộ, ý chí ấy được hiện thực hóa, những suy nghĩ thoát nghèo được biến thành hành động, và hành động đã biến ước mơ thành hiện thực. Chính nhờ những chính sách kịp thời, phù hợp, họ không chỉ có vốn, mà còn có cả hướng đi cho riêng mình. Như ông Lương Văn Tròn, một trong những nông dân viết đơn xin thoát nghèo, ông được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng trồng cây ăn quả, hay như anh Chu Văn Đèo và ông Vi Văn Vinh, nhờ làm theo chính sách trồng rừng của xã, nay mỗi người đã có khoảng 1 ha rừng thông, kinh tế cải thiện, gia đình có của ăn, của để…

Căn nhà tươm tất của một trong 11 hộ dân xin thoát nghèo.

Câu chuyện vượt khó của 11 hộ nông dân ở Liên Sơn một lần nữa cho thấy nông nghiệp và nông thôn luôn có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, luôn được chính phủ quan tâm, hỗ trợ bằng chính sách, bằng định hướng, và bằng những chỉ đạo sâu sát. Như vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị đối thoại với người nông dân lần 3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cũng chính là để trực tiếp được nghe những băn khoăn, thắc mắc và ưu tư từ chính những người nông dân, để cùng nhau tìm ra giải pháp, “gỡ rối” cho những khó khăn mà họ đang đối mặt. Khi ấy, Thủ tướng trên chiếc ghế chủ tọa, đã đối thoại rất thẳng thắn, trực tiếp với hơn 300 nông dân. Những câu trả lời “nóng” của người nông dân, được đáp lại bằng những câu trả lời cũng “nóng” không kém từ người đứng đầu chính phủ. Những câu trả lời chắc chắn, quyết đoán nhưng rất sát sao, đi thẳng vào vấn đề, đủ để thấy Thủ tướng hiểu rất rõ những khó khăn, khúc mắc của nền nông nghiệp, của người nông dân. Với những người nông dân dự hội nghị hôm ấy, hẳn không thể không lưu lại cho mình một sự tin tưởng đối với người lãnh đạo đang thấu hiểu nỗi lo của mình, cũng như niềm tin vào những điều chính phủ sẽ làm được cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với nông dân lần 3.

Đối thoại với người nông dân, ánh mắt của Thủ tướng không nhìn vào những tập tài liệu, những con số khô khan, cứng nhắc, cũng không nhìn vào những lãnh đạo bộ ngành bên cạnh. Ánh mắt của ông, thay vào đó, hướng đến hội trường, đến những người nông dân đang ngồi bên dưới. Đó là ánh mắt của một người có tấm lòng nhiệt huyết hơn tất cả cho nền nông nghiệp nước nhà, cho đời sống của mỗi người nông dân trên đất nước Việt Nam.

MINH KHUÊ

Đọc nhiều